Những biến động ở Ai cập và Sudan nói riêng, ở cả châu Phi nói chung trong thời gian vừa qua không chỉ làm biến động cả châu lục mà còn rất có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các quốc gia ở Châu Phi, động chạm đến những thoả thuận pháp lý quốc tế đã được ký kết và thực hiện lâu nay, trong đó có chuyện sử dụng nguồn nước sông Nil.
|
Chuyện là thế này: Sông Nil lấy nước từ Ethopia (86%) và Tansania, chảy qua các quốc gia khác nữa là Sudan – mà giờ tách thành hai quốc gia độc lập – Kenia, Uganda, Công gô, Burundi và Eritrea trước khi đổ vào Ai cập và ra biển. Sông Nil là nguồn nước quan trọng nhất của tất cả các quốc gia này từ xa xưa đến nay, mang ý nghĩa chiến lược sống còn của các quốc gia liên quan nói trên.
Quyền sử dụng nước sông Nil được quy định trong Hiệp định ký năm 1929 giữa Ai Cập và Anh, năm 1959 có được điều chỉnh chút ít. Hiệp định đó cho phép Ai cập hàng năm sử dụng hai phần ba khối lượng nước sông Nil, tất cả các nước khác chung nhau sử dụng một phần ba còn lại.
Mọi dự định của các nước ở thượng và trung lưu dòng sông này nhằm sử dụng nhiều nước sông Nil hơn đều không được các thể chế tài chính quốc tế tài chi với lập luận trái với hiệp định đó.
Cái ích kỷ của cả Anh lẫn Ai cập với hiệp định nói trên rất rõ ràng. Chính quyền Anh dành cho Ai cập vị trí quan trọng về địa chiến lược trong chiến lược đối với khu vực, đặc biệt vì có kênh đào Suez . Những quốc gia khác đều không quan trọng đối với họ nhưng vì yếu thế nên đành phải chịu.
Thời thế thay đổi và nhu cầu phát triển nông nghiệp ở các nước cũng khác trước nên cuộc tranh chấp giữa họ với Ai cập về việc sử dụng nước sông Nil trở nên quyết liệt và công khai hơn.
Năm 1999, họ đã buộc Ai cập phải tham gia Nhóm Lưu vực sông Nil bao gồm tất cả các quốc gia liên quan để sử dụng nguồn nước sông Nil công bằng hơn và hiệu quả hơn.
Họ cũng đã tập hợp nhau lại để cùng nhau thực hiện những dự án xây đập ngăn nước làm thuỷ điện và thuỷ lợi kể cả khi Ai cập không chấp nhận. Họ muốn thay đổi Hiệp định năm 1929 hoặc không tuân thủ theo hiệp định đó nữa. Cũng phải thôi, luật pháp một khi đã lỗi thời thì không thể không sửa đối, nhất là khi ngay từ đầu đã dựa trên cơ sở tìn gian mà lý cũng gian như trong câu chuyện này.
Thiên Lang