Mức áp thuế mới
Đầu tháng 3/2018, DOC đã thông báo kết quả sơ bộ thuế CBPG cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) lên tới 25,39%. Mức thuế lần này được cho là quá cao so với những lần công bố trước đó. Theo nguyên đơn từ Hoa Kỳ, Công ty Fimex là bị đơn bắt buộc duy nhất trong đợt xem xét hành chính lần này, do đó biên độ phá giá tính cho Fimex cũng được áp dụng cho hơn 30 công ty còn lại của Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi rà soát các điều kiện để DOC quyết định sơ bộ áp dụng mức thuế suất 25,39%, Công ty Fimex đã phát hiện ra DOC đã có sự nhầm lẫn khi áp các hệ số chuyển đổi từ tôm nguyên con sang tôm bóc vỏ bỏ đầu trong chương trình tính toán biên độ khiến cho kết quả sơ bộ bị sai lệch đáng kể. Theo Fimex, nếu hệ số chuyển đổi được áp dụng chính xác, biên độ phá giá của Công ty Fimex sẽ chỉ là 1,19% thay vì mức 25,39% như đã công bố.
Sau phát hiện này, Fimex đã tích cực hợp tác với Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) của Bộ Công Thương để đưa ra những câu trả lời theo các văn bản của DOC.
Trao đổi với Báo PLVN, đại diện Cục PVTM cho biết, kết quả hạ thuế suất nhập khẩu (NK) về 4,58% có được từ sự nỗ lực của DN trong việc giải trình, cung cấp thông tin cũng như của Chính phủ trong việc vận động, trao đổi, bày tỏ quan điểm với DOC trong giai đoạn điều tra cuối cùng của vụ việc.
Vị này cũng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) và các DN có liên quan có các hành động cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngành tôm XK của Việt Nam trong các kỳ rà soát tương lai.
Theo các nhà XK tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long, mức thuế này là một sự thành công bước đầu. Các DN tôm Việt Nam an tâm đẩy mạnh bán hàng vào Hoa Kỳ, nhất là tới đây là giai đoạn tập trung mua hàng từ các nhà NK Hoa Kỳ. Tất cả nguồn lực sẽ tập trung vào POR13 và gần như chắc chắn mức thuế ở POR13 (niên độ bán hàng 2017, lấy tròn) sẽ được cải thiện triệt để.
Thành công bước đầu của một quá trình dài lâu, bền bỉ
Trước việc DOC áp mức thuế mới với tôm XK Việt Nam, trao đổi với Báo PLVN, bà Nguyễn Thị Hồng Minh (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch danh dự VASEP) cho biết: "Thực ra việc kiện cáo với phía Hoa Kỳ đã kéo dài quá lâu, không chỉ với con tôm mà cả với cá tra của Việt Nam chúng ta. Việc này kéo dài gây tốn kém hàng triệu đô la với một DN khi phải thuê luật sư theo đuổi vụ việc. Ngoài ra, do thuế cao nên gây ra hạn chế XK thủy sản nói chung, con tôm nói riêng vào thị trường Hoa Kỳ. Vậy nên, việc giảm thuế như vậy rất là tốt".
Bà Minh cho rằng, đây là nỗ lực rất lớn của các DN Việt Nam trong vụ kiện và xứng đáng được ghi nhận bởi ngoài chuyện tiền bạc, các DN còn chứng minh bằng hồ sơ, giấy tờ với một công việc vô cùng lớn để vượt qua quá trình thẩm tra của DOC. Đánh giá về lợi thế cạnh tranh của tôm Việt Nam XK vào thị trường Hoa Kỳ thời gian tới, bà Minh cho rằng, con tôm của Việt Nam có nhiều thách thức nhưng không ít lợi thế. Bên cạnh đó, bà Minh cho rằng: "Với mức thuế mới, tôi cho rằng XK tôm vào thị trường Hoa Kỳ đã rộng mở hơn, có thể kỳ vọng doanh thu lớn dù còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có thể mục tiêu XK thủy sản 10 tỷ USD trong năm nay khó đạt được do phụ thuộc vào con tôm, con cá song nếu vẫn chịu mức áp thuế cũ, có thể XK thủy sản Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa".
Kỳ vọng tăng doanh thu XK tôm từ thị trường Hoa Kỳ
Với kết quả cuối cùng POR12 thấp hơn so với kết quả sơ bộ và kết quả POR11, XK tôm Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ trong những tháng tới dự kiến sẽ hồi phục, đưa kết quả XK tôm cả năm 2018 sang thị trường này lên khoảng 615 triệu USD, giảm nhẹ 6,5% so với năm 2017.