Tội phạm manh động, công an có thể nổ súng ngay?

 Nhiều vụ, cán bộ, chiến sỹ lực lượng công an bị tội phạm tấn công mặc dù họ có phương tiện trong tay nhưng lại lúng túng trong cách xử lý vì …pháp luật chưa quy định cụ thể trường hợp nào được nổ súng ngay.
Nhiều vụ, cán bộ, chiến sỹ lực lượng công an bị tội phạm tấn công mặc dù họ có phương tiện trong tay nhưng lại lúng túng trong cách xử lý vì… pháp luật chưa quy định cụ thể trường hợp nào được nổ súng ngay.

Thuyết trình về Dự án Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Lực lượng chức năng đã được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ nhưng chưa có quy định cụ thể các trường hợp được nổ súng. Trong khi thực tế hiện nay, nhiều đối tượng buôn bán ma tuý sử dụng vũ khí quân dụng chống lại lực lượng chức năng diễn biến hết sức phức tạp.

Bộ Công an cũng thừa nhận, đã có cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi thi hành nhiệm vụ vì thiếu phương tiện chiến đấu hoặc có phương tiện nhưng không có quy định sử dụng rõ ràng dẫn đến lúng túng không xử lý kịp thời, bị tội phạm tấn công.

Vì vậy, dự thảo Pháp lệnh này đã bổ sung thêm quy định trong trường hợp đặc biệt thì được phép nổ súng ngay để ngăn chặn ngay đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể, Khoản 2, Điều 18 Dự thảo Pháp lệnh quy định: “Trường hợp cấp bách không có biện pháp nào khác để ngăn chặn ngay đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc để thực hiện quyền phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật thì được nổ súng ngay”. “Quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng để những người đang thi hành công vụ hoàn tốt nhiệm vụ mà không sợ vi phạm quy định của pháp luật về việc nổ súng”, Bộ Công an giải thích thêm.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Pháp lệnh), vấn đề này cần quy định chặt chẽ một mặt để phòng ngừa việc lạm dụng vũ khí gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của cá nhân và tài sản của nhà nước, hoặc hạn chế tính chủ động của lực lượng chức năng. Đồng thời lưu ý quy định các trường hợp được nổ súng trong thời bình cần tuân thủ Bộ luật Hình sự về phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết.

Ngoài ra, dự thảo Pháp lệnh quy định các trường hợp được nổ súng (không phải nổ súng ngay) sau khi đã nổ súng cảnh cáo mà đối tượng không tuân lệnh.

Đó là: đối tượng đang dùng vũ lực gây bạo loạn, cướp kho hoặc nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; đang phá hoại công trình quân sự, an ninh, công trình cấp quốc gia quản lý; đối tượng đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải; phạm nhân đang nổi loạn cướp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hoặc trốn khỏi trại giam; đối tượng dùng vũ lực, vũ khí quân dụng, chất nổ, chất cháy, công cụ hỗ trợ hoặc các chất độc hại khác tấn công, uy hiếp tính mạng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, người bị dẫn giải; người đang bị giam giữ, đang bị dẫn giải hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đang thi hành lệnh bắt mà chạy trốn hoặc chống lại….và quy định về các trường hợp được phép bắn hỏng phương tiện khác.

Huy Hoàng

Đọc thêm