Tọa đàm về PBGDPL và truyền thông dự thảo chính sách pháp luật tại tỉnh Bình Thuận

(PLVN) -Sáng ngày 14/6/2023, Đoàn công tác của Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương (PBGDPL) đã tổ chức Tọa đàm làm việc tại tỉnh Bình Thuận về triển khai công tác PBGDPL và tình hình thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.Đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL – Bộ Tư pháp, Phó Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng chủ trì Tọa đàm.
Tọa đàm về PBGDPL và truyền thông dự thảo chính sách pháp luật tại tỉnh Bình Thuận

Dự Tọa đàm về phía địa phương có đồng chí Đặng Văn Đào, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận tỉnh ủy; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; một số sở, ngành liên quan (Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bình Thuận); lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Phòng Tư pháp thành phố Phan Thiết.

Báo cáo tại Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nghiệp vụ 3, Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận – Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh cho biết với vai trò là Cơ quan thường trực của Hội đồng tỉnh, Sở đã chủ động tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác PBGDPL; hòa giải cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh. Trên cơ sở Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện. Năm 2023, 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã triển khai nhiều hình thức PBGDPL, trong đó đã ứng dụng công nghệ thông tin thông qua tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; thông tin pháp luật trên mạng xã hội.

Bình Thuận đã triển khai một số mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL như: Mô hình Chi đoàn “04 tốt, 01 nghiêm”, “Đơn vị 3 nhất”, “Mỗi ngày 01 câu hỏi pháp luật” (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh); Mô hình “Phụ nữ với pháp luật”, “Phụ nữ phòng, chống mua bán người” (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh), Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” (Hội Nông dân tỉnh); Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, Câu lạc bộ “Gia đình thanh niên không vi phạm pháp luật”, “Khu dân cư không có thanh niên mắc tệ nạn xã hội”, “Tổ tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại khu dân cư”, “Chi đoàn 3 KHÔNG với ma túy” (Tỉnh đoàn); phát huy vai trò của người có uy tin, chức sắc tôn giáo tham gia công tác PBGDPL (Ban Dân tộc tỉnh); Tổ dư luận nhân dân (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh) …

Thực hiện Đề án 407, Chỉ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai; Công văn chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện thực hiện. Năm 2022, 2023, các sở, ngành tỉnh Bình Thuận đã tham mưu xây dựng 09 dự thảo Nghị quyết đặc thù quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tỉnh đã tổ chức truyền thông chủ yếu bằng hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo, phản biện xã hội, thông qua mạng xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp giữa các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đôi lúc chưa chặt chẽ và thường xuyên. Hoạt động truyền thông dự thảo chính sách tại địa phương chủ yếu vẫn triển khai thực hiện theo hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến. Kinh phí cho công tác PBGDPL, truyền thông dự thảo chính sách hiện nay trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; nguồn nhân lực tham mưu triển khai công tác PBGDPL, truyền thông dự thảo chính sách còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi sôi nổi về mô hình, cách thức PBGDPL, truyền thông dự thảo chính sách hiệu quả; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; giải pháp thực hiện, đồng thời đề xuất, kiến nghị để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, truyền thông dự thảo chính sách.

Kết luận Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên đề nghị trong thời gian tới, công tác PBGDPL cần được tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa về hình thức theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số, trong đó chú trọng cập nhật thông tin pháp luật tại chuyên mục PBGDPL trên Cổng Thông tin điện tử Sở Tư pháp, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, PBGDPL trên mạng xã hội…; tập trung nguồn lực PBGDPL cho đối tượng đặc thù, đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng, nhân rộng các mô hình PBGDPL có hiệu quả.

Về công tác truyền thông dự thảo chính sách, đồng chí đề nghị Sở Tư pháp quan tâm ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành tổ chức truyền thông dự thảo chính sách trong Nghị quyết quy phạm pháp luật quy định biện pháp có tính chất đặc thù; cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách bằng nhiều hình thức đa dạng. Cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, báo chí, Sở Tư pháp, Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông trong truyền thông dự thảo chính sách, đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia, Đoàn Luật sự tỉnh để huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn tham gia công tác này theo chủ trương đa dạng hóa nguồn lực xã hội.

Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì xây dựng chính sách cần có địa chỉ, hình thức tiếp nhận phù hợp và thực hiện xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách. Sở Tư pháp và các sở, ngành cần lồng ghép việc thực hiện PBGDPL, truyền thông dự thảo chính sách với thực hiện các chương trình, đề án có liên quan để tận dụng, tiết kiệm nguồn lực. Tại Tọa đàm, Tổ Thư ký Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương đã thông tin, giải đáp một số khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các đại biểu.

Đọc thêm