Tỉnh Lào Cai ra công điện chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ

(PLVN) - Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lào Cai vừa ra công điện đề nghị các Sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ.
Mưa lớn đã làm sạt lở tại nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Mưa lớn đã làm sạt lở tại nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Do ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới từ ngày 27 - 28/9/2023 trên địa bàn tỉnh có mưa đều khắp, một số nơi có mưa to. Do mưa to kéo dài, nước trên các sông, suối dâng cao, một số hồ chứa đã vượt ngưỡng, đất đã ngấm no nước trong khi thời tiết tiếp tục mưa. Do đó hiện tượng sạt lở, sụt lún, ngập úng và lũ quét xảy ra là rất cao.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai, trong những ngày tới trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to.

Để chủ động trong phòng ngừa, ứng phó trước mọi tình huống do thiên tai có thể xảy ra, nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất. Đồng thời thực hiện nghiêm Công điện số 898/CĐ-TTg ngày 28/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ. Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu:

UBND các huyện, thị xã, thành phố: Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch và các biện pháp phù hợp phòng ngừa, ứng phó với các loại thiên tai nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có phương án di chuyển ngay các hộ này đến nơi an toàn. Triển khai ngay các lực lượng xung kích để kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống thiên tai tại công trường.

Phối hợp với các sở: Công thương, Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các chủ đập, hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi thực hiện kiểm tra hồ đập, xử lý các khu vực trọng điểm xung yếu về hồ đập; vận hành hồ chứa, xả lũ đúng quy trình… đảm bảo tiêu thoát lũ.

Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có vết nứt, cung trượt để có ngay biện pháp cảnh báo, xử lý kịp thời, đặc biệt là các vị trí sung yếu đã được xác định có nguy cơ cao; cử người cảnh giới và cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét,...

Kiểm tra trang thiết bị PCTT và TKCN; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để ứng phó với các sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, ứng phó theo Phương án, Kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc huy động lực lượng, trang thiết bị phục vụ các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Tăng cường lực lượng giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định đời sống của người dân; đặc biệt là bố trí chỗ ở cho các hộ phải sơ tán, di chuyển. Tổ chức trực ban 24/24h; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, kịp thời báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT tỉnh theo quy định.

Các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến thời tiết, thiên tai để chỉ đạo các địa phương được phân công phụ trách. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2023 được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 552/QĐ-UBND ngày 15/3/2023 để ứng phó với mưa, lũ kịp thời và hiệu quả./.

Đọc thêm