Tọa đàm trực tiếp với các doanh nghiệp về hệ sinh thái tận dụng các FTA, trong đó có Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực da giày tại Hải Phòng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong khuôn khổ triển khai Hệ sinh thái tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), vừa qua tại thành phố Hải Phòng, Bộ Công thương đã phối hợp với Sở Công thương thành phố Hải Phòng tổ chức “Tọa đàm trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố về hệ sinh thái tận dụng các FTA, trong đó có Hiệp định EVFTA, trong lĩnh vực da giày ”.
Toàn cảnh buổi tọa đàm tại Hải Phòng.
Toàn cảnh buổi tọa đàm tại Hải Phòng.

Toạ đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp với sự tham dự của đại diện Bộ Công thương (Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Xuất Nhập Khẩu); đại diện các cơ quan quản lý về thực thi FTA và xuất nhập khẩu của thành phố Hải Phòng; đại diện Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam; Viện Tony Blair vì sự phát triển (TBI) và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực da giày trên địa bàn Thành phố.

Trong những năm qua, ngành da giày luôn là năm trong top những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đưa đất nước trở thành một trong những quốc gia có chỗ đứng tương đối vững chắc trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm da giày trên thế giới. Trong các địa phương có ngành da giày phát triển trên cả nước, Hải Phòng đóng vai trò tiên phong, dẫn đầu trong ngành da giày tại miền Bắc. Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan Hải Phòng, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày trên địa bàn thành phố ước đạt 1.150 triệu USD, chiếm 5,01% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều đại biểu, doanh nghiệp tham gia buổi tọa đàm tham gia đóng góp ý kiến.

Nhiều đại biểu, doanh nghiệp tham gia buổi tọa đàm tham gia đóng góp ý kiến.

Ông Nguyễn Công Hân, Phó Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng cho biết thêm tăng trưởng bình quân hằng của ngành da giày Hải Phòng đạt từ 10% - 15%. Do đó, da giày là mặt hàng có nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, đồng thời tiếp tục nâng cao giá trị nhờ tiếp cận, khai thác các thị trường nhập khẩu lớn trong các khuôn khổ Hiệp định FTA thế hệ mới với nhiều tiêu chuẩn nhập khẩu cao hơn.

Với việc Việt Nam đã thực thi 16 FTA đến thời điểm hiện tại, trong đó có 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA, đây là cơ hội rất lớn để đưa các sản phẩm da giày xuất khẩu tiếp cận tới các đối tác thương mại lớn do tác động từ cam kết ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu và nhu cầu từ các thị trường này, từ đó giúp doanh nghiệp da giày tại Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung có thể nâng cao giá trị, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu.

Điều này cũng được ông Lê Linh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương khẳng định. Theo đó, từ thời điểm các Hiệp định FTA thế hệ mới có hiệu lực, ngành da giày Việt Nam ghi nhận tăng trưởng lớn. Các đối tác thương mại thuộc 03 Hiệp định FTA thế hệ mới đều là các đối tác nhập khẩu sản phẩm da giày lớn của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin ấn tượng liên quan đến số liệu xuất khẩu ngành da giày được cung cấp tại Toạ đàm, các đại biểu đến từ cơ quan quản lý Trung ương (Bộ Công thương), cơ quan quản lý địa phương tại thành phố Hải Phòng (Sở Công thương, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng), Hiệp hội da giày – Túi xách Việt Nam, tổ chức quốc tế (Viện Tony Blair vì sự phát triển) đến các doanh nghiệp sản xuất da giày trên địa bàn Thành phố đều có chung đánh giá ngành da giày cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng đang phải đối mặt với một số thách thức lớn. Cụ thể, các bên chia sẻ từ nhiều góc độ khác nhau nhưng có một số điểm chung như: (i) khó tự chủ trong tìm kiếm nguồn cung nguyên phụ liệu, bị phụ thuộc hoặc bị chỉ định bởi đối tác nhập khẩu; (ii) thiếu thông tin và quy định nước ngoài trong đó có các yếu tố liên quan đến tận dụng các Hiệp định FTA; (iii) khó tiếp cận vốn, tín dụng; (iv) thiếu nguồn tư vấn, hỗ trợ đáng tin cậy; và (v) khó khăn trong xây dựng thương hiệu.

Trong những năm qua, những khó khăn, tồn tại nêu trên đã được Bộ Công thương nhìn ra và nhận định phần lớn do sự yếu, thiếu, và chưa có nhất quán trong việc thực thi các Hiệp định FTA. Do đó, Bộ Công thương đã nghiên cứu mô hình Hệ sinh tháitận dụng các Hiệp định FTA đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Tại Tọa đàm trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố về hệ sinh thái tận dụng các FTA, trong đó có Hiệp định EVFTA, trong lĩnh vực da giày.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương chia sẻ về Hệ sinh thái tận dụng FTA, trong ngành da giày tại Toạ đàm.Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương chia sẻ về Hệ sinh thái tận dụng FTA, trong ngành da giày tại Toạ đàm.

Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương đã giới thiệu về Đề án Hệ sinh thái tận dụng các FTA trong lĩnh vực da giày, bao gồm: mục tiêu, cách thức kết nối, vai trò, lợi ích của các bên tham gia, cách thức hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các FTA, tiêu chí tham gia, những khó khăn khi xây dựng Hệ sinh thái, lộ trình và các bước thực hiện xây dựng Hệ sinh thái trong thời gian tới. Việc tổ chức Toạ đàm nhằm giới thiệu về Hệ sinh thái tận dụng các FTA trong lĩnh vực da giày, tiếp thu ý kiến và giải đáp thắc mắc của các chủ thể liên quan sẽ tham gia Hệ sinh thái. Hoạt động này giúp Bộ Công thương, Cơ quan soạn thảo có thêm cơ sở thực tiễn để triển khai xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tính khả thi của Mô hình nhằm đem lại hiệu quả thiết thực, giúp doanh nghiệp da giày tận dụng các Hiệp định FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới một cách thật sự và triệt để.

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:

Các đại biểu thảo luận, góp ý kiến.

Các đại biểu thảo luận, góp ý kiến.

Tại buổi tọa đàm có nhiều ý kiến hay được ghi nhận.

Tại buổi tọa đàm có nhiều ý kiến hay được ghi nhận.

Các đại biểu thảo luận.

Các đại biểu thảo luận.

Đọc thêm