Quên bệnh tật lo cho con
Ông Hàn Nguyên Đức (50 tuổi, ngụ huyện Ngân Bắc, TP.Ngân Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) là nhân viên lái xe trong một công ty. Hai vợ chồng ông đều là người hiền lành đức độ, có hai con trai và một con gái. Tuy gia cảnh không thuộc hàng dư giả nhưng các con ngoan ngoãn, chịu khó học hành khiến căn nhà luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.
Đầu năm 1995, ông Đức cảm thấy càng ngày sức khỏe càng yếu, dễ mệt mỏi mất sức. Đến bệnh viện kiểm tra, cầm trên tay kết quả xét nghiệm, ông giật mình khi biết mình bị viêm thận mãn tính giai đoạn cuối. Bác sĩ cho biết cần phải điều trị sớm nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Trên đường về nhà, ông Đức suy nghĩ và đấu tranh kịch liệt. Bởi ông lo lắng cậu con trai lớn 18 tuổi Hàn Vĩ, con trai thứ hai 16 tuổi Hàn Quân và cô con gái út 14 tuổi Hàn Duyên vẫn đang còn đi học. Ông nghĩ trách nhiệm của mình vẫn chưa hoàn thành nên bất kể thế nào cũng không được phép ngã quỵ. Vậy là ông giấu mọi người trong nhà việc mình bị bệnh, không những không nghỉ ngơi điều trị mà còn tăng thêm cường độ làm việc với suy nghĩ trước khi chết có thể kiếm thêm chút tiền cho các con.
Đến tháng 4/1997, ông thực sự không thể chịu đựng thêm được nữa nên đến bệnh viện cắt chút thuốc lá về uống cho rẻ tiền. Tối hôm đó, người vợ thấy chồng đem túi thuốc to về mới biết ông mắc trọng bệnh từ lâu. Tuy nhiên, khi bà tỏ ý muốn đưa chồng đi khám thì ông Đức nói: “Chúng ta làm gì có tiền để nằm viện? Đừng để vì một mình anh mà ảnh hưởng đến cả nhà, càng không được làm lỡ dở việc học hành của các con”.
Lời nói của chồng khiến người vợ do dự, cuối cùng vì không muốn các con biết chuyện ảnh hưởng đến nghiệp học nên hai vợ chồng coi bệnh của ông như bí mật.
Là con cả phải có trách nhiệm
Khoảng 1 năm sau, bệnh tình của ông Đức đã chuyển thành nhiễm độc niệu. Trong ấn tượng của các con, người cha vốn vui vẻ bỗng trở nên trầm mặc ít nói, người mẹ cũng cả ngày buồn bã, thỉnh thoảng lại khóc thầm một mình.
Thấy sự thay đổi, người con cả cảm thấy cha mẹ có điều giấu mình. Một hôm anh vô tình phát hiện kết quả xét nghiệm của cha nên mới biết tất cả. Thấy cha mắc trọng bệnh còn gắng gượng kiếm tiền nuôi gia đình, Hàn Vĩ nghĩ dù mình có thi đỗ đại học thì cũng trở thành gánh nặng cho mọi người. Là con cả, anh phải đứng ra cùng cha mẹ chia sẻ sự vất vả.
Vậy là Vĩ giấu các em xin nghỉ học để kiếm tiền. Đứng trước sự lựa chọn của con trai, cha mẹ anh vô cùng cảm động vì lòng hiếu thảo, nhưng lại cảm thấy thương cảm trước hiện thực phũ phàng này. Ông Đức hàng ngày đưa con đi theo phụ xe rồi cho Vĩ thi giấy phép, xin vào làm tài xế cho công ty. Thời gian này, mỗi ngày ông phải trả vài chục tệ tiền thuốc cùng chi phí lọc máu khiến ông dường như hụt hơi.
Hàn Quân thấy anh trai bỏ học, vặn hỏi mãi anh trai mới cho biết cha bị bệnh, nghe vậy Quân cũng nhất quyết bỏ học cùng anh kiếm tiền cứu cha. Trong lúc ấy, cô út hoàn toàn không biết lý do hai anh bỏ học mà chỉ ngây thơ cho rằng do thành tích của các anh không tốt nên mới như vậy. Vì thế cô hết sức chăm chỉ học hành hi vọng cha mẹ có thể mở mày mở mặt.
Bắt đầu từ tháng 4/1999, bệnh tình của ông Đức ngày càng nặng thêm, cứ 5 ngày phải tiến hành lọc máu một lần. Do tiền kiếm không được bao nhiêu nên gia đình phải vay mượn người thân họ hàng khắp nơi để điều trị cho ông.
Đừng lo cho cha, hãy vì em gái
Tháng 9 năm đó, Hàn Duyên thi đỗ vào hệ cao đẳng Đại học sư phạm Ngân Châu, tiền học phí 3 năm tới hơn 10 ngàn tệ. Ông Đức nói với con trai: “Đừng lo bệnh tình của cha nữa, điều quan trọng nhất bây giờ là chu cấp cho Duyên học đại học. Cha đã làm liên lụy đến các con, bây giờ không thể để Duyên phải hi sinh một cách không cần thiết”.
Hai anh em Vĩ tỏ ý cha hãy yên tâm, họ sẽ cố gắng kiếm tiền chữa trị cho cha và lo tiền học cho em gái. Trước sự kiên quyết của người cha, cả nhà đành phải đem số tiền dùng chuẩn bị lọc máu cho ông để cung cấp cho Duyên đóng tiền học.
Việc ngừng lọc máu khiến ông Đức bị những cơn đau kịch liệt dày vò. Ông nắm tay vợ nhắn nhủ trong nước mắt: “Có lẽ thời gian của tôi không còn nhiều nữa, con gái phải khó khăn lắm mới thi đỗ nên dù thế nào cũng không thể để Duyên phải nghỉ học. Thực hiện được tâm nguyện này tôi chết cũng an lòng rồi!”.
Đúng lúc người cha cận kề giữa cái chết và sự sống thì hai anh em Vĩ, Quân vay được tiền của đồng nghiệp gửi về nhà nên ông Đức mới tiếp tục được chữa trị. Những ngày tháng sau đó, ông vẫn kiên quyết vừa trị bệnh vừa làm việc, không chấp nhận đầu hàng bước chân tử thần ngày càng cận kề. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, Duyên xin vào dạy tại trường tiểu học thị trấn. Đến lúc này cô mới biết rằng cha mình mắc trọng bệnh, trong lòng vô cùng xấu hổ và áy náy.
Tranh nhau hiến thận cho cha
Đầu năm 2002, tình trạng của ông Đức càng ngày càng trầm trọng, mỗi tuần phải lọc máu hai lần, 3 anh em Hàn Vĩ dù rất vất vả nhưng tiền lương vẫn không đủ chi phí trị liệu cho cha. Bác sĩ cho biết lọc máu là cái thùng ngốn tiền không đáy, nó sẽ khiến người điều trị bại sản, khi không còn tiền thì người cũng mất. Cách duy nhất để giải quyết là thay thận. Nhưng với số nợ hiện thời, việc thay thận là hoàn toàn không đơn giản với gia đình họ.
Một ngày tháng 11, Vĩ xem ti vi thì được biết tại Bệnh viện Quân y 181 Quế Lâm có cơ chế nếu người thân hiến thận cho bệnh nhân thì không những được giảm phần lớn chi phí mà khả năng thành công còn lên đến 95%.
Nghe tin này như bắt được vàng, Vĩ lập tức gọi điện cho em trai: “Em à, mình không có tiền nhưng có thể hiến thận cho cha”. Hàn Quân nghe vậy hôm sau liền xin nghỉ làm về nhà. Tuy nhiên, trong quá trình quyết định xem ai là người hiến thận, giữa 3 anh em đã xảy ra “xung đột” kịch liệt.
Hàn Vĩ nói mình là anh cả nên có trách nhiệm hiến thận. Hàn Quân cũng không vừa: “Em cũng là con của cha, tại sao em không được hiến? Anh có nghề lái xe, kiếm tiền nhiều nhất nên không thể để sức khỏe anh bị ảnh hưởng”.
Thấy hai anh tranh chấp nhau, cô út liền lên tiếng: “Các anh đã hi sinh nhiều rồi, em là người nợ cha nhiều nhất, hãy để em hiến cho cha”. Cô vừa nói xong liền bị hai người anh phản đối. “Đây là việc của đàn ông, em xen vào làm gì?”, Hàn Vĩ nói. Quân tiếp lời: “Em là con gái, nếu cắt mất một bên thận thì sau này làm sao lấy chồng được?”. Dù hai anh hết lời ngọt nhạt nhưng Duyên một mực không chịu, dùng hàng loạt lý do để giành quyền hiến thận với hai anh.
Thấy không ai chịu nhường ai, Vĩ đưa ra ý kiến mọi người cùng ký bản thỏa thuận, thận của ai phù hợp sẽ do người đó hiến cho cha. Vĩ còn lén ghi chú sẽ lần lượt ưu tiên tuổi từ lớn đến bé để giành quyền ưu tiên hiến thận cho mình. Sau khi ký xong thỏa thuận, để bảo vệ em gái, hai người anh liền giấu em đi bệnh viện kiểm tra trước nhằm tạo ra sự đã rồi, tránh Duyên phải hiến thận.
Ngày 19/11, hai anh em Vĩ nhân lúc em gái đến trường liền nói dối cha rằng Bệnh viện Quân y 181 có phương pháp điều trị hiệu quả mà chi phí thấp rồi đưa ông đến đây. Hàn Nguyên Đức không hề biết chuyện các con tranh nhau hiến thận cho mình nên đồng ý.
Mãi tới khi tiến hành kiểm tra máu ông mới biết sự thực nên nói: “Tấm thân già này của cha có đáng gì đâu? Các con còn chưa lấy vợ, sao cha có thể để các con cắt một bên thận của mình? Nếu các con làm vậy, chi bằng cha chết luôn lúc này”.
Nói rồi ông gạt nước mắt gắng sức tàn lao ra lan can, hai người con vội vàng ngăn lại, họ khóc lóc quỳ xuống xin cha nghĩ lại. Nhìn cảnh đó khiến những người có mặt không kìm được nước mắt. Đúng lúc đó thì kết quả cho biết cả hai người đều không phù hợp để cho thận.
Kết quả này khiến hai anh em hết sức bàng hoàng, còn người cha thở phào như trút được gánh nặng. Ông khảng khái nói: “Cha cảm thấy tự hào vì có những người con hiếu thảo như các con. Nếu có kiếp sau, cha vẫn muốn được ở bên cạnh chăm sóc các con”.
Nếu không làm, suốt đời sẽ không thanh thản
Việc 3 cha con đi Quế Lâm không giấu được Hàn Duyên. Khi gạn hỏi các anh thì Hàn Vĩ cho biết họ không thể hiến thận, nhưng bệnh viện hứa sẽ tìm nguồn thận cho cha, đợi một thời gian nữa cha cũng sẽ được cứu.
Nghe xong Duyên biết rằng các anh nói vậy chỉ vì muốn an ủi mình. Cô nghĩ nguồn thận không những khó tìm mà nếu tìm được thì gia đình cũng không lấy đâu ra tiền phẫu thuật. Cô liền nói với hai anh rằng mọi người đã ký thỏa thuận nên bây giờ sẽ đến lượt mình đi kiểm tra. Bị các anh ngăn cản nhưng cô vẫn một mình đến bệnh viện, kết quả cho thấy cô hoàn toàn phù hợp để hiến thận. Duyên hết sức vui mừng thông báo cho hai anh biết.
Nhìn kết quả chẩn đoán, hai người anh thẫn thờ ngửa mặt thở dài: Tại sao vận mệnh lại tàn khốc đến vậy, tại sao ông trời lại cố tình trêu đùa số phận gia đình họ? Hàn Vĩ định ngăn cản nói em gái khó khăn lắm mới xin được việc, nếu chẳng may có vận mệnh gì thì dù có cứu được cha đi nữa thì ông và các anh của cô cũng áy náy suốt đời.
Hàn Quân tiếp lời: “Chúng ta cũng đã tận tâm báo hiếu rồi, vận mệnh cũng muốn dày vò cha, chúng ta cũng không còn cách nào khác. Việc hiến thận từ giờ sẽ không nhắc lại nữa, tránh để cha gặp thêm nhiều áp lực tinh thần”. Duyên nghe xong đáp: “Đúng là không thể trách các anh vì điều kiện không phù hợp, nhưng nếu các anh không cho em hiến thì suốt đời em sẽ không được thanh thản!”.
Hai người anh thấy em gái kiên quyết như vậy, lại không nỡ nhìn cha đối mặt với cái chết nên cuối cùng đành đồng ý. Tuy vậy, khi Hàn Duyên nói ý định của mình, ông Đức thà chết chứ không chịu chấp nhận. Mẹ cô ở bên cạnh lại là người cảm thấy đau khổ nhiều hơn: “Con như vậy bảo mẹ phải làm sao đây? Cả con và cha con đều là người thân nhất của mẹ, bảo mẹ phải lựa chọn thế nào đây?”.
Thấy vợ không thể khuyên được con, ông Đức liền huy động người thân đến khuyên Hàn Duyên. Có người bảo Duyên sức khỏe yếu, nếu cắt đi một bên thận sẽ ảnh hưởng rất lớn, sau này làm sao lấy được chồng, sinh con, hạnh phúc tương lai bị hủy hoại.
Tuy nhiên mặc mọi người hết lời can ngăn vẫn không lay động được quyết định của Duyên. Hàng ngày cô vẫn đến bên giường làm công tác tư tưởng với cha. Ông Đức thở dài buồn bã: “Con gái, con đừng ngốc như vậy! Ai rồi cũng phải chết, dù cha có nhận thận của con thì sớm muộn cũng phải rời xa các con. Chẳng lẽ con muốn cha chết mà phải đem theo nỗi đau khổ hay sao? Hãy để cha được ngậm cười từ giã nhân gian!”.
Trong lúc đó, người nhà đứng giữa một bên là người chồng người cha sắp mất, một bên là người muốn hiến thận cho cha nên không biết phải thuyết phục ai.
Quỳ xuống xin cha thay thận
Cuối tháng 12, bệnh tình của ông Đức có biến chuyển xấu, Duyên biết không thể kéo dài thêm nên bảo với hai người anh tìm cách thuyết phục cha. Nếu nước mắt không làm ông động lòng thì họ sẽ quỳ xuống để cầu xin. 3 anh em đến trước giường kiên trì thuyết phục cha thay thận.
Thấy 3 con như vậy, tâm trạng ông Đức vô cùng phức tạp, liên tục đấu tranh. Các con hi vọng mình sống tiếp, nhưng con gái còn trẻ như vậy, cuộc sống tương lai còn dài, sợ có điều gì sơ xuất nên ông kiên quyết từ chối.
Hàn Duyên nghe xong quỳ sụp xuống: “Cha, cha cho chúng con sinh mạng, vất vả nuôi chúng con khôn lớn, nay chúng con đều trưởng thành thì cha lại muốn bỏ chúng con ra đi, cha nghĩ xem như vậy chúng con làm sao yên lòng được? Nếu cha không đồng ý, con sẽ ngày đêm quỳ trước mặt cha cùng cha chịu đựng sự hành hạ của bệnh tật, đến khi nào cha đồng ý mới thôi”.
“Con đừng nói nữa, có những người con hiếu thảo như thế này cha chết cũng nhắm mắt rồi. Cha đã già rồi, sao có thể để con hi sinh để cứu thân thể già nua này?”. Lúc này, hai người con trai cũng quỳ xuống hết lời cầu xin ông, cảnh ấy diễn ra hơn một tiếng đồng hồ. Người mẹ đứng bên lòng đau như dao cắt, bà rơi nước mắt khuyên chồng nên nhận tấm lòng thơm thảo của các con. Ông Đức thấy vậy bật khóc như đứa trẻ con bảo các con đứng dậy, cha đồng ý đề nghị của các con.
Hạnh phúc dù xa cách
Nguồn thận đã được giải quyết, nhưng chi phí phẫu thuật đắt đỏ khiến cả gia đình một lần nữa rơi vào khó khăn. Thế nhưng, chính câu chuyện cô gái trẻ xinh đẹp hiến thận cứu cha đã làm cảm động những người xung quanh. Khi biết tin, bạn bè, người thân, đồng nghiệp của cô và những người trong nhà đều hết lòng giúp đỡ. Tuy vậy, số tiền quyên góp ấy vẫn chưa đủ.
Hàn Duyên liền gọi điện cho trưởng khoa thận bệnh viện 181 nói khó khăn của mình. Vị trưởng khoa này cảm động trước câu chuyện của gia đình cô nên mở cuộc họp rồi quyết định miễn giảm thêm một phần chi phí phẫu thuật và thuốc men, giúp Duyên hoàn thành tâm nguyện cắt thận cứu cha.
Ngày 21/1/2003, bác sĩ làm kiểm tra trước phẫu thuật đối với Duyên, phải dùng một một sợi kim loại xiên từ đùi lên đến thận tạng của cô để quan sát sự vận chuyển của huyết quản. Dù đau đớn tận óc nhưng Duyên vẫn cắn răng chịu đựng không kêu ca nửa lời.
Ngày hôm sau, gia đình Duyên đưa ông Đức tới bệnh viện chuẩn bị phẫu thuật. 2h40 chiều 24/1, khi được đưa vào phòng phẫu thuật, ông Đức vẫn còn chút không nỡ để con hiến thận cho mình nên nhìn con mà nước mắt cứ lăn dài. Hơn 2 tiếng sau đó, ca phẫu thuật hết sức thành công, hai cha con được nằm chung một phòng, Duyên là người tỉnh dậy trước, nhìn cha đang ngủ ngon trên giường, trong lòng cô dấy lên một niềm vui khó tả.
Sau một tháng, cả hai cha con đều được xuất viện. Thế nhưng, mỗi tháng ông Đức phải dùng hết 2 ngàn tệ tiền thuốc chống thải hồi. Số tiền này đối với gia đình ông quả là một khoản vượt ngoài sức chịu đựng. Bởi trước đó họ đã phải vay mượn hơn 100 ngàn tệ. Nợ cũ chưa trả xong đã thêm nợ mới khiến gia đình này luôn sống trong khó khăn cơ cực.
Mãi đến khi Thời báo Nam Kinh và Thời báo Ngân Châu đăng tải câu chuyện cảm động của họ đã làm rung động nhiều người. Một số công ty thuốc đã chủ động liên hệ cung cấp thuốc miễn phí cho ông Đức. Một câu lạc bộ đánh Golf cũng mời Hàn Vĩ đến làm việc. Một doanh nghiệp tại địa phương cũng chủ động sắp xếp công việc cho Hàn Quân với mức lương ưu đãi.
Về phía Hàn Duyên, sau khi xuất viện, cô đã trở lại làm việc. Hai người anh trai nói, nếu việc hiến thận sau này có ảnh hưởng gì đến em gái họ sẽ chăm sóc cô suốt đời. Tháng 5/2004, mẹ Hàn Duyên thấy các con mãi vẫn chưa chịu lập gia đình vì cuộc sống còn nhiều khó khăn, bà liền lên thành phố làm giúp việc để đỡ đần các con.
Tết 2005 là lúc đoàn viên của các gia đình, nhưng nhà họ Hàn lại xa cách mỗi người một nơi. Dẫu vậy họ vẫn cảm thấy gia đình thật hạnh phúc, bởi họ biết các thành viên xa cách nhau chỉ là tạm thời. Bởi họ đang phấn đâu cho một mục đích và yêu thương nhau…