Hai bức tranh đối lập
Ngày cuối tuần, tại Công viên Cây Xanh, TP HCM, người ta thường chứng kiến cảnh nhiều gia đình cho trẻ em đến đây vui chơi. Có những gia đình đã tổ chức buổi “dã ngoại” nho nhỏ ngay tại công viên. Và sau những buổi dã ngoại ấy, nhiều gia đình đã trở về, để lại trên mặt cỏ công viên cơ man nào là vỏ lon nước ngọt, vỏ hộp sữa, vỏ bim bim, thậm chí có khi cả bỉm em bé.
Ngược lại, một số ông bố, bà mẹ yêu cầu con mình dọn dẹp thật kĩ lưỡng khu vực đã tổ chức vui chơi, đem tất cả rác bỏ vào thùng rồi mới được ra về.
Tương tự, tại nhiều bãi biển, người ta thấy không ít cảnh cả gia đình vui chơi, ăn nhậu xong, vô tư... ném tất cả những thứ còn thừa như thức ăn, bát đĩa nhựa... xuống biển. Cạnh đó, có những bậc cha mẹ đưa con ra biển chỉ để con... học cách nhặt rác. Như gia đình chị Nguyễn Thị Minh An, ở Lagi, Bình Thuận, cứ mỗi sáng chủ nhật là hai vợ chồng chị sửa soạn cho hai con gái 5 và 10 tuổi những túi rác lớn, bao tay, dụng cụ gắp rác để các cháu cùng một số bạn bè ra biển nhặt nhạnh rác thải. Sau buổi nhặt rác, các em nhỏ sẽ được khen ngợi và dẫn đi ăn kem như một phần thưởng.
Anh Nguyễn Hữu Tâm, Trưởng nhóm thiện nguyện môi trường Xanh & Sạch chia sẻ, trong quá trình tổ chức các hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường, anh nhận thấy có hai trạng thái đang diễn ra hiện nay: Có những bậc cha mẹ có ý thức cao, chủ động giáo dục con tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường thông qua nhiều hành động nhỏ trong cuộc sống. Các bé luôn biết vứt rác đúng chỗ, biết không bẻ cây, phá cành, hái hoa nơi công cộng. Nhiều bé học cấp 1 cũng đã biết phân loại được rác thải và luôn bỏ các loại rác thải đúng chỗ.
Anh Tâm cho biết, anh từng tổ chức những hoạt động tương tác thiên nhiên, bảo vệ môi trường tại một số khu dân cư, trường học, có không ít cha mẹ chủ động đăng kí cho con tham gia. Sau khi trẻ trở về, cha mẹ dành thời gian trò chuyện với con về những gì con đã học được trong ngày. Thậm chí, có cả những khóa ngoại khóa “về với thiên nhiên”, ở đó trẻ được giáo dục sống tự lập, giáo dục lòng yêu thiên nhiên và ý thức trân trọng, bảo vệ thiên nhiên, giá tiền không thấp nhưng phụ huynh cũng sẵn sàng “chi” cho con mình tham gia.
Tuy nhiên, cạnh đó có không ít bậc cha mẹ hầu như chưa quan tâm đến giáo dục con trẻ về vấn đề môi trường. Nói đúng hơn, chính bản thân các bậc cha mẹ còn không có ý thức bảo vệ môi trường, nên những hành xử rất đỗi vô ý thức của họ chính là tấm gương xấu cho con cái.
“Trẻ con như tờ giấy trắng, nếu bạn dạy chúng điều gì thì chúng sẽ hấp thu điều ấy. Tôi từng chứng kiến cảnh cả một gia đình du khách vui chơi ở Đà Lạt, cha mẹ xúi con đến bẻ hoa đẹp nơi công viên. Khi các cháu tỏ ý lo lắng làm như thế có gì sai trái, chính cha mẹ lại khẳng định chắc nịch: Hoa này là của chung, ai muốn hái thì hái(!). Cũng chính các bậc cha mẹ ấy “xúi” con mình khi uống xong các túi sữa đậu nành cứ việc vứt vào những bụi cây vì “sẽ có người đến dọn cho mình”.
Những cách giáo dục như thế có thể làm lệch lạc nhận thức của trẻ, khiến chúng hiểu rằng môi trường bên ngoài là nơi tiếp nhận tất cả những thứ rác thải và có thể vứt rác, bẻ hoa, hậu quả còn lại “sẽ có người giải quyết”.
Có thể thấy rõ, thái độ, hành xử của trẻ với thiên nhiên, với môi trường hoàn toàn phụ thuộc vào những gì trẻ được giáo dục tại nhà, tại trường. Tại các gia đình, có hai bức tranh đối lập rõ trong giáo dục trẻ như trên. Còn tại trường học, hiện hầu như các bài học về thiên nhiên, môi trường, về biến đổi khí hậu vẫn còn nằm ở mặt “lý thuyết”. Trẻ chưa được thực hành nhiều thông qua những buổi ngoại khóa, những buổi thực tập “học mà chơi, chơi mà học”, một điều mà giáo dục phương Tây rất chú trọng.
Dạy trẻ như thế nào?
Thực tế, lòng yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường của trẻ không chỉ đến từ những bài học sách vở, những quy tắc, quy định khi đến nơi công cộng hoặc ra ngoài thiên nhiên. Sự giáo dục tốt nhất là giáo dục thấm sâu bằng mọi hành xử trong cuộc sống hàng ngày.
Với nhiều gia đình, cách giáo dục trẻ tốt nhất đi từ tình yêu thương và sự tương tác với thiên nhiên. Cha mẹ sẽ dạy trẻ tình yêu thiên nhiên từ tình yêu các loài vật chung quanh. Có thể đó là những vật nuôi trong nhà, có thể đó là những con thú trong vườn thú mà trẻ được đến chơi vào dịp cuối tuần. Đồng thời, tình yêu thiên nhiên còn được vun đắp thông qua việc dạy trẻ trồng cây, chăm hoa trong vườn nhà.
Trong mỗi một chuyến đi xa của cả nhà, cũng chính là cơ hội để trẻ giao tiếp và mở lòng với thiên nhiên. Trẻ học cách thưởng thức vẻ đẹp của cảnh vật trong tự nhiên, đồng thời thông qua cha mẹ, trẻ cũng hiểu được rằng, phải làm sao để gìn giữ vẻ đẹp ấy còn mãi.
Nhiều bậc cha mẹ thì lựa chọn cách dạy con những bài học về thiên nhiên, môi trường thông tin sách, phim và cả tin tức từ trên mạng. Con trẻ được mua những bộ truyện tranh, sách ảnh có những câu chuyện hay về tự nhiên, về môi trường, về cây cỏ và động vật. Trẻ được học được cách khám phá thiên nhiên, khám phá thế giới động vật còn thông qua những bộ phim hay dành cho thiếu nhi về đề tài bảo vệ môi trường. Những tin tức về những sinh vật biển gặp nạn, mắc lưới, bị nhốt trong những chiếc vỏ chai cũng có thể trở thành những câu chuyện cảm động, khơi gợi tình thương yêu và mong muốn bảo vệ mà cha mẹ có thể gieo mầm cho con mình.
Thành viên Câu lạc bộ Bảo vệ môi trường nhí. |
Và tất nhiên, hơn hết, hiểu biết và nhận thức của trẻ về thiên nhiên, về môi trường phải thông qua nhiều hành động, thói quen của chính người lớn trong cuộc sống hàng ngày. Thầy, cô giáo không thể vứt rác bừa bãi và giáo dục trẻ về bảo vệ môi trường. Tương tự, cha mẹ tùy tiện hành xử thiếu ý thức với thiên nhiên, khó lòng dạy con những bài học hay.
Trên hết, chính cha mẹ, thầy cô phải thông qua những hành động nhỏ, lớn của mình mỗi ngày để làm tấm gương tốt cho con trẻ.
Chị Trần Kiều Kim Hoa, nhân viên hành chính một công ty xuất khẩu thực phẩm chia sẻ kinh nghiệm, chị dạy con có ý thức từ việc luôn giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Dạy con phân loại rác thải, chuyện trò với con những câu chuyện về hậu quả của sự ô nhiễm và biến đổi khí hậu sẽ gây ra những điều gì cho cuộc sống này. Chị cũng dạy con cả việc phải tôn trọng sự sống của các sinh vật đang sống cùng chúng ta trên trái đất, bằng cách hạn chế đừng gây ra những hành động tổn hại đến chúng. Dạy con cả tiêu dùng thông minh, tiết kiệm, bởi tiêu dùng hoang phí không chỉ gây mất mát về tiền của mà còn tạo gánh nặng lên môi trường sống của chúng ta.
“Có thể bạn nghĩ rằng trẻ con sao mà thẩm thấu hết ngần ấy vấn đề. Nhưng ngạc nhiên là con trai tôi 8 tuổi, cháu gần như hiểu hết những điều mẹ nói, thông qua cách hành xử, thông qua các câu chuyện thú vị hay lời hỏi - đáp. Cháu có ý thức xã hội cao, sống gọn gàng, ngăn nắp. Không chỉ thế, khi lên lớp, chơi với bạn bè, cháu cũng kể những câu chuyện ấy cho bạn bè nghe và lập ra cả một nhóm bạn chuyên “bảo vệ thiên nhiên” trong lớp, thường giữ gìn vệ sinh lớp sạch sẽ, nhắc nhớ các bạn không vứt rác bừa bãi”, chị Hoa kể.
Những bài học đầu đời rất quan trọng với con trẻ. Cạnh những bài học giáo dục làm người, những câu chuyện về đạo đức, nên chăng, có cả bài học về tình yêu dành cho thiên nhiên, trách nhiệm đối với môi trường. Nói cho cùng thì đó cũng chính là sự hun đúc trẻ về mặt đạo đức xã hội, cũng là một trong những bài học nhận thức để trẻ trở thành một công dân có ích, có trách nhiệm trong tương lai.
Trái đất sẽ đẹp hơn nhiều lắm, nếu mỗi người yêu thương và trân trọng tự nhiên từ khi còn là một đứa trẻ.