Trao Kỷ niệm chương và quà cho các nhà khoa học nữ xuất sắc. (ảnh P.V) |
Các nghiên cứu quý giá
Từ năm 1998, Quỹ L’Oréal và UNESCO hằng năm đều tôn vinh 5 nhà khoa học nữ xuất sắc đến từ 5 châu lục trên thế giới, với những nghiên cứu tiên phong trong khoa học trên tất cả các lĩnh vực nhằm tận dụng toàn bộ trí tuệ, sự sáng tạo và đam mê của phụ nữ.
Đến năm 2000, Quỹ L’Oréal và UNESCO đã đưa thêm hạng mục Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới để hỗ trợ, khuyến khích 15 nhà khoa học nữ trẻ triển vọng mỗi năm.
Các đề tài nghiên cứu của các tiến sĩ nữ rất đa dạng, từ nghiên cứu chuyên sâu vào những khám phá mới, hướng đi mới trong hỗ trợ điều trị bệnh ung thư và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cho đến các nghiên cứu tổng hợp vật liệu mới, thông minh và bảo vệ môi trường, ứng dụng trong đa ngành như y học, vận tải, năng lượng...
Kể từ khi triển khai tại Việt Nam năm 2009, Giải thưởng khoa học L’Oréal - UNESCO “Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học” đã vinh danh và trao học bổng nghiên cứu cho 38 nhà khoa học nữ trẻ tài năng của Việt Nam (trong đó có ba người đã được trao giải Tài năng trẻ triển vọng quốc tế năm 2015, 2018, 2022) vì những đóng góp nổi bật của họ trong lĩnh vực Khoa học sự sống và Khoa học vật liệu. Chương trình Giải thưởng khoa học L’Oréal - UNESCO “Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học” đã hỗ trợ họ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê khoa học và tiến xa hơn nữa trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, góp phần thu hẹp khoảng cách về giới trong khoa học.
Với công trình nghiên cứu “Chất xúc tác có cấu trúc nano mới để sản xuất pin nhiên liệu hiệu quả, tiết kiệm chi phí và sản xuất năng lượng H2 xanh”, TS. Hồ Thị Thanh Vân đã được Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới bầu chọn là 1 trong 15 gương mặt nữ khoa học trẻ tài năng thế giới 2022.
Dự án nhằm tiếp cận những vấn đề về năng lượng và môi trường, thiết lập vòng tuần hoàn sạch, trong đó tập trung vào năng lượng hydro và nhiên liệu sạch ứng dụng trong đời sống hằng ngày, tạo ra một dạng năng lượng xanh, sạch, bền bỉ, có khả năng tái tạo và thân thiện với môi trường.
Trước đó, TS. Trần Hà Liên Phương, Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP HCM (năm 2015) và TS. Nguyễn Thị Hiệp, Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP HCM (năm 2017) đã được vinh danh là Nhà khoa học nữ tài năng thế giới.
Ngoài ra, Giải thưởng còn tôn vinh nhiều gương mặt xuất sắc khác. PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hoài là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM. Hướng nghiên cứu của PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hoài là phát triển quy trình phát hiện gen kháng kháng sinh (ARG) của trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa trực tiếp từ các mẫu lâm sàng bằng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số.
TS. Trần Thị Kim Chi, Trưởng phòng Hiển vi điện tử, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. TS. Kim Chi đã tìm hiểu tính chất của thế hệ pin mới là loại pin ion kim loại đa hóa trị, sử dụng vật liệu nano MnO2 lai hóa với graphene làm vật liệu điện cực dương để thay thế cho các loại pin hiện hành do chi phí sản xuất thấp và sự phong phú của các kim loại đa hóa trị.
PGS. TS Nguyễn Thị Ái Nhung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất và Chuyển giao Công nghệ, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Công nghệ; đồng thời là Trưởng Bộ môn Hóa lý, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Nghiên cứu của PGS. TS Nguyễn Thị Ái Nhung hướng đến việc Nghiên cứu về khả năng kháng khuẩn và ức chế hội chứng bệnh từ cây dược liệu đặc hữu ở Việt Nam, tìm ra mối tương quan giữa hợp chất tự nhiên và cấu trúc protein.
PGS. TS Nguyễn Thị Ái Nhung. (Ảnh: BTC) |
PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, TP Hồ Chí Minh, với đề án nghiên cứu tổng hợp xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0, 8W0, 2O2 để nâng khả năng chịu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol là một dạng năng lượng tái tạo.
TS. Trần Thị Hồng Hạnh - Nghiên cứu viên chính, Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn Lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam có nghiên cứu sử dụng phương pháp sắc ký vân tay kết hợp với thiết bị hiện đại để đánh giá thành phần dược liệu và chất lượng dược liệu nhằm cung cấp bộ dữ liệu về thành phần các hoạt chất có trong mẫu dược liệu nghiên cứu, bao gồm cấu trúc hóa học, thành phần, hàm lượng chất, làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng dược liệu trên thị trường. Phương pháp sắc ký vân tay còn được áp dụng trong đánh giá thành phần thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ dược liệu.
TS. Phạm Thị Thu Hà - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu di truyền và giống, Đại học Tôn Đức Thắng, TP Hồ Chí Minh, nghiên cứu về phát triển các giống lúa chịu mặn thông qua chọn lọc bằng dấu chuẩn phân tử và phổ biến chúng ở các vùng bị ảnh hưởng của điều kiện mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu này tận dụng các công cụ nhân giống hiện đại, trong đó có lai chéo hỗ trợ đánh dấu, để phát triển các giống lúa chịu mặn có năng suất cao thích nghi với điều kiện ở miền Nam Việt Nam, được xây dựng dựa trên kiến thức thu được có liên quan đến việc kiểm soát di truyền về khả năng chịu mặn ở lúa, để tăng tốc độ và hiệu quả phát triển các giống cải tiến.
Khi phụ nữ được trao cơ hội để phát triển
Chương trình Giải thưởng khoa học L’Oréal - UNESCO “Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học” vừa kỷ niệm 15 năm hành trình tại Việt Nam với sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp nghiên cứu...
Các nhà khoa học nữ của chương trình Giải thưởng khoa học L’Oréal - UNESCO “Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học” được trao tặng Kỷ niệm chương vì những đóng góp to lớn của họ cho khoa Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung. Sự kiện cũng bên cạnh đó truyền cảm hứng cho thế hệ nhà khoa học nữ trẻ tiếp theo để theo đuổi con đường thay đổi thế giới bằng khoa học.
Sự kiện hôm nay tôn vinh những thành tựu ấn tượng của 38 nhà khoa học nữ tại Việt Nam, trong đó có những cá nhân xuất sắc đã tạo ra ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Mối quan hệ đối tác giữa UNESCO và L'Oréal là một minh chứng cho việc Liên hợp quốc và doanh nghiệp tư nhân có thể cùng nhau tạo ra tác động thiết thực cho cộng đồng. Tôi hy vọng rằng, thông qua chương trình này, cùng với các nhà khoa học nữ, chúng ta sẽ ngày càng thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực khoa học tại Việt Nam”, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhận xét.
Bà Lidia Brito, Phó Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên nhấn mạnh: “Những nhà khoa học nữ này đã trở thành hình mẫu, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ em gái và phụ nữ tương lai theo đuổi sự nghiệp khoa học và công nghệ. Công trình của họ chứng minh sức mạnh của sự lãnh đạo của phụ nữ trong khoa học và là minh chứng hùng hồn cho những gì có thể đạt được khi phụ nữ được trao cơ hội để phát triển”.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa UNESCO và Quỹ L'Oréal Foundation, giải thưởng này được lập ra để tôn vinh các nhà khoa học nữ có thành tựu xuất sắc, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực nghiên cứu. Đây cũng là cách thúc đẩy nhân lực và năng lực khoa học để giải quyết các thách thức lớn của thời đại.
Ông Benjamin Rachow, Tổng Giám đốc điều hành của L’Oréal Việt Nam nói: “Chúng tôi không chỉ đơn thuần là mang đến sự công nhận cho các nhà khoa học nữ, mà trên hết chúng tôi muốn hướng đến việc xây dựng thế hệ nhà khoa học nữ trẻ tiếp theo. Họ cần biết rằng sự nghiệp khoa học không chỉ là một lựa chọn, mà còn còn là sức mạnh để tạo ra những điều tốt đẹp”.
“Việt Nam đang sở hữu rất nhiều nhà khoa học nữ xuất sắc và chúng tôi vô cùng tự hào vì có thể góp phần hỗ trợ và vinh danh những nghiên cứu tiên phong của họ. Hôm nay, chúng ta vinh danh những người phụ nữ xuất sắc này. Sự tận tâm, kiên cường và kiên trì theo đuổi tri thức của các bạn là biểu tượng của hy vọng và là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta”, ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam bày tỏ.
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân được Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới bầu chọn là 1 trong 15 gương mặt nữ khoa học trẻ tài năng thế giới 2022. (ảnh: TTXVN) |
TS. Hồ Thị Thanh Vân chia sẻ: “Tôi mong rằng sẽ có nhiều bạn nữ theo đuổi sự nghiệp khoa học mà theo tôi có nhiều chông gai nhưng nếu đam mê và có một chút hy sinh bản thân mình thì các nhà khoa học nữ sẽ có thể vượt qua được những trở ngại để thành công, từ đó đóng góp nhiều cho cộng đồng, cho nền khoa học của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung”.