Toán học “cần một phen đổi mới”

(PLVN) -Theo GS.TSKH. Ngô Việt Trung, một nền giáo dục tiên tiến không thể thiếu vai trò môn Toán. Thế nhưng, hiện môn Toán đang bị đẩy dần khỏi chương trình đại học và bộc lộ nhiều lệch lạc trong việc dạy học và thi ở bậc phổ thông...
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Điều gì đang xảy ra với môn Toán?

Trong báo cáo của Hội Toán học Việt Nam tại Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X năm 2023, GS.TSKH. Ngô Việt Trung, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam (nhiệm kỳ 2018-2023) đã chỉ ra những khó khăn, thách thức đối với ngành Toán.

Theo GS.TSKH. Ngô Việt Trung, xu hướng “nhập khẩu công nghệ và tri thức nước ngoài” khiến cho vai trò của khoa học cơ bản, trong đó có Toán học dường như bị bỏ qua, “không được nhìn thấy”, ngày càng rõ rệt trong các cơ quan quản lý, thậm chí ở cả trường đại học và viện nghiên cứu.

Cùng với đó, ngay ở bậc phổ thông theo GS.TSKH. Ngô Việt Trung: “Việc giảng dạy, học tập, thi môn Toán ở các trường phổ thông bộc lộ nhiều lệch lạc. Ở các trường Đại học, Học viện, môn Toán bị coi nhẹ và đang dần dần bị đẩy ra khỏi chương trình đào tạo”.

Dù những năm qua, hàng loạt trường đại học và cao đẳng được thành lập mới hoặc nâng cấp lên. Tuy nhiên, số lượng các trường đại học, cao đẳng có ngành Toán hoặc sư phạm Toán tăng lên rất ít. Thời lượng các môn Toán ở bậc Đại học bị giảm đi nhiều, thậm chí bị loại bỏ khỏi một số chương trình đào tạo.

Nguyên nhân của việc này, một mặt do sự bất cập của giao quyền tự chủ đào tạo cho các trường mà chưa có một cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo. Từ đó, dẫn tới các trường tìm mọi cách bỏ hoặc giảm giờ các môn Toán cao cấp.

Mặt khác, do phần lớn cách giảng dạy, truyền đạt nội dung môn Toán cho sinh viên các trường chưa cập nhật được xu hướng phát triển của thời đại công nghệ thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của ngành khác. Trừ một số rất ít các đơn vị có thay đổi giáo trình và phương pháp truyền đạt, đại đa số vẫn theo khuôn mẫu Toán cao cấp từ thời Xô viết.

Với phương pháp giảng dạy và hợp tác nghiên cứu với các ngành khác như vậy, giảng viên của các trường chưa làm cho sinh viên cũng như giảng viên ngành khác thấy vai trò quan trọng của môn Toán trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các trường.

Trong khi đó, theo ông Trung, xung quanh chúng ta là sự trỗi dậy thần kỳ của một số nền Toán học, điển hình là Hàn Quốc, Singapore và Malaysia, đã tạo ra những thách thức lớn cho sự phát triển của nền Toán học Việt Nam.

GS.TSKH. Ngô Việt Trung bày tỏ, một thách thức nữa đối với ngành Toán, đó là lương thấp, điều kiện làm việc khó khăn, sự giảm sút vai trò của Toán học trong con mắt xã hội… làm cho nghề dạy Toán và nghiên cứu Toán học không còn hấp dẫn giới trẻ. Và nữa, nhiều GS và PGS đến tuổi nghỉ hưu, việc bổ sung đội ngũ GS, PGS càng khó khăn, nhất là đối với các trường kỹ thuật, đã làm cho tiếng nói của những người giảng dạy và nghiên cứu Toán ở các cơ sở Đại học ngày càng yếu hơn.

Ông Trung đưa ra con số, 5 năm qua, với 4 đợt công nhận GS và PGS, toàn bộ ngành Toán (không kể Phương pháp giảng dạy Toán), có thêm 11 GS và 55 PGS (năm 2019: 5 GS, 21 PGS; năm 2020: 3 GS, 13 PGS; năm 2021: 1 GS, 10 PGS; năm 2022: 2 GS, 11 PGS). Trong đó có 2 GS dưới 40 tuổi và một số PGS dưới 35 tuổi.

Từ đó có thể thấy, lực lượng giảng viên dạy Toán, đặc biệt lực lượng có chức danh GS, PGS ở bậc đại học và cao đẳng còn quá ít ỏi. Giảng viên Toán tại các trường luôn trong tình trạng quá tải, không còn thời gian và tâm sức dành cho nghiên cứu.

Hầu hết các cơ sở đào tạo Tiến sĩ về Toán không tuyển đủ chỉ tiêu, dù nhu cầu đào tạo Tiến sĩ toán cho các trường đại học và cao đẳng cao.

Cùng với đó, tiếng nói của các giảng viên ngành Toán trong các trường học không thực sự có ảnh hưởng tới chương trình và quản lý đào tạo ở các trường, trừ một số trường đại học có khoa Toán, nói chung. Điều này khiến cho vai trò ngành Toán ngày càng mờ nhạt.

Để thấy được vẻ đẹp của môn Toán

Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030 đã được phê duyệt cuối năm 2020. Mục tiêu của Chương trình tiếp tục là thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nền toán học Việt Nam về cả lý thuyết lẫn ứng dụng để nền Toán học Việt Nam đến năm 2040 vào nhóm các nước phát triển về Toán.

Để thực hiện được mục tiêu này, cần phải có các biện pháp để nghiên cứu ứng dụng Toán học trở thành mối quan tâm của các tập đoàn công nghiệp, kinh tế, của các ngành liên quan đến tin học, cơ học, kinh tế, y sinh, tài chính, biến đổi khí hậu và xã hội học ở Việt Nam.

Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phổ thông, các học sinh có năng khiếu và tạo niềm đam mê toán học cho các sinh viên Toán các bậc đại học để các em theo đuổi nghề nghiệp Toán sau này.

Những năm qua, đội tuyển Olympic Toán quốc tế vẫn giành được nhiều huy chương và hầu hết xếp thứ hạng trong top 10. Nhiều gương mặt trẻ đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi IMO, triển vọng trở thành đội ngũ kế cận xứng đáng trong tương lai. 5 năm qua, số lượng các nhà toán học trẻ nhận các học bổng sau đại học và sau tiến sĩ ở nước ngoài tăng lên đáng kể. Điều đó đem lại hy vọng về sự bổ sung lực lượng trong tương lai. “Vấn đề còn lại là làm sao để những người được đào tạo tốt ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp sẽ trở về Việt Nam làm việc”, ông Trung chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định Toán học, giáo dục Toán học là một hợp phần hết sức quan trọng của nền giáo dục. Bộ trưởng chia sẻ: Trong những năm tháng đất nước khó khăn, các điều kiện cho giáo dục còn rất hạn chế nhưng giáo dục Việt Nam, từ giáo dục phổ thông, đến khoa học cơ bản vẫn đạt tới chất lượng khá trên bản đồ giáo dục thế giới. Một phần quan trọng chính là sự đóng góp của các thầy cô giáo, các nhà giáo hoạt động trong lĩnh vực Toán học.

Trao đổi với các nhà toán học về mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đang được triển khai thực hiện, Bộ trưởng nhấn mạnh: Giáo dục Việt Nam đang chuyển mạnh từ nền giáo dục thiên về trang bị kiến thức sang hướng đến phát triển con người. Có rất nhiều việc phải làm, cần một sự đổi mới có tầm vĩ mô. Đổi mới ở triết lí và định hướng chương trình nhưng rất cần đổi mới từng phần, từng nội dung của giáo dục. Trong đó, Toán học vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng nhưng toán học, giáo dục toán học “cần một phen đổi mới”.

“Các môn học từ Tiếng Việt, Ngữ văn, Lịch sử đều cần đổi mới. Riêng Toán học cần tích cực đổi mới theo hướng phát triển tư duy cho người học, hướng học sinh đem tư duy toán học để giải quyết các vấn đề cuộc sống, giải quyết những vấn đề phát sinh để phát triển tư duy. Phát triển con người cần hai trụ đỡ quan trọng là tư duy logic và thái độ, tình cảm trong phương diện con người xã hội, con người cá nhân.

Cho đến hiện nay, giáo dục Toán học trong đời thường vẫn đang làm tốt nhưng phải làm tốt hơn. Làm sao để học sinh không thấy sợ toán, học sinh cảm thấy yêu thích môn toán, làm sao để học sinh cảm thấy môn toán là hữu ích cho mình và cần phải học”, Bộ trưởng nói.

Từ đề cập đến yêu cầu đổi mới của giáo dục toán học, Bộ trưởng mong muốn, trong các nội dung được các nhà Toán học thảo luận tại hội nghị lần này sẽ có nội dung trao đổi làm thế nào để tiến lên một bước đổi mới giáo dục Toán học trong nhà trường.

Theo Bộ trưởng, trong thời kỳ chuyển đổi của giáo dục đại học và trong giai đoạn thực hiện tự chủ, khoa học cơ bản đứng trước nhiều thách thức rất lớn; đặc biệt là các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học nhưng các nhà khoa học đã khắc phục những khó khăn, vừa duy trì học thuật, vừa phát triển các công bố quốc tế, qua đó ngày càng khẳng định vị thế của giáo dục đại học Việt Nam theo định hướng khoa học trên bản đồ thế giới.

“Đây là một cố gắng lớn. Về phía Bộ GD-ĐT, chúng tôi sẽ tiếp tục có những kiến nghị chính sách nhằm phát triển được các lĩnh vực khoa học cơ bản. Lấy khoa học cơ bản làm bệ đỡ cho các lĩnh vực khoa học khác, đặc biệt là cho khoa học giáo dục”.

Gần 1.000 nhà Toán học Việt Nam tham dự Hội nghị Toán học 2023

Hội nghị Toán học toàn quốc là hoạt động lớn nhất của cộng đồng Toán học Việt Nam được tổ chức 5 năm một lần. Hội nghị là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, ứng dụng và giáo dục Toán học trên cả nước trình bày những thành tựu khoa học của mình trong 5 năm gần đây. Đây cũng là dịp để cộng đồng Toán học Việt Nam tham gia, trao đổi về những vấn đề thời sự, cấp thiết đối với sự phát triển Toán học của đất nước.

Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X, năm 2023 thu hút sự tham dự của gần 1.000 nhà Toán học Việt Nam đang làm việc trong và ngoài nước; trong đó có các giáo sư Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, Đinh Tiến Cường, Phan Thành Nam…

Đọc thêm