“Tôi là một Drag Queen”

“Tôi là một Drag Queen”

Tôi tin chắc rằng nếu ai có máu nghệ thuật trong mình mà xem được màn trình diễn của những Drag Queen thực thụ trên sân khẩu, chắc chắn sẽ bị mê hoặc hoàn toàn bời từng động tác, biểu cảm của “những phù thủy sân khấu” lúc nửa đêm. Tôi gọi họ là những nghệ sĩ chân chính…
 
 

Nhiều người chỉ biết đến văn hóa Drag phát triển lớn mạnh ở Sài Gòn với vô số show diễn lớn nhỏ cùng một lượng lớn nghệ sĩ Drag Queen đông đảo hoạt động tại các quán bar. Bởi lẽ, nhịp sống ở Sài Gòn vẫn nhộn nhịp và năng động bao lâu nay chính là một môi trường tốt nhất để cho cộng đồng Drag Queen có thể phát triển theo đúng nghĩa của nó. Và đặc biệt hơn, người Sài Gòn họ cũng có cái nhìn thoáng hơn về những người làm Drag Queen, rộng hơn nữa là những người trong cộng đồng LGBT.

Như một sức hút lạ kỳ, những giá trị thẩm mỹ tồn ẩn trong Drag có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ còn ở Sài Gòn mà nay nó đã có ở Hà Nội trong một vài năm trở lại đây. Chắc chắn một điều rằng cộng đồng Drag Queen ở Hà Nội vẫn còn rất nhỏ. Thế nhưng đây chính là một dấu hiệu để thứ văn hóa đặc biệt này có thể phát triển ở nơi mà những giá trị văn hóa Á Đông vẫn còn đậm nét. 

 

Từ khi Drag Queen  nhen nhóm phát triển ở Hà Nội thì ở một góc khác của Hà Nội, cũng có một thứ văn hóa đang được trân trọng và phát triển. Đó là thứ văn hóa của những người nghệ sĩ đặc biệt: rực rỡ, mới lạ và cá tính.

Nói đến đây, tôi muốn mọi người hiểu Drag và Drag Queen thực chất là gì? Bởi rất nhiều người hiểu nhầm, hiểu sai về Drag. Khái niệm "Drag" bị trộn lẫn với khái niệm những người chuyển giới, sau đó gom chung thành cánh hát đám ma, hát đám cưới, múa lửa mua vui cho người khác bằng cơ thể mình. 

Ở nơi mà văn hóa Á Đông vẫn còn đậm đặc như Hà Nội thì chắc chắn rằng không chỉ dừng lại ở hiểu lầm, hiểu sai mà những Drag Queen còn hứng chịu nhiều sự ác cảm, dè bỉu. Đối với họ, nam giới mà ăn mặc lộng lẫy bung xoè thì thật nhí nhố và "chẳng ra thể thống gì", thậm chí là bệnh hoạn. Đó là  lý do mà văn hóa Drag chưa thực sự có nhiều điều kiện phát triển khi mà rào cản tâm lý của người Á Đông chưa dễ chấp nhận sự lộng lẫy vô biên của nghệ thuật sân khấu này.

Chính bởi vậy mà những Drag Queen Hà Nội trong những năm trở lại đây mới chỉ dừng lại biểu diễn tập trung quanh khu Hồ Tây là chính, bởi khu vực này có nhiều người nước ngoài sinh sống, họ cởi mở và quen thuộc hơn với văn hóa này. Trong khi đó người Hà Nội vẫn còn dè dặt và lạ lẫm.

 

Zazazellia - nghệ danh của Nguyễn Hoàng Gia (27 tuổi), một trong những Drag Queen người Việt đầu tiên tại Hà Nội. Tình cờ biết Zaza qua một số bài viết, đặc biệt hơn là bằng một cuộn băng phỏng vấn dài hơn 2 tiếng tôi thêm hiểu hơn về Zaza, về cộng đồng Drag Queen và văn hóa Drag mà trước nay trong đầu không có bất cứ một hiểu biết nào.

Lắng nghe câu chuyện của Zaza và nhóm Drag Queen hoạt động tại Hà Nội của anh tôi thấy mình thực sự bị cuốn hút và thấy mình thật thiếu sót khi bỏ qua một góc “văn hóa LGBT” đa dạng giữa Hà Nội như Drag.

Khi được hỏi về Drag, Zaza giải thích cặn kẽ, mang đến cho tôi một cảm giác anh nói như bằng chính những trải nghiệm thực tế của anh với Drag của anh:

“Drag có thể là một người đồng tính, một người chuyển giới hay song tính hay là một Queer - những người vẫn đang đi tìm một danh tính cho mình. Sẽ chẳng có một cái nhãn mác hay giới tính nào gắn vừa cho cả cộng đồng. Họ có thể là một vũ công, diễn viên, ca sĩ nghiệp dư hay nhân viên bartender. Nếu như các họa sĩ giải phóng tâm tư bên trong, những điều giấu kín của họ qua các nét cọ phóng khoáng thì với những Drag Queen, họ chọn sân khấu biểu diễn, những bộ trang phục thật đẹp hay lối trang điểm độc đáo để thể hiện mình”.

 

Zaza nhớ lại thời điểm mới bắt đầu con đường drag vào khoảng tháng hai - tháng ba năm ngoái. Khi đó, Drag ở Hà Nội vẫn còn là điều khá mới mẻ, dù đã có một nhóm Drag ở Hải Phòng hoạt động cũng rầm rộ. Khi đó, trong đầu cậu thanh niên 26 tuổi không định rõ Drag là gì, chỉ biết được bạn bè rủ thử đi, hợp với cậu lắm nên Zaza đã bắt đầu dấn thân vào con đường này để rồi từ đó có nghệ danh là Zaza.

Zaza nhớ lại những điều người ta vẫn nói về về Drag Queen, “Drag nằm trong văn hóa đồng tính mà người đồng tính vốn đã có rất nhiều cái hiểu lầm. Drag Queen chưa kịp làm gì thì đã được dán mác định kiến. Nhiều người cho rằng Drag là chỉ đến vũ trường để thoát y. Đó là hiểu lầm căn bản nhất”. Cũng giống như người đồng tính thường được gán các mác hư hỏng, dị hợm, không bình thường. Vô hình chung những định kiến này đã khiến hình ảnh của cộng đồng LGBT nói chung và cộng động Drag Queen nói riêng.

Cách một năm trở lại đây, Zaza có đến 15, 16 lần biểu diễn trong chưa đầy một năm, mỗi lần lên sân khấu là một cảm xúc mới mẻ đối với Zaza. Với anh mỗi lần bước lên sân khấu là một lần được bộc lộ bản chất của mình, được sống với sở thích và đam mê và hơn thế là được sống là chính mình. Nhìn lại hành trình để trở thành một Drag Queen, với Zaza “mọi thứ cứ như một giấc mơ vậy, nó vừa quen thuộc nhưng cũng mới mẻ, choáng ngợp!”.

Zaza luôn thấy mình may mắn hơn những Drag Queen khác. Bởi anh nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của gia đình và người thân. Và đặc biệt là người yêu của anh luôn cởi mở và tôn trọng anh. Với Zaza những “quan trọng nhất vẫn là gia đình” hơn là việc phải bận tâm những lời dè bỉu, đánh giá tồi tệ về mình khi theo đuổi Drag.

 

Ở thời điểm hiện tại, Zaza và cộng đồng Drag Queen Hà Nội đã có những thành tựu nhất định. Thế nhưng để có được ngày hôm nay, Zaza và cộng đồng Drag Queen Hà Nội đã phải trải qua nhiều thời điểm cực kỳ khó khăn. Ở thời điểm mà “không có tiền, không có người diễn, không có địa điểm diễn và cũng không có khán giả” thế nhưng Zaza và nhóm của mình vẫn quyết định theo đuổi đến cùng đam mê của mình. Bởi theo Zaza đã chọn làm cái gì “mình thường dồn hết tâm sức và trí óc” để thực hiện chúng.

Zaza nhớ lại có thời điểm khi show của nhóm đang diễn ra thì “những nhà xung quanh ném gạch đá, mắm tôm đủ cả lên mái nhà thi đấu” để phá đám buổi biểu diễn thực sự đã khiến cả nhóm phải điêu đứng khi phải tìm một địa điểm biểu diễn mới. Nhưng sau tất cả từ những người xa lạ những nghệ sĩ Drag Queen Hà Nội đã gắn kết lại với nhau như một gia đình: cùng tập luyện, cùng biểu diễn bằng cả tình yêu và một đam mê rực cháy.

Sống và đam mê với Drag, Zaza coi Drag như một cách để thể hiện bản thân hoặc một hình thức biểu diễn nghệ thuật, một nét đặc sắc trong “gay culture” mà ở Hà Nội vẫn đang thiếu sót. Đây cũng chính là lý do để Zaza muốn lan tỏa văn hóa Zaza đến với nhiều người hơn, để họ hiểu và trân trọng một thứ văn giá giàu ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ này.

 

Sau hơn một năm trải qua bao khó khăn của ngày đầu mang Drag đến với Hà Nội, Zaza có nhiều điều kiện hơn để phát triển Drag và đưa cộng đồng Drag Queen lên một vị trí mới, được công nhận và tôn trọng. Đó chính là lý do mà Zaza muốn “tấn công” thị trường Việt năm nay thay vì chỉ giới hạn không gian trong những khu vực có nhiều người nước ngoài.

 

Ở bất cứ nơi đâu khi mà Drag Queen xuất hiện, thì thường những người chưa biết đến Drag sẽ “tìm đến xem vì tò mò, và họ bảo rằng đây là nam giả nữ diễn trò, hát hò linh tinh, chứ không hề xem đây là một môn nghệ thuật giải trí”.Thế nhưng, những người luôn có ác cảm với Drag Queen không biết rằng đằng sau những buổi tiệc náo nhiệt lúc nửa đêm ở các quán bar, ở đó không chỉ có những tiếng nhạc, điệu nhảy sôi động mà còn là nơi để đam mê bùng cháy. 

Thậm chí với nhiều Drag Queen để được lên sân khấu là cả một sự đánh đổi. Đánh đổi thời gian, đánh đổi tuổi trẻ và cả đánh đổi sự tự trọng của bản thân. Vì họ biết ngoài kia vẫn còn nhiều điều tiếng cay nghiệt danh cho những người đàn ông uốn éo trong bộ dạng của người đàn bà. Sau tất cả vẫn là đam mê, là được sống với sở thích còn lại trong suy nghĩ của những người Drag Queen chân chính.

Drag không chỉ đơn giản là đứng trên sân khấu và nhún nhảy vài ba động tác là thành một phần trình diễn; có nhiều người chọn lypsync; số khác phô diễn tài năng của mình với những bài hát live ấn tượng, khả năng trình diễn thời trang hay stand-up comedy (hài kịch tình huống).

 

Để có được những màn trình diễn thu hút trên sân khấu những Drag Queen phải mất rất nhiều thời gian, sức lực để chuẩn bị tất cả mọi thứ cho một màn biểu diễn hoàn hảo nhất. Trước mỗi buổi diễn, họ phải mất tới vài tiếng để trang điểm, làm sao để toát lên được những nét tính cách ấn tượng trên gương mặt. Ròng rã vài tuần, họ phải tìm mua hoặc đi may trang phục, lựa chọn màu tóc ưng ý và luyện tập chăm chỉ. 

Có tìm hiểu cuộc sống và những câu chuyện nghệ của những Drag Queen tôi mới thêm hiểu và trân trọng những nỗ lực mà họ đang cố gắng từng ngày. Nỗ lực để cống hiến những phần trình diễn hoàn hảo nhất. Nỗ lực đi tìm kiếm sự công nhận của cộng đồng. Hãy thưởng thức văn hóa Drag với tâm thế của một người khán giả đã xem một môn nghệ thuật vì khi ấy mỗi chúng ta sẽ thêm phần trân trọng những Drag Queen. Bởi họ xứng đáng được công nhận.

Drag Queen là những người nghệ sĩ thực thụ…

Đêm lại buông xuống nơi phố thị Hà Nội, những chàng trai như Zazazellia lại khoác lên mình bộ xiêm y lộng lẫy nhất, họ tạm quên đi con người của ngày thường, để trở thành những quý cô kiêu sa trên sân khấu. Zazazellia và những người nghệ sĩ Drag Queen. Họ tự hào với những giây phút được cháy hết mình trên sân khấu, được phá bỏ những giới hạn của bản thân để trở thành một nhân vật hoàn toàn khác giúp họ cảm thấy cuộc sống thú vị hơn rất nhiều.

Họ gọi đó là đam mê, vì nếu không có đủ đam mê thì chắc chẳng đủ mạnh mẽ đi cùng nghề. Đâu đó trong xã hội vẫn còn những ánh mắt kỳ thị với nghề, với những nghệ sĩ "nửa nam nửa nữ", nhưng đã trót mang duyên với nghề nên các nghệ sĩ chấp nhận mọi lời gièm pha. Nhiều người đùa vui rằng, để làm một chàng trai đồng tính công khai, bạn phải có 7,8 phần can đảm. Nhưng nếu để sống như một drag, bạn phải thực sự không sợ hãi.

 

Nhìn những Drag Queen như Zazazellia đang cống hiến cho khán giả mỗi đêm, tôi tin họ thật sự nghiêm túc với nghề. Và dù khán giả chỉ xem là trò mua vui, thì tôi tin người nghệ sĩ luôn hạnh phúc khi được biểu diễn. Đời ai cũng có đích đến riêng, nhưng có lẽ chúng ta cũng nên một lần sống chết với đam mê của mình, để rồi không phải hối tiếc cho những năm tháng thanh xuân đã qua.

Đọc thêm