Tọa đàm nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý cho nhân dân các dân tộc thiểu số Tây Bắc

(PLVN) - Vừa qua tại Hòa Bình, Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Pháp lý (LERES) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý cho nhân dân các dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Bắc”.
Tọa đàm nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý cho nhân dân các dân tộc thiểu số Tây Bắc

Đồng chí Bùi Thị Thúy Bình - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình và PGS.TS. Nguyễn Hữu Chí - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Pháp lý thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng chủ trì. Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia, đại biểu đến từ Tòa án nhân dân tối cao; Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp; đại diện Trung tâm Trợ giúp pháp lý, các huyện, thành phố và đại diện cộng đồng dân tộc thiểu số tại tỉnh Hòa Bình.

Tọa đàm hướng tới mục tiêu tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho nhân dân các dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Bắc nói chung và tại tỉnh Hòa Bình nói riêng. Tại Tọa đàm, các chuyên gia, đại diện các cơ quan, đơn vị tại địa phương đã trao đổi về nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân các dân tộc thiểu số; những khó khăn, hạn chế của nhân dân các dân tộc thiểu số khi tiếp cận trợ giúp pháp lý và đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận cũng như chất lượng trợ giúp pháp lý cho các đối tượng này. 

Nhiều ý kiến được đưa ra trao đổi, thảo luận liên quan đến việc nâng cao quyền tiếp cận trợ giúp pháp lý của nhân dân các dân tộc thiểu số; người dân chưa có thói quen sử dụng pháp luật để giải quyết công việc, khi có tranh chấp, khúc mắc nhiều người không biết quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí để tìm kiếm sự giúp đỡ. Các nguyên nhân có thể kể đến là: người dân sống trong địa hình vùng sâu vùng xa; cán bộ trợ giúp pháp lý không biết về ngôn ngữ dân tộc thiểu số; nguồn nhân lực cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý còn hạn chế về số lượng và chất lượng; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, tổ chức chưa thực sự hiệu quả; kinh phí hoạt động còn khó khăn...

Qua đó các chuyên gia, đại biểu tham dự Tọa đàm đề xuất một số giải pháp như: mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý; huy động nguồn lực tài chính từ xã hội làm công tác trợ giúp pháp lý; các hình thức trợ giúp pháp lý phải phù hợp với đặc điểm của đối tượng, kết hợp các hoạt động tư vấn, phổ biến pháp luật, hỗ trợ trong tranh tụng, không nên cứng nhắc, đơn điệu; tăng cường tập huấn nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ trợ giúp pháp lý… 

Đọc thêm