“Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”- mô hình hay cần nhân rộng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Huy động toàn dân tham gia vào phòng cháy chữa cháy (PCCC) thông qua lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, đặc biệt là mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC là kinh nghiệm hay trong phòng chống cháy nổ ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Một buổi tập huấn kỹ năng PCCC cho người dân tại huyện Đức Trọng.
Một buổi tập huấn kỹ năng PCCC cho người dân tại huyện Đức Trọng.

Ngày 31/5, thông tin tại buổi sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới trên địa bàn huyện Đức Trọng cho thấy, mặc dù là địa bàn đông dân cư, kinh tế phát triển sôi động bậc nhất tỉnh Lâm Đồng nhưng thời gian qua, công tác PCCC ở Đức Trọng luôn được đảm bảo.

Đại diện Công an huyện Đức Trọng trình bày kết quả thực hiện PCCC trên địa bàn.

Đại diện Công an huyện Đức Trọng trình bày kết quả thực hiện PCCC trên địa bàn.

Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện Đức Trọng xảy ra 7 vụ cháy, trong đó không có vụ cháy nào gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; nguyên nhân chủ yếu do người dân bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa nguồn nhiệt, chập điện.

Theo Ban chỉ đạo PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) huyện Đức Trọng, ngay sau khi Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành chỉ đạo về PCCC trong tình hình mới, UBND huyện đã ban hành kế hoạch hành động, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu trong PCCC&CNCH.

Bên cạnh các giải pháp như nâng cao trách nhiệm người đứng đầu thì “bí quyết” an toàn trước nguy cơ cháy nổ của huyện Đức Trọng là xây dựng hiệu quả phong trào toàn dân tham gia PCCC.

Hộ kinh doanh, người dân được tập huấn kỹ năng xử lý khi có đám cháy.

Hộ kinh doanh, người dân được tập huấn kỹ năng xử lý khi có đám cháy.

Tập huấn kỹ năng chữa cháy cho người dân.

Tập huấn kỹ năng chữa cháy cho người dân.

Theo đó, nhờ đa dạng hoá phương thức, nên công tác tuyên truyền, phổ biển kiến thức pháp luật về PCCC&CNCH từng bước đi vào chiều sâu. Thời gian qua, toàn huyện Đức Trọng đã thực hiện 550 lượt tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh; lắp đặt hàng trăm pa nô, băng rôn, khẩu hiệu và phát hành hơn 5.000 tờ rơi. Đồng thời các cấp cơ sở đã tuyên truyền lồng ghép qua sinh hoạt tổ dân phố, thu hút hơn 35.000 người tham gia; tuyên truyền tới gần 4.000 học sinh; vận động hơn 3.000 thuê bao cài đặt ứng dụng App “Báo cháy 114” và vận động người đân quan tâm tài khoản Zalo “Cục Cảnh sát PCCC và CNCH"…Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về phòng chống cháy nổ.

Từ hiệu quả tuyên truyền, việc huy động toàn dân tham gia PCCC trên địa bàn huyện Đức Trọng đã trở thành điểm sáng. Cụ thể, UBND huyện Đức Trọng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, xây dựng và nhân rộng các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.

Mô hình tổ liên gia PCCC hiểu nôm na là các hộ gia đình gần nhau sẽ liên kết lại, chung tay cùng bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong quá trình kinh doanh, sinh hoạt. Đến nay, toàn huyện Đức Trọng đã có 68 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 17 điểm chữa cháy công cộng, 100% tổ liên gia được thực tập phương án chữa cháy.

“Nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác PCCC được xây dựng, nhân rộng góp phần nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân tham gia PCCC; điển hình là mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” đã và đang phát huy tính linh hoạt, hiệu quả trong việc phối hợp chặt chẽ giữa các gia đình”, UBND huyện Đức Trọng đánh giá.

Huyện Đức Trọng tặng khen cho các đơn vị có thành tích cao trong PCCC&CNCH.

Huyện Đức Trọng tặng khen cho các đơn vị có thành tích cao trong PCCC&CNCH.

Đặc biệt, trong năm 2023, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phổ biến kiến thức; tập huấn kỹ năng an toàn PCCC&CNCH, thoát nạn cho 41.388/41.388 hộ gia đình (đạt tỉ lệ 100%), đảm bảo chỉ tiêu mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 người được tập huấn; 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ 2 tầng trở lên được vận động mở lối thoát nạn thứ 2.

Cùng với đó, huyện Đức Trọng đã thành lập 1.436 đội PCCC cơ sở với 5.068 thành viên, 139 đội dân phòng PCCC với 1.405 thành viên: "Trong thời gian qua, lực lượng này đã phát huy được vai trò nòng cốt trong PCCC&CNCH tại cơ sở, tham gia tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức về công tác PCCC&CNCH, góp phân hạn chế nguy cơ cháy, nổ xảy ra…”, đại diện Công an huyện Đức Trọng cho biết.