Tọa đàm "Vai trò quan trọng của cải cách thể chế trong cải cách hành chính"

(PLVN) -   Trong bộ Chỉ số cải cách hành chính hàng năm thì chỉ số về cải cách thể chế luôn được xác định là nhóm chỉ số quan trọng nhất. Đây là nội dung chính của tọa đàm “Vai trò quan trọng của cải cách thể chế trong cải cách hành chính” do Văn phòng Bộ Tư pháp và Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức thực hiện.

Cách đây ít ngày, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020.

Các bộ Chỉ số trên tiếp tục được khẳng định qua thực tiễn là những công cụ có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến chỉ đạo, điều hành và kết quả của công tác cải cách hành chính, góp phần đạt được những kết quả tích cực, quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân theo chủ trương, đường lối của Đảng.

Trong bộ Chỉ số cải cách hành chính hàng năm thì chỉ số về cải cách thể chế luôn được xác định là nhóm chỉ số quan trọng nhất. Điều này phù hợp với quan điểm của Đảng, Chính phủ rằng: công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và công tác cải cách thể chế là một trong những trọng tâm thực hiện cải cách hành chính.

Được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Bộ Tư pháp và Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tọa đàm “Vai trò quan trọng của cải cách thể chế trong cải cách hành chính”.

MC Việt Anh và 3 vị khách mời tham dự tọa đàm.

MC Việt Anh và 3 vị khách mời tham dự tọa đàm.

Đến tham dự tọa đàm có sự hiện diện của các vị khách mời:

- Ông Lê Tuấn Phong - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp.

- Bà Nguyễn Thị Thu Hòe – Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp.

- Luật sư Ông Trương Thanh Đức – Công ty Luật Anvi, là luật sư quan tâm và am hiểu về việc xây dựng và thực hiện văn bản pháp luật để cải cách hành chính nhằm đem lại nhiều quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp.

* Thưa ông Lê Tuấn Phong, ông có thể giới thiệu cho các vị khách mời và khán giả Báo Pháp luật Việt Nam những nét cơ bản nhất về kết quả của Bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) 2020.

- Ông Lê Tuấn Phong - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp: Bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (hay còn gọi là PAR INDEX) là bảng đánh giá kết quả công tác triển khai về Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ theo Nghị quyết 30c từ năm 2011. Bảng xếp hạng này được đánh giá hàng năm, được đánh giá là bảng xếp hạng khách quan, công bằng, từ đó chỉ ra những điểm mạnh, mặt đã làm tốt ở các bộ, cơ quan ngang bộ cũng như ở các tỉnh, thành phố, đồng thời chỉ rõ những điểm hạn chế cần khắc phục, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính, đảm bảo dân chủ, minh bạch và công bằng.

Ngày 24/6 vừa qua, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố kết quả PAR INDEX 2020. Theo bảng công bố này, tại các bộ, cơ quan ngang bộ thì tổ chức đánh giá, xếp hạng đối với 17 bộ, cơ quan ngang bộ .

Trong đó chia thành 2 nhóm kết quả. Nhóm đầu tiên gồm có 3 bộ, cơ quan ngang bộ đạt kết quả điểm số từ trên 90%, trong đó có Bộ Tư pháp xếp thứ 3. Nhóm thứ hai gồm 14 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại, đạt kết quả từ 80% trở lên.

Đối với địa phương, bảng xếp hạng này cũng đánh giá rất kỹ những mặt đạt được, những tồn tại, hạn chế ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều đáng mừng là thông qua bảng xếp hạng này, chúng ta có thể thấy kết quả điểm số về cải cách hành chính năm 2020 ở cả Trung ương và địa phương đã đạt cao hơn rất là nhiều so với năm 2019. Cụ thể, ở bộ, ngành, kết quả điểm số năm 2020 tăng gần 2% so với năm 2019 và tăng hơn 12% so với năm 2012 – năm đầu tiên tiến hành đánh giá.

* Thưa ông Phong, ông vừa đề cập ở trên, năm nay, Bộ Tư pháp xếp thứ 3 trong Bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính. Ông có thể thông tin cụ thể hơn về kết quả này và nhờ đâu mà Bộ Tư pháp đạt được kết quả tốt đẹp như vậy?

Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Tuấn Phong.

Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Tuấn Phong.

- Ông Lê Tuấn Phong: Theo công bố của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ năm 2020, kết quả cải cách hành chính của Bộ Tư pháp đạt điểm số 94 trên tổng số điểm 100 và xếp thứ 3 trong số các bộ, cơ quan ngang bộ được xếp hạng. Điểm số này thể hiện ở 2 nhóm điểm: Nhóm thứ nhất là các điểm tự chấm điểm, thẩm định của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan thì Bộ Tư pháp xếp thứ 3 trong số 17 bộ, cơ quan ngang bộ. Đây cũng là thứ 3 liên tiếp Bộ giữ vị trí thứ 3 thuộc nhóm bộ dẫn đầu về Chỉ số này.

Đặc biệt là năm 2020, Bộ Tư pháp có điểm về điều tra xã hội học được xếp thứ 2 trong tổng số các bộ, ngành. Điều này cho thấy những nỗ lực cải cách hành chính của Bộ Tư pháp đã được ghi nhận trong đời sống thực tiễn

Để đạt được kết quả như vậy, trước hết phải khẳng định là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, cụ thể là Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng. Thủ trưởng các đơn vị cũng rất quan tâm đến công tác cải cách hành chính nói chung, nhất là cải cách thể chế, pháp luật. Bên cạnh đó là sự nỗ lực, phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Tư pháp.

* Thưa Luật sư Trương Thanh Đức, từ câu chuyện thực tế như vậy, đồng thời cũng là một đối tượng chịu ảnh hưởng sâu rộng của cải cách hành chính. Vậy, theo ông, lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế trong điểm số cải cách hành chính đã đem lại quyền lợi thực chất gì cho người dân và doanh nghiệp?

- Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty luật ANVI: Có thể nói là có hai dạng lợi ích tác dụng. Thứ nhất là các lợi ích rất sát sườn, trực tiếp, có thể cân đong đo đếm nhìn thấy được mà các con số, các báo cáo cũng thể hiện là giảm được các thủ tục hành chính thì giảm được thời gian, giảm chi phí, tiền bạc, giảm công sức của rất nhiều người – không chỉ là cán bộ, công chức mà đông đảo doanh nghiệp, người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Còn dạng lợi ích nữa, tôi nghĩ rất quan trọng là khi thủ tục dễ dàng, đơn giản, mọi người sẵn sàng tuân thủ, sẵn sàng chấp hành đúng pháp luật. Các hoạt động kinh tế, kinh doanh cũng như các hoạt động của đời sống liên quan đến thủ tục rất nhiều.

Luật sư Trương Thanh Đức.

Luật sư Trương Thanh Đức.

Một doanh nghiệp, một công ty cũng có rất nhiều thủ tục, chứ chưa nói đến cơ quan nhà nước đương nhiên phải làm rất nhiều thủ tục thì tôi nghiệm thấy rằng không phải người dân, doanh nghiệp không muốn tuân thủ pháp luật, không ngại thủ tục mà họ ngại sự không rõ ràng, không biết lúc nào thực hiện được. Nếu như thủ tục rõ ràng, chi phí họ sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng làm đúng, làm tốt.

Nhưng những lĩnh vực đặc thù, cần phải thủ tục chặt chẽ hơn như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, luật sư, công chứng, giám định… mà làm đơn giản, dễ dãi thì rất nguy hiểm cho trật tự chung của xã hội. Chúng tôi thấy rằng làm chặt chẽ như thế là cần thiết để nâng cao vai trò, trách nhiệm xã hội của mình.

Việc có thời hạn rõ ràng, phí rõ ràng, hồ sơ hướng dẫn bài bản, rõ ràng sẽ tạo ra trách nhiệm xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ thuận tiện hơn. Mọi người sẽ tích cực đầu tư, tích cực thực hiện các hoạt động đóng góp cho nền kinh tế, cho xã hội.

* Thưa bà Nguyễn Thị Thu Hòe, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cùng với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã có những biện pháp hành động cụ thể thế nào để cải thiện điểm số cải cách hành chính?

- Bà Nguyễn Thị Thu Hòe - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp: Đúng là để cải thiện, để xác định chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp thì không chỉ một mình Cục Kiểm tra văn bản mà cùng với nhiều đơn vị khác, chúng tôi đã có những đóng góp vào kết quả này. Riêng đối với Cục Kiểm tra văn bản, chúng tôi đóng góp trong lĩnh vực kiểm tra, rà soát và pháp điển hệ thống pháp luật.

Đối với công tác kiểm tra văn bản, những năm gần đây, mỗi năm Cục Kiểm tra văn bản tổ chức kiểm tra khoảng 5.000 văn bản. Năm 2018, chúng tôi đã kiểm tra, kết luận và đề nghị xử lý đối với 84 văn bản trái pháp luật, đến năm 2019 là 165 văn bản, năm 2020 là 68 văn bản và 6 tháng đầu năm nay thì chúng tôi đã kiến nghị gần 70 văn bản. Các kiến nghị này trên cơ sở kết quả kiểm tra các văn bản là thông tư hoặc các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương HĐND, UBND cấp tỉnh đã ban hành mà chưa phù hợp với các luật, nghị định.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Nguyễn Thị Thu Hòe.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Nguyễn Thị Thu Hòe.

Còn về công tác rà soát, hệ thống hóa, đây là công tác trong năm 2020 đã có nhiều kết quả. Trong năm 2020, Cục Kiểm tra văn bản được giao giúp Bộ trưởng làm cơ quan thường trực Tổ công tác của Chính phủ về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Chúng tôi đã tổ chức kiểm tra, rà soát gần 8.800 văn bản. Trên cơ sở rà soát, Cục Kiểm tra văn bản đã tham mưu Bộ Tư pháp trình Quốc hội ngày 1/10/2020 báo cáo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của 10 chuyên đề, khoảng 5.500 văn bản.

Năm 2021, chúng tôi đã tham mưu ban hành Quyết định 889. Theo Quyết định 889 có 16 luật, 12 nghị định, 4 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cần được xem xét sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật. Chính khối lượng văn bản được xem xét, xử lý lớn như vậy đã đảm bảo cho hệ thống pháp luật từ Trung ương tới địa phương được minh bạch, hợp hiến, hợp pháp.

Cùng với kiểm tra văn bản, chúng tôi chỉ ra những văn bản trái, trong những văn bản trái đó có những văn bản về điều kiện đầu tư, kinh doanh mà anh Đức vừa chia sẻ, để xử lý các văn bản trái, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính được thuận lợi hơn, giảm chi phí tuân thủ pháp luật.

Đối với công tác pháp điển, theo kế hoạch đến năm 2023 sẽ hoàn thành pháp điển toàn bộ hệ thống pháp luật. Cho đến thời điểm hiện nay, chúng tôi đang rất nỗ lực với mục tiêu sẽ về đích sớm, toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương sẽ được đưa lên Cổng thông tin điện tử pháp điển và sẽ công khai, minh bạch. Đó là một số kết quả của chúng tôi đóng góp vào điểm số cải cách hành chính.

* Chúng ta đã có những kết quả trong cải thiện điểm số cải cách hành chính. Với quan điểm cá nhân của mình, bà có thể cho biết đâu là yếu tố tác động đến hiệu lực, hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện thể chế ở các bộ, ngành, địa phương?

- Bà Nguyễn Thị Thu Hòe: Qua công tác chuyên môn của Cục Kiểm tra văn bản từ kiểm tra, rà soát, pháp điển, hợp nhất thì chúng tôi thấy có nhiều yếu tố tác động đến hiệu lực, hiệu quả của việc xây dựng và hoàn thiện thể chế. Nhưng yếu tố tác động lớn nhất có lẽ là năng lực của cơ quan hành chính; sự tuân thủ của người dân.

Các khách mời chia sẻ trong Tọa đàm.
Các khách mời chia sẻ trong Tọa đàm.

Khi chúng ta có năng lực của nền hành chính tốt, tổ chức bộ máy tốt, đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp thực hiện quan hệ phối hợp, thực hiện nhiệm vụ công tác thì khi đó chúng ta sẽ có hệ thống thể chế tốt. Cùng với người dân, doanh nghiệp có đáp ứng tốt hoặc kể cả khi cơ quan nhà nước muốn lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp về một vấn đề gì đó mà người dân nhiệt tình, trách nhiệm trong việc bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình thì hệ thống thể chế cũng sẽ được xây dựng tốt .

- Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi cũng xin được bình luận thêm một chút. Tôi đã tham gia Hội đồng thẩm định văn bản của Bộ Tư pháp và qua trao đổi hôm nay, tôi cảm nhận thấy Bộ Tư pháp đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều với khối lượng công việc rất lớn. Có thể nhiều bộ, ngành có nhiều văn bản pháp quy hơn Bộ Tư pháp nhưng họ chủ yếu đảm bảo trong lĩnh vực quản lý của họ, còn Bộ Tư pháp gần như phải bao quát hết mọi vấn đề, đóng vai trò chủ trì thẩm định, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý của văn bản trình Chính phủ để sau Chính phủ trình lên Quốc hội.

Tôi cũng tham gia một số cuộc họp thì riêng lĩnh vực thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp làm rất kỹ, rà soát, cho ý kiến rất đầy đủ, rất bài bản. Rõ ràng đây là một điểm vô cùng quan trọng.

Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật của chúng ta thay đổi rất nhiều, nâng cấp chất lượng rất tốt. Thế nhưng, yếu kém từ xưa đến giờ đã tổng kết và nay vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng là công tác thi hành, trong đó có giám sát, kiểm tra, xử lý. Đây là vấn đề thực tế, cần hết sức quan tâm để văn bản tốt, đi vào cuộc sống được thì cần phải có giải pháp, công cụ.

Chẳng hạn như vừa rồi, các thủ tục hành chính thay vì thủ công, con người trực tiếp giải quyết thì thông qua công nghệ, hệ thống máy móc, đa số thủ tục đã nâng cấp lên mức độ cấp 3, cấp 4. Đúng là việc này đã thay đổi một cách cơ bản trên thực tế. Đặc biệt là những thủ tục hành chính phải ở mức độ rất cụ thể, rõ ràng để không những cán bộ, công chức – nguy cơ là chính những người làm thủ tục còn không hiểu rõ vấn đề, chứ chưa nói đến người dân – không vướng mắc khi triển khai trên thực tế.

Tôi nghĩ qua một thời gian nữa, với tư duy, quan điểm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, tính chuyên nghiệp của các bộ, ngành và tính tuân thủ của người dân được nâng cao thì mọi thứ sẽ thay đổi một cách cơ bản.

- Bà Nguyễn Thị Thu Hòe: Tôi chia sẻ với những ý kiến của Luật sư Đức và tôi cũng cảm ơn anh đã chia sẻ với Bộ Tư pháp, anh biết những công việc mà chúng tôi đang làm, những khó khăn với khối lượng công việc mà chúng tôi đang đảm nhiệm thì đúng là trong công tác soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, rà soát của chúng tôi có những khó khăn. Nhưng phải nói rằng là anh em luôn luôn đoàn kết, xác định mục tiêu; Lãnh đạo Bộ thì xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Đối với công tác kiểm tra văn bản, chúng tôi luôn triển khai theo trọng tâm, trọng điểm.

Mỗi năm, chúng tôi đều lựa chọn những vấn đề quan trọng, những nội dung tác động, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Hàng năm, chúng tôi đều có kết luận kiểm tra và kiểm tra đi vào thực chất là những kết luận đó đều được gửi đến cơ quan/người ban hành văn bản và cho đến thời điểm hiện nay, những kết luận kiểm tra của các năm trước đều đã được xử lý. Tính đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021 thì tỷ lệ văn bản đã xử lý là 80%, chứng tỏ hiệu quả đầu ra là thế nào.

* Thưa ông Lê Tuấn Phong, với tư cách là đơn vị tham mưu thì trong năm 2021, dự kiến sẽ có những hoạt động cụ thể nào để tham mưu, tư vấn cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp về công tác cải cách thể chế, cải cách hành chính?

- Ông Lê Tuấn Phong: Như ý bà Hòe đã nêu, công tác cải cách hành chính là công tác chung của Bộ mà trực tiếp là các đơn vị thuộc Bộ liên quan đến nhiều đến công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Trong đó, Văn phòng Bộ là đơn vị được Lãnh đạo Bộ giao cho là đơn vị đầu mối về tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính tại Bộ Tư pháp.

Xác định nhiệm vụ trên, chúng tôi sẽ tập trung tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong thời gian tới để tiếp tục chú trọng vào công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thể chế, pháp luật. Cụ thể, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định thể chế tiếp tục là 1 trong 3 đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta.

Cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chủ trì buổi làm việc với Bộ Tư pháp thì tại đây, Thủ tướng đã kết luận, chỉ đạo nhiều nội dung liên quan đến xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật. Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết mới về Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2030 thì chúng tôi sẽ cùng các đơn vị tham mưu xây dựng kế hoạch của Bộ để triển khai đầy đủ các lĩnh vực cải cách hành chính. Trong đó, nhấn mạnh trọng tâm hàng đầu là công tác cải cách thể chế.

Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đề ra nhiệm vụ lớn là xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Để xây dựng Chiến lược này, vai trò đóng góp của Bộ Tư pháp khá quan trọng và Văn phòng Bộ sẽ tham mưu cho Lãnh đạo Bộ để cùng với các đơn vị tham gia trực tiếp vào việc xây dựng và sau này là tổ chức triển khai Chiến lược này.

Chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho Lãnh đạo Bộ tiếp tục quan tâm, chú trọng rà soát thể chế pháp luật nói chung, thể chế pháp luật cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp như luật sư, công chứng, giám định, hành chính tư pháp, lý lịch tư pháp…. Việc rà soát phải thường xuyên và hiện Bộ Tư pháp đang tập trung xây dựng dự luật về sửa đổi, bổ sung một số luật, pháp lệnh còn cản trở, gây vướng mắc, khó khăn cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội… Đây là nhiệm vụ xuất phát từ chỉ đạo của Thủ tướng.

Một điểm nữa là Văn phòng sẽ tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ thông tin trong các hoạt động liên quan đến cải cách thể chế từ xây dựng, phổ biến đến thi hành pháp luật.

* Vậy với Cục Kiểm tra văn bản, theo bà Thu Hòe cần có những nhiệm vụ trọng tâm nào trong năm 2021 để thực hiện công tác cải cách thể, cải cách hành chính?

- Bà Nguyễn Thị Thu Hòe: Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 của chúng tôi đã xác định rồi. Đối với công tác kiểm tra văn bản, chúng tôi vẫn lựa chọn các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, trong đó có hệ thống pháp luật về giá – một hệ thống pháp luật tác động, ảnh hưởng đến từng người dân. Đối với công tác rà soát, hệ thống hóa, chúng tôi tiếp tục là cơ quan thường trực Tổ công tác của Chính phủ về rà soát.

Năm 2021, chúng tôi tham mưu thực hiện rà soát hệ thống pháp luật liên quan đến 5 chuyên đề, trong đó có chuyên đề pháp luật về đất đai – đây là lĩnh vực pháp luật rất rộng lớn, tác động trực tiếp đến đời sống của từng người dân chứ không chỉ là doanh nghiệp, hay hệ thống pháp luật về phát triển khoa học - công nghệ để gia nhập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xem có điều gì đang cản trở Việt Nam tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống pháp luật về giáo dục liệu có cản trở tiềm lực con người hay không. Dự kiến đến tháng 8, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ để tháng 10 báo cáo Quốc hội.

* Thưa Luật sư Trương Thanh Đức, ông có góp ý gì đối với công tác cải cách thể chế, cải cách hành chính của các cơ quan nhà nước Trung ương và địa phương?

- Luật sư Trương Thanh Đức: Quan điểm của chúng ta là rất coi trọng, đề cao công tác xây dựng pháp luật, cải cách hành chính. Sức ép của hội nhập, của cải cách buộc chúng ta sẽ phải tiếp tục gặp những khó khăn, vất vả, chứ không dừng lại được. Thay vì trước kia chúng ta có thể làm những động tác đơn giản là rà soát sự đồng bộ, sự thống nhất, sự bất hợp lý thì bây giờ đến giai đoạn đòi hỏi chất lượng cao hơn, không loại trừ những bất cập thì phải xử lý thì nhiều cái đang hợp lý, chúng ta cũng phải nghĩ đến để bảo đảm phối hợp chung, phát triển chung, tính cạnh tranh với thế giới.

Đấy là một câu chuyện rất thách thức nhưng tôi nghĩ với cách thức, quan điểm triển khai hiện nay, chắc chắn chúng ta sẽ nhanh chóng đi đến được những giải pháp tốt nhất để có được những quy định, những thủ tục hành chính đột phá. Một thay đổi tưởng là nhỏ nhưng sẽ tác động vô cùng lớn đến nền kinh tế - xã hội, từ tâm lý hứng khởi của các nhà đầu tư cho đến vận hành trên thị trường có ý nghĩa thúc đẩy rất lớn.

* Xin cám ơn những chia sẻ của ba vị khách mời hôm nay và trong tương lai có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng mà chúng ta cần thực hiện. Một lần nữa xin cảm ơn các vị khách mời đã đến tham dự buổi tọa đàm của Báo Pháp luật Việt Nam và cảm ơn quý vị khán giả đã quan tâm theo dõi. Xin chào và hẹn gặp lại!

Đọc thêm