Tình trạng đơn thư khiếu tố 'lòng vòng': Thanh tra Chính phủ nói gì?

(PLVN) - Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có văn bản góp ý thẩm định dự thảo “Quyết định quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo”. Theo TTCP, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo mà các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận là rất lớn, trong đó tình trạng đơn thư lòng vòng, trùng lặp còn khá phổ biến.
Theo TTCP, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo mà các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận là rất lớn.
Theo TTCP, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo mà các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận là rất lớn.

Thông tin về các vụ việc khiếu nại, tố cáo giữa Trung ương và địa phương còn hạn chế. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo ở cấp huyện, cấp tỉnh đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng khi công dân lên TW tiếp tục khiếu nại, tố cáo thì một số cơ quan TW vẫn chuyển đơn về địa phương đề nghị xem xét, giải quyết do không nắm được thông tin đầy đủ về vụ việc.

“Tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo lòng vòng này làm mất nhiều thời gian, công sức và nguồn lực của các cơ quan nhà nước và của chính công dân, làm giảm đi hiệu lực và sự nghiêm minh của pháp luật. Do vậy, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo là cần thiết nhằm đảm bảo cho việc nắm bắt, chia sẻ thông tin liên thông về vụ việc khiếu nại, tố cáo được kịp thời”, TTCP nhấn mạnh.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo đã được TTCP triển khai xây dựng và chính thức đưa vào sử dụng trên toàn quốc từ ngày 15/3/2018. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo được tạo thành hồ sơ điện tử từ địa phương đến TW. Đến nay, đã có 81/93 bộ, ngành, địa phương sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, TTCP phản ánh hiện nay chưa có căn cứ pháp lý quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương phải cập nhật dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để hình thành dữ liệu thống nhất, đầy đủ từ TW đến địa phương. Do đó vẫn còn 12/93 bộ, ngành, địa phương chưa cập nhật các vụ việc vào hệ thống.

Từ đó, TTCP đề xuất quy định về các vụ việc khiếu nại, tố cáo phải được cập nhật và thời điểm cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo.

Cụ thể, cơ quan có trách nhiệm cập nhật ngay sau khi có quyết định thụ lý giải quyết; vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật và vụ việc đã có kết luận nội dung tố cáo kể từ ngày 1/7/2012.

Đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài theo hướng dẫn, yêu cầu của TTCP thì cơ quan có trách nhiệm cập nhật sau 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của TTCP.

Các thông tin, dữ liệu được cập nhật trong cơ sở dữ liệu bao gồm: Họ tên, địa chỉ của người khiếu nại, tố cáo (nếu người tố cáo không yêu cầu giữ bí mật); tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại hoặc tố cáo; tóm tắt nội dung khiếu nại, tố cáo và tình hình giải quyết; các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Tổng TTCP tổ chức xây dựng, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo. Giao cho Ban Tiếp công dân Trung ương thực hiện việc cập nhật kịp thời thông tin, dữ liệu về khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của mình vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Đồng thời, Tổng TTCP có thể quyết định kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh thành trong việc cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo theo quy định.

Đọc thêm