Hoa Đà là người Thị Quốc (vùng Giang Tô, An Huy, Trung Quốc ngày nay), sinh vào khoảng giữa thế kỷ thứ 2. Thời đó chiến tranh liên miên, đời sống nhân dân vô cùng khốn khổ, đói kém, dịch bệnh hoành hành khiến ông quyết tâm học nghề y để cứu chữa cho người.
Ông miệt mài nghiền ngẫm các trước tác y học cổ và tiếp thu những tinh hoa trong thực tiễn chữa trị bệnh của Biển Thước, Thương Công nên nhanh chóng trở thành thầy thuốc nổi tiếng đương thời. Lúc bấy giờ có một số người giới thiệu ông với triều đình, cũng có người mời làm thị y, nhưng ông đều từ chối, chỉ muốn làm một thầy thuốc bình thường chữa bệnh cho dân lao khổ.
Những bài thuốc dân dã
Có lần trên đường đi Hoa Đà gặp một thanh niên nằm trên xe bò kêu rên không ngớt, vội bước đến hỏi thăm. Người đẩy xe bò nói: “Cháu tôi không biết đau bệnh gì, bụng đói mà không ăn được mấy hôm rồi, bây giờ tôi đưa nó đi tìm thầy thuốc để chữa chạy đây”.
Hoa Đà xem xét khí sắc của người bệnh rồi bắt mạch, biết là cậu thanh niên bị tắc cuống họng, bèn an ủi: “Bệnh của cậu không sao đâu, chỉ là trong ruột có giun. Tôi sẽ chỉ cho cậu cách điều trị. Có phải nơi các anh vừa đi qua có một cửa hàng ăn phải không? Các người đi về xin chủ quán 3 lượng tỏi và ít giấm, giã trộn hai thứ lại với nhau rồi uống, bệnh sẽ hết ngay”.
Nghe theo lời chỉ dẫn, cậu thanh niên đó uống giấm trộn tỏi, một lát sau nôn ra một con giun rất dài liền hết bệnh.
Cũng có lúc Hoa Đà thậm chí không dùng đến một cây kim châm cứu hay viên thuốc nào mà cũng trị được bệnh, giảm bớt nỗi đau khổ cho bệnh nhân. Có một hôm, một viên quan phái người đi mời Hoa Đà về chữa bệnh cho ông ta. Viên quan nói rằng: “Hoa đại phu, trong lòng ta cảm thấy rất buồn bực đã mấy ngày nay, uống nhiều thuốc, dán cũng nhiều loại cao mà cũng chẳng thấy tốt hơn chút nào, ta mắc bệnh gì vậy?”.
Hoa Đà nhìn qua sắc mặt ông ta, sau khi bắt mạch xong, không hề trả lời câu hỏi, chỉ đi đến trước bàn viết một lá thư đưa cho viên quan rồi bỏ đi. Viên quan thấy khó hiểu, mở thư ra xem luôn thì không tài nào nén giận, hóa ra trong thư Hoa Đà chửi bới ông ta thậm tệ.
Viên quan vô cùng căm phẫn, sai thuộc hạ đuổi theo bắt Hoa Đà về. Nào ngờ, người cử đi bắt Hoa Đà trở về nói không bắt được. Viên quan nghe vậy càng căm tức hơn, “ọe” lên một tiếng đồng thời nôn ra một bãi máu ứ đen, bệnh đồng thời đỡ hẳn.
Lúc đó con của viên quan mới bước vào, kể rõ sự tình. Thì ra sau khi Hoa Đà khám bệnh, xác định bệnh nhân chỉ có nổi giận một trận mới có thể loại trừ được những ứ kết trong người nên mới sử dụng phương pháp trên. Viên quan nghe xong rất khâm phục.
Sử dụng thuật gây mê sớm nhất thế giới
Khi tiến hành thủ thuật ngoại khoa cho bệnh nhân, nhất thiết phải dùng thuật gây mê. Phương pháp đó ở các nước châu Âu, châu Mỹ mới áp dụng vào thế kỷ 19. Nhưng vào thế kỷ thứ 2, Hoa Đà đã biết áp dụng phương pháp đó.
Thuốc gây mê mà Hoa Đà dùng gọi là ma phất tán, điều đáng tiếc là ma phất tán gồm những thành phần gì, trong các sách cổ không có ghi chép lại. Trong sách sử có ghi chép một số ví dụ Hoa Đà dùng ma phất tán chữa trị thành công.
Một hôm, có 2 người đàn ông khiêng theo bệnh nhân, đi sau còn có một phụ nữ trạc tuổi trung niên hớt hải chạy tìm Hoa Đà chữa bệnh. Bệnh nhân hai tay ôm bụng kêu la đau đớn nói bụng đau quá chịu không nổi. Sau khi Hoa Đà kiểm tra xong xác định là bệnh đường ruột, sau này gọi là viêm ruột thừa cấp tính. Hoa Đà châm cứu cho bệnh nhân mấy mũi và cho uống mấy viên thuốc.
Lát sau thuốc ngấm vào cơ thể đã phát huy tác dụng, đau đớn giảm đi một ít, vợ của bệnh nhân cảm thấy yên tâm còn Hoa Đà cũng thấy nhẹ nhõm một phần. Nhưng lát sau, bệnh nhân lại đau, Hoa Đà quả quyết: “Châm cứu, uống thuốc đều không có kết quả, chỉ còn mổ bụng mà thôi”.
Lúc bấy giờ nhận thức thời phong kiến còn hạn chế, người nhà bệnh nhân khẩn thiết: “Hoa đại phu, xin ngài hãy tìm cách khác, xin ngài đừng có mổ bụng, vả lại mổ bụng ra rồi có còn sống được nữa không?”
Hoa Đà an ủi: “Nếu không mổ thì bệnh nhân sẽ có thể chết. Cứ yên tâm, thủ thuật này tôi đã làm nhiều lần rồi, bệnh nhân sẽ không đau đớn gì cả, không phải lo”.
Hoa Đà bảo đệ tử lấy ma phất tán đã được điều chế kỹ lưỡng ra, hòa vào rượu rồi cho bệnh nhân uống, đồng thời chuẩn bị dụng cụ mổ. Bệnh nhân uống thuốc xong chẳng bao lâu thì thiếp đi. Hoa Đà thấy thuốc đã ngấm, bắt đầu phẫu thuật, mổ ra thấy đoạn ruột thừa đã thối nát, bèn cắt bỏ, dùng thuốc rửa sạch chỗ đau, khâu bụng lại, bên ngoài bôi thuốc sát trùng. Dăm hôm sau vết mổ kéo da non, sau 1 tháng bệnh nhân hoàn toàn bình phục.
Sáng lập “Ngũ cầm hý”
Hoa Đà không những y thuật cao siêu mà còn am hiểu sâu sắc nguyên lý cuộc sống là ở trong vận động. Ông cho rằng: “Con người phải thường xuyên hoạt động, làm như vậy sẽ thúc đẩy nhanh tiêu hóa, tuần hoàn huyết dịch, cơ thể không dễ bị bệnh”. Vì thế ông đã miệt mài nghiên cứu sáng tạo ra “Ngũ cầm hý”, tức là mô phỏng động tác, tư thế của 5 loại động vật khác nhau trong tư thế hoạt động.
Năm loại động vật mà Hoa Đà chọn là: hổ, hươu, gấu, khỉ và chim. Hổ rất giỏi nắm giữ, hươu lúc đi nhẹ nhàng thư thái linh hoạt, gấu giỏi trèo cây treo người, khỉ nhanh nhẹn cơ động, chim vỗ cánh. Con người mô phỏng những động tác của các loài động vật đó để luyện tập sẽ tăng cường thể chất, đề kháng được bệnh tật.
Nghe nói hai vị đệ tử của Hoa Đà kiên trì luyện tập “Ngũ cầm hý”, một người đã hơn 90 tuổi mà tai vẫn rất thính, mắt vẫn sáng, răng chắc chưa lung lay cái nào; còn vị kia sống đến hơn trăm tuổi.
Cuối đời Đông Hán, thực tế triều đình đều ở trong tay Tào Tháo. Tào Tháo mắc bệnh đau đầu xây xẩm chóng mặt, não chướng to, không thể giải quyết những việc triều chính. Tào Tháo đã mời rất nhiều thầy thuốc đến chữa trị nhưng đều không có kết quả. Sau đó nghe nói Hoa Đà y thuật cao siêu nên mời tới.
Sau khi chẩn đoán, Hoa Đà quyết định dùng phương pháp châm cứu. Tào Tháo thấy đỡ đi rất nhiều. Nhưng Tào Tháo hàng ngày phải xử lý rất nhiều việc căng thẳng, bệnh lại phát sinh. Có lần đột nhiên Tào Tháo hỏi: “Bệnh đau đầu của ta có thể chữa khỏi hoàn toàn không?”. Hoa Đà suy nghĩ một lát: “Châm cứu chỉ có thể giải quyết giảm đau. Muốn chữa khỏi hoàn toàn phải làm phẫu thuật sọ não”. Tào Tháo nổi giận đùng đùng: “Nói bậy, mổ sọ não ra còn sống thế nào được nữa!”.
Để mỗi khi bệnh phát sinh có thể làm giảm cơn đau, Tào Tháo lệnh cho Hoa Đà luôn túc trực bên cạnh, không được ra khỏi đô thành. Hoa Đà buồn nhớ quê nhà, mượn cớ đi lấy thuốc, xin phép Tào Tháo cho ghé về quê một lần. Tào Tháo đồng ý cho ông đi một tháng.
Một tháng trôi qua rất nhanh, Hoa Đà không muốn lên đô thành bèn viết thư cho Tào Tháo nói vợ bị ốm nặng xin nghỉ thêm một thời gian nữa, sau đó ông lại xin nghỉ tiếp. Tào Tháo thấy Hoa Đà đi lâu không về, sinh nghi liền cho người điều tra và dặn: “Nếu ông ta nói dối ta thì bắt lôi cổ về đây trị tội”. Tào Tháo thấy Hoa Đà không muốn phục vụ mình, quyết định xử chết. Tuy các mưu sĩ nhiều lần khuyên cản nhưng Tào Tháo vẫn giữ ý kiến, vì thế mà Hoa Đà bị giết hại.
Khi Hoa Đà bị giam trong ngục, ông đã viết lại tất cả những kinh nghiệm chữa bệnh. Khi ông biết Tào Tháo sắp giết mình, ông đã tặng quyển sách ấy cho cai ngục, nhưng viên cai ngục sợ liên lụy không dám nhận. Hoa Đà thở dài, bảo cai ngục cho mồi lửa đốt cháy hết quyển sách. Cuộc đời của danh y kết cục nuốt hận mà chết, cả đến trước tác y học cũng không lưu giữ được, đó là một tổn thất to lớn của lịch sử.