Tọa đàm đóng góp ý kiến dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên

(PLVN) - Ngày 22 /3, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm đóng góp ý kiến dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Ông Lê Văn Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) chủ trì tọa đàm.
 Quang cảnh tọa đàm.
Quang cảnh tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có đại diện Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, Sở Tư pháp, Hội công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Trung, Tây Nguyên và một số cơ quan, đơn vị tổ chức có liên quan.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Văn Tuấn cho biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên. Dự án Luật đã trải qua quá trình đề xuất và xây dựng theo đúng quy định luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Tọa đàm hôm nay cũng là một trong những hoạt động mà Bộ Tư pháp tổ chức để tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với dự án Luật này”, ông Tuấn cho biết.

Ông Lê Văn Tuấn phát biểu tại tọa đàm.
Ông Lê Văn Tuấn phát biểu tại tọa đàm.

Tại tọa đàm, các tham luận về công chứng viên; tổ chức hành nghề công chứng; quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng; thủ tục công chứng đã thu hút sự chú ý của các đại biểu.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng có ý kiến trực tiếp và đều nhất trí với nội dung cơ bản của dự án Luật như: quy định đào tạo nghề công chứng đối với tất cả các đối tượng muốn được bổ nhiệm công chứng viên; độ tuổi hành nghề của công chứng viên; sự cần thiết của việc thay quy định công chứng bản dịch bằng quy định về việc công chứng thực chữ ký người dịch; sự cần thiết của việc giao cho UBND các tỉnh, thành phố xây dựng đề án quản lý phát triển các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương, thẩm quyền công chứng…

Theo công chứng viên Ngô Ngọc Trình (Văn phòng công chứng Hoàng Long, tỉnh Khánh Hòa), hiện tại, hệ thống dữ liệu công chứng chưa được liên thông trên toàn quốc và một số tỉnh chưa hình thành dữ liệu công chứng. Do đó, việc công chứng các giao dịch về động sản không theo thẩm quyền địa hạt gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn.

Ông Ngô Ngọc Trình thảo luận tại tọa đàm.
Ông Ngô Ngọc Trình thảo luận tại tọa đàm.

“Vì vậy, để khắc phục vấn đề này và tạo hành lang pháp lý an toàn cho việc công chứng giao dịch có đối tượng là động sản nên quy định theo thẩm quyền địa hạt. Theo đó, các giao dịch có đối tượng là động sản thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng nơi có động sản đăng ký mới được quyền công chứng”, ông Trình cho biết.

Ngoài ý kiến nhất trí như trên, các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ giữa dự án Luật với các quy định pháp luật có liên quan như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở… mới đươc ban hành.

Kết thúc tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Văn Tuấn ghi nhận các tham luận, thảo luận có tính lý luận và thực tiễn cao, gợi mở thêm nhiều vấn đề bổ ích, thiết thực cho việc thẩm tra dự án Luật. Ông Tuấn cho biết, Cục Bổ trợ tư pháp sẽ tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp. Từ đó, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, tiếp thu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội trong quá trình hoàn thiện và trình Quốc hội dự án Luật này.

Đọc thêm