Tình trạng tiểu thương vận chuyển tỏi từ nơi khác về đảo Lý Sơn bán diễn ra nhiều năm qua. Bởi mỗi năm, tỏi Lý Sơn chỉ được sản xuất một vụ nên không có chuyện quá nhiều tỏi Lý Sơn ngoài thị trường như hiện nay. Năm 2018, nông dân xuống giống muộn, chưa đến mùa thu hoạch nhưng ngay sau Tết Mậu Tuất 2018, tỏi Lý Sơn “rởm” đã bán đầy chợ ở đảo.
Tiểu thương cho tỏi giả vào thùng xốp đóng kín rồi trà trộn cùng các thùng trái cây, thực phẩm tươi sống rồi vận chuyển ra đảo. Không chỉ ở đất liền, ngay tại Lý Sơn cũng có tình trạng thật giả lẫn lộn, từ tỏi trắng bình thường cho đến tỏi đen (loại tỏi đã qua chế biến, có giá trị kinh tế cao hơn tỏi trắng) hoặc tỏi một (tỏi cô đơn) cũng bị làm giả. Tuy nhiên, số lượng tỏi giả được phát hiện rất ít.
Từ ngày 1/1/2018 đến nay, Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu (KSBPCK) Cảng Sa Kỳ, Đồn Biên phòng (BP) Lý Sơn đã phối hợp với Cảng vụ, quản lý thị trường kịp thời phát hiện và ngăn chặn 7 đối tượng đang vận chuyển hơn 1 tấn tỏi Ninh Hiển, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa ra đảo Lý Sơn để tiêu thụ. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn tiến hành nhắc nhở hàng chục đối tượng có hành vi vận chuyển, mua bán tỏi không rõ nguồn gốc tại Cảng Sa Kỳ.
Đặc biệt ngày 3/3/2018, Tổ KSBP Trạm KSBPCK Cảng Sa Kỳ đã phát hiện xe ô tô tải 76C-07113, do ông Đặng Minh Phụng (SN 1979, ở xã Tịnh Thiện, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) điều khiển trên xe chở 23 thùng xốp bên trong chứa tỏi tươi với trọng lượng khoảng 650 kg và một xe khách chở theo 3 thùng xốp chứa tỏi tươi có trọng lượng khoảng 100 kg để chuyển ra đảo Lý Sơn.
Qua xác minh ban đầu cho thấy, hiện có một số người dân Lý Sơn đang sản xuất tỏi tại Ninh Hiển, sau thu hoạch vận chuyển tỏi về đảo để bảo quản và tiêu thụ. Tuy nhiên, có một số đối tượng là tư thương người địa phương tổ chức thu mua tỏi tại Ninh Hiển rồi chở về Lý Sơn tiêu thụ. Làm việc với các ngành chức năng, các chủ phương tiện và chủ hàng đã thừa nhận chuyển tỏi về Lý Sơn để tiêu thụ là hành vi trái với chủ trương của huyện, ảnh hưởng đến thương hiệu tỏi Lý Sơn. Do đó, các chủ hàng cam kết không vận chuyển tỏi về đảo.
Chiều 21/3/2018, cơ quan chức năng huyện Lý Sơn phối hợp với Trạm Kiểm soát Biên phòng An Vĩnh, Đồn Biên phòng Lý Sơn và Ban Quản lý cảng Lý Sơn đã phát hiện 3 bưu kiện gắn mác bưu cục chuyển phát từ TP Quảng Ngãi về đảo với nhiều khả nghi. Sau khi phối hợp với Bưu điện Lý Sơn tiến hành khui các bưu kiện, lực lượng phối hợp nói trên đã phát hiện bên trong có chứa 89,5kg tỏi một tép, tức tỏi cô đơn. Qua xác minh, số tỏi trên có nguồn gốc từ Ninh Hiển (Khánh Hòa) chuyển về cho bà Võ Thị Định ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn để tiêu thụ. Số tỏi này sau đó được bà Định và Bưu điện Lý Sơn chuyển trả về lại đất liền. Còn Bưu điện Lý Sơn sẽ không tiếp nhận các bưu kiện chuyển phát mặt hàng tỏi nơi khác về Lý Sơn.
Khác với các năm trước, thương lái chỉ chuyển tỏi khô thì năm nay họ lại chở tỏi tươi ra đảo Lý Sơn tiêu thụ. Sở dĩ có việc vận chuyển tỏi Ninh Hiển từ đất liền về Lý Sơn, giả thương hiệu tỏi Lý Sơn để tiêu thụ vì giá tỏi Lý Sơn dao động ở mức từ 120.000-170.000 đồng/kg (giá bán tại Lý Sơn), trong khi tỏi Ninh Hiển chỉ 50.000-60.000 đồng/kg. Nếu nhìn bằng mắt thường thì khó ai phân biệt được đâu là tỏi Ninh Hiển được trồng tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và tỏi Lý Sơn được trồng tại đảo Lý Sơn. Bởi tỏi Ninh Hiển cũng là giống tỏi của Lý Sơn nhưng trồng ở nơi khác.
Thương hiệu tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) công nhận là Thương hiệu quốc gia vào năm 2009. Với diện tích trên 330 hécta đất trồng hành, tỏi, mỗi năm huyện đảo Lý Sơn cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 tấn tỏi khô và 3.500 tấn củ hành. Vụ tỏi Đông Xuân 2017 - 2018, được mùa tỏi, sản lượng ước đạt 2.500 - 3.000 tấn tỏi khô. Năm 2017 mất mùa, giá bán tỏi khô tại huyện đảo ở mức 170.000 đồng/kg, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2018, giá bán là 120 nghìn đồng/1 kg.
Loại cây này có tiềm năng phát triển theo mô hình sản xuất hiện đại, là hướng phát triển của ngành nông nghiệp của huyện đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, cái khó trước mắt của nông dân trồng tỏi là nguồn cát trắng phục vụ sản xuất đang trở nên cạn kiệt và khan hiếm. Tỏi Lý Sơn vốn nổi tiếng thơm ngon với hương vị đặc trưng mà không đâu có thể có được. Theo người dân địa phương, hương vị đặc trưng thơm, cay của tỏi Lý Sơn có được nhờ lớp cát trắng trải trên mặt ruộng tỏi. Đây là loại cát biển tạo ra từ những con ốc biển và san hô vỡ vụn. Trước khi xuống giống, người trồng tỏi phải cải tạo lại đất, sau đó sử dụng một lượng cát trắng phủ lên trên. Mỗi sào tỏi hiện sử dụng ít nhất 2 xe cát, mỗi xe 3m3, giá 750 ngàn đồng/xe. Với diện tích 330 ha đất trồng tỏi, mỗi vụ sẽ cần từ 70.000-80.000 m3 cát trắng.
Hiện nay, nguồn cát trắng này ở huyện Lý Sơn đang dần cạn kiệt, để duy trì sản xuất nhiều hộ nông dân phải sử dụng lại nguồn cát cũ để sản xuất nên cho sản lượng thu hoạch không cao.
Dù phát hiện tiểu thương vận chuyển tỏi nơi khác về đảo bán nhưng không thể xử phạt mà chỉ tuyên truyền, nhắc nhở. Muốn xử phạt thì phải chứng minh tỏi đó được bán ra thị trường dưới nhãn mác tỏi Lý Sơn, mà nhãn mác của tỏi hiện chưa có. Người trồng tỏi trên đảo Lý Sơn sau khi thu hoạch phần lớn đều đưa ra thị trường tiêu thụ theo kiểu truyền thống là: không bao bì, không nhãn mác, không tem chống giả nên mặt hàng này dễ bị trà trộn.
Để ngăn chặn tình trạng tỏi nơi khác “đội lốt” tỏi Lý Sơn, UBND huyện đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các chuyến tàu vận chuyển hàng hóa và cơ sở kinh doanh tỏi trên địa bàn. Tuy nhiên, đó chỉ là phần ngọn. Phần gốc là để chống hàng giả thì địa phương phải xây dựng chỉ dẫn địa lý, in bao bì, nhãn mác, tem chống giả.