Doanh thu không khả quan
Theo khảo sát từ các đơn vị du lịch, VITM hằng năm mang lại doanh thu từ 20 – 25 tỷ đồng cho mỗi đơn vị. Tuy nhiên, năm nay con số này không được như kỳ vọng. Theo một đơn vị lữ hành, thực tế từ những năm trước, lượng khách chốt tương đối cao. Năm nay, thời tiết Hà Nội xấu và trời mưa cả ngày khiến lượng khách đến hội chợ rất ít. Doanh nghiệp này chốt thêm được 3 khách mua tour nội địa và một khách mua tour quốc tế, thu về 27 triệu đồng. Pan American - công ty chuyên tour du lịch Mỹ - cũng mở một gian hàng ở vị trí đẹp ngoài trời tại hội chợ. Tuy nhiên, như tình hình chung, lượng chốt đơn của họ cũng không lớn.
Ông Nguyễn Hùng Trung, Giám đốc chi nhánh TP HCM của Pan America, xác nhận doanh thu không như kỳ vọng. Vào những dịp hội chợ trước, doanh thu sau 4 ngày có thể lên đến 30 tỷ đồng. Thực tế, đây là điều đã được dự báo trước nên ngày mưa ở hôm thứ 2 diễn ra sự kiện cũng không ảnh hưởng gì.
Không chỉ tại VITM 2022, tình hình chung ngành du lịch hiện nay vẫn chứng kiến tình trạng đìu hiu khách. Tại Hội An, nhiều thời điểm trong những ngày qua, tại các địa chỉ vốn hút khách từ khi dịch COVID-19 chưa hoành hành như chùa Cầu, cầu An Hội cùng các hàng quán nổi tiếng ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam rơi vào tình cảnh lác đác du khách. Đặc biệt, khách quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Nguyễn Văn Thủy - chủ một quán nước giải khát nằm ngay vị trí đắc địa trong khu phố cổ bộc bạch: “Đúng là niềm vui “ngắn chẳng tày gang”. Phố chỉ thực sự nhộn nhịp được dăm ba ngày nhờ sự kiện khai mạc Năm Du lịch Quốc gia, còn bây giờ khách vắng lắm. Buồn nhất là dù đường bay quốc tế đã được mở lại nhưng vẫn không thấy khách Tây. Hàng chục năm qua, người dân trong khu phố này chủ yếu bán buôn, có của ăn, của để cũng nhờ phần lớn vào khách nước ngoài”.
Tại Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, sau hơn nửa tháng mở cửa du lịch, nhiều cửa hàng lưu niệm và thuyền du lịch vẫn chờ khách quốc tế “gõ cửa”. Mỗi ngày, miền di sản thiên nhiên thế giới này chỉ đón vỏn vẹn 200 lượt khách trong nước tới tham quan. Trong khi đó, tại các điểm du lịch nổi tiếng ở Cố đô Huế, sau khi mở cửa du lịch, khách nội địa dù có tăng so với trước nhưng khách nước ngoài gần như vắng bóng. Những ngày cuối tuần thường là thời điểm "vàng" để các điểm du lịch tại Huế đón du khách. Nhưng thực tế tại Đại nội Huế, lượng khách tham quan vẫn khá èo ọt.
VITM 2022 không đạt doanh thu như kỳ vọng. |
Phục hồi trong quan điểm mới
Dù khách du lịch không đông như mong đợi song ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng quyết định công bố mở cửa toàn diện du lịch quốc tế là tín hiệu rất tốt cho khoảng thời gian từ cuối năm nay trở đi.
“Dẫu du lịch đã mở cửa hoàn toàn nhưng không thể có khách trong một sớm một chiều được. Có chăng chỉ là những nhóm khách nhỏ hoặc từ các quốc gia gần với nước ta. Thêm nữa, mùa cao điểm đón khách châu Âu lâu nay của Quảng Nam là mùa đông nên chúng ta phải chờ đợi thêm vài tháng nữa thì họ mới sang du lịch”, ông Thanh nhận định.
Trong khi đó, tại VITM, nhiều doanh nghiệp dù không đạt mức doanh thu vẫn tin tưởng tín hiệu lạc quan. Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price nhận xét việc khách có mua tour ở hội chợ năm nay hay không cũng không quá quan trọng. Vấn đề là họ đã nắm được thông tin của khách hàng qua những sự kiện giới thiệu sản phẩm, quay số trúng thưởng trong thời gian hội chợ. Nhờ đó, công ty có thể tư vấn, chào mời khách hàng mua tour sau khi sự kiện kết thúc.
Ngoài ra, các công ty du lịch cũng coi VITM Hà Nội 2022 như dịp tốt để kết nối với các đối tác. Đặc biệt khi sự kiện năm nay vẫn có gian hàng của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản - 2 thị trường hút khách Việt Nam nhưng hiện chính sách du lịch chưa thông thoáng. Năm nay, các đoàn tour ghép số lượng đông người sẽ ít đi. Điều này đã được nhiều chuyên gia dự báo khi người dân sợ tiếp xúc với người lạ. Các công ty mong muốn tìm thấy tiếng nói chung với Tổng cục Du lịch các nước tại Việt Nam. Qua đó, có thể tìm thấy mức giá tốt nhất cho du khách kể cả khi du lịch nhóm nhỏ.
Để thị trường du lịch sẵn sàng trở lại, việc phục hồi ngành du lịch đang đòi hỏi cần có những sản phẩm thích ứng và phù hợp. Ngoài những yếu tố quan trọng như đáp ứng nhu cầu thị trường, những trải nghiệm du lịch, tính đa dạng và sáng tạo, tính giáo dục; sản phẩm du lịch còn cần đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh mới.
Việc định hướng phát triển chiến lược sản phẩm du lịch mang tính đại trà hay chuyên biệt cần cân nhắc kỹ lưỡng trong mỗi giai đoạn phát triển du lịch nhằm tối ưu việc sử dụng tài nguyên du lịch. Đặc biệt, để du lịch sớm ổn định trở lại, cần có sự phối hợp, hỗ trợ và thống nhất trong triển khai giữa các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương, nhất là những địa phương trọng điểm du lịch.
Cần thiết có những chính sách rõ ràng từ cơ quan quản lý nhà nước, tập trung đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, từng bước và có những lộ trình bài bản. Đồng thời, tạo cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng những sản phẩm du lịch mới phù hợp với tình hình hiện nay, hỗ trợ kích cầu và quảng bá cho các sản phẩm du lịch mới mà các doanh nghiệp triển khai.