Khoảng bốn tháng sau, Tâm ra trại, ở trọ cùng mẹ và ông Thủy, lúc này đã được Tâm gọi bằng “bố”. Án mạng xảy ra trong một lần hai “bố con” cùng sử dụng ma túy và tranh cãi về chất lượng.
Tranh cãi chết người
Án mạng xảy ra vào tối 19/12/2015 trên đường Bạch Đằng (phường Chương Dương). Nạn nhân là Đàm Ngọc Thủy (SN 1970, ngụ thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) ở trọ tại số nhà 705 đường Bạch Đằng cũng là hiện trường vụ án.
Hai ngày sau, nghi phạm bị bắt giữ là Nguyễn Minh Tâm (SN 1987, ngụ xã Tuân Lộ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, ở cùng nhà với nạn nhân). Quá trình điều tra làm rõ: Tâm và ông Thủy cùng làm thợ xây cho một chủ thầu. Hai người và nhóm thợ xây cùng làm chung đều ở trọ tại tầng hai nhà số 705 Bạch Đằng.
Khoảng 21h30 ngày 19/12/2015, sau khi cùng ăn cơm, Tâm và ông Thủy đến gặp chủ thầu xin tạm ứng mỗi người 100 ngàn đồng tiền công để đi mua ma túy sử dụng. Cả hai cầm tiền rủ nhau sang phòng chủ nhà trọ mua 200 ngàn ma túy, pha chế tại chỗ để tiêm chích, xong cùng đi về phòng.
Khoảng 5 phút sau, Tâm không thấy có dấu hiệu “phê” nên nói với ông Thủy cho rằng “thuốc đểu”. Ông này trả lời: “Đấy là thuốc mà mày bảo không phải thuốc”. Hai bên to tiếng cãi vã.
Khi bị bắt, Tâm khai bản thân bị ông Thủy đánh và xô vào tường. Tâm nhìn thấy con dao nhọn dài khoảng 30cm để trên bếp đã cầm lấy vung trúng ngực ông Thủy. Nạn nhân khụy xuống, hai tay ôm ngực, được Tâm và mẹ đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Nghi phạm bỏ trốn đến ngày 21/12/2015 thì bị bắt giữ và khai nhận mọi hành vi phạm tội.
Công an làm rõ, năm 2014, Tâm bị tòa án huyện Tân Lạc xử phạt 15 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản, có 3 tiền sự về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, trộm cắp xe đạp, máy bơm nước.
Công an cũng làm rõ hành vi của chủ trọ bán ma túy và ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi môi giới, giúp đỡ, tạo điều kiện giúp cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
Hình phạt nghiêm khắc
Phiên tòa xét xử bị cáo Tâm về tội giết người được mở vào ngày 27/7/2016. Gần đến giờ xét xử nhưng vẫn chưa thấy người thân, bị cáo liên tục ngoảnh ra phía cửa chờ đợi. Khuôn mặt với vết sẹo lớn, bị cáo cho biết đó là hậu quả của vụ tai nạn giao thông vài năm trước. Mới 29 tuổi, Tâm đã có một tiền án, ba tiền sự. Chôn vùi tuổi xuân trong song sắt trại giam và những cơn phê ma túy, Tâm lại lần nữa đối mặt với vành móng ngựa với tội danh giết người.
Tại phiên tòa, bị cáo cho biết có mối quan hệ thân thiết với ông Thủy từ khi còn trong trại giam. Tâm bắt đầu gọi bị hại là “bố” khi ông này nảy sinh tình cảm với mẹ mình.
Trước đây Tâm làm lái xe, nhưng năm 2009 vì thường xuyên sử dụng ma túy, “bóc ngắn cắn dài” nên bị cáo từng trộm cắp tài sản. Ngoài ra, bị cáo còn từng bị bắt đi cai nghiện tập trung. Sau khi ra trại vài ngày, bị cáo bắt xe từ Hòa Bình xuống Hà Nội làm thợ xây.
Hôm xảy ra vụ án, bị cáo rủ ông Thủy đi mua ma túy, mỗi người góp 100 ngàn đồng. Lần đầu Tâm đi mua nhưng không được nên lúc sau đến lượt ông Thủy đi mua.
Theo bị cáo, số ma túy này dạng lỏng và được pha luôn từ chỗ của chủ trọ, cách phòng 3m. Đi về phòng trọ, khoảng 5 phút sau khi quay lại, bị cáo đã thấy ông Thủy sử dụng hết một bơm kim tiêm, còn lại một bơm kim tiêm để dành cho Tâm.
Khi bị cáo dùng hết số ma túy này, cả hai về phòng trọ. Nhưng khoảng 5 phút sau vẫn không thấy cảm giác “phê pha” của ma túy nên bị cáo nghi “thuốc đểu”. Song ông Thủy lại ra sức phản bác, từ đó sinh cãi vã. Lúc đó, trong phòng còn một người nữa nhưng đã ngủ. Mẹ bị cáo chạy ra mắng Tâm không được đánh ông Thủy nhưng bị cáo không nghe.
“Bị cáo ra ngoài cửa thì ông Thủy túm lại đấm. Bị cáo nhìn thấy con dao ở gần bếp từ nên dùng tay phải vớ lấy rồi đâm để ông Thủy thả tay ra, không may trúng ngực”, Tâm thanh minh.
Vị chủ tọa nghiêm giọng: “Đâm dọa thì có thể vào tay hoặc chân, tại sao bị cáo lại đâm vào ngực người ta? Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, lời qua tiếng lại, vậy mà lại tước đoạt mạng sống của người khác”. Đáp lại, Tâm nhận mình đã sai nhưng bị hại chết là ngoài ý muốn.
Tại tòa, bị cáo cho biết bản thân cũng bị trầy xước ở mặt. Sau khi đâm ông Thủy, bị cáo vứt con dao tại phòng trọ, lang thang bắt xe lên Vĩnh Phúc ở cùng người bạn, gọi điện về mới biết “bố hờ” đã chết.
Bị cáo cho biết đã gọi taxi chở bị hại đến bệnh viện 108. Tuy vậy, theo kết quả giám định, bị hại tử vong trước khi đưa đến bệnh viện. Nhưng bị cáo cho rằng mình không biết điều này. “Bị cáo không nhớ rõ, khi thấy bị hại vẫn thở, bị cáo còn lấy chăn đắp giúp”, Tâm nói.
Đại diện gia đình bị hại có anh trai ông Thủy cho biết, khoảng hơn 23h đêm thì nhận được điện thoại của mẹ Tâm thông báo sự việc. Gia đình bị hại yêu cầu bồi thường 40 triệu chi phí mai táng.
Công tố viên nhận định nguyên nhân mâu thuẫn không có gì lớn nhưng bị cáo đã dùng dao gây ra cái chết cho ông Thủy. Bản thân bị cáo có 3 tiền sự nhưng không cải tạo được, thể hiện sự coi thường pháp luật. Bên cạnh đó, bị cáo chưa khắc phục gì cho bị hại. Vì vậy, đại diện Viện kiểm sát đề nghị xử Tâm mức án chung thân.
Trong thời gian HĐXX nghị án, mẹ Tâm mới tất tả chạy vào dáo dác tìm con trong phòng xử án. Bà xách vội cặp bánh chưng, khoanh giò, ít gạo cho con. Bị cáo đang ngồi chờ đợi phán xét cuối cùng của tòa án, bỗng nhìn lại phía sau rồi giật mình thốt lên: “Mẹ”. Người mẹ cho biết do giấy tờ trục trặc nên vào muộn. Sau vài câu nói vội vàng, phiên tòa tiếp tục. Bị cáo chốc chốc lại quay nhanh nhìn mẹ như tìm kiếm chỗ nương tựa.
HĐXX nhận thấy hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây mất trật tự trị an và đau thương cho gia đình nạn nhân. HĐXX tuyên phạt bị cáo Tâm mức án tử hình.
Vừa nghe án tuyên, Tâm quay lại nhìn mẹ thốt lên trong sợ hãi: “Mẹ ơi, tử hình rồi” rồi bị dẫn đi. Người mẹ đuổi theo bóng con, chỉ biết với theo dặn dò mấy câu giữ gìn sức khỏe rồi nghẹn lời ôm mặt khóc.