Ngày 21/5 hàng năm đã được Liên hợp quốc chọn là “Ngày Quốc tế Trà”, nhằm thúc đẩy các hoạt động ủng hộ sản xuất - tiêu thụ chè bền vững và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chè trong xóa đói giảm nghèo.
Tôn vinh đồ uống lâu đời nhất thế giới
Trà đã có từ hơn 5.000 năm trước nhưng những đóng góp của nó cho sức khỏe, văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Trà là một trong những đồ uống lâu đời nhất thế giới và là đồ uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới.
Hiện nay phần đông các nhà bác học thế giới đã thống nhất là quê hương xa xưa của cây chè không phải nằm gọn trong một nước, mà là cả một vùng rộng lớn bao gồm phía nam Trung Quốc (tỉnh Vân Nam), vùng phía bắc Miến Điện, vòng sang tỉnh At-sam và cả phía bắc Việt Nam. Từ trung tâm nguyên sản này, chè đã lan rộng ra các vùng lân cận các nước. Việt Nam tự hào có những rừng chè cổ thụ bậc nhất thế giới và gìn giữ phong cách uống chè tươi độc đáo từ ngàn năm. Tục uống trà đã có tự bao đời nay là nét đẹp trong đời sống và văn hóa người Việt.
Trà được uống như một thức uống để giải khát. Chất lượng của trà được đánh giá bởi màu sắc, mùi hương và hương vị của trà, chất lượng nước và thậm chí cả bộ ấm đựng trà. Khi nếm thử trà, người nấu nướng phải có khả năng thưởng thức. Trong khi uống trà phải chú ý đến môi trường, không khí, âm nhạc, kỹ thuật pha trà và mối quan hệ giữa người cùng thưởng trà.
Hiện nay có rất nhiều loại trà: trà xanh, hoàng trà, bạch trà, thanh trà, hồng trà, hắc trà… trà theo vùng, các danh trà nổi tiếng không thể nào kể hết. Còn có đủ kiểu, đủ quy tắc, cách thức về pha trà, thưởng thức trà… Nhiều người yêu trà vì thanh đạm, vì ngọt hậu, vì đắng cay, vì nhẹ nhàng, vì hồi vị…
Người Quảng Tây, Trung Quốc, mời các vị khách thưởng trà. (Nguồn: Kim Liên Travel) |
Thực tế, trà có thể mang tinh thần và trí tuệ của con người lên quỹ đạo cao hơn. Nó không chỉ thể hiện tinh thần của nền văn minh, mà còn là tinh thần của tư tưởng. Con người có thể tu luyện đạo đức và tâm trí của họ qua cách thưởng trà. Nếm thử cuộc sống bằng trà, vì thế đạt được niềm vui tinh thần. Nghệ thuật thưởng trà có những biểu hiện khác nhau ở các giai đoạn lịch sử khác nhau. Trà cũng khác nhau, nhưng tất cả thể hiện tinh thần của trà là: “Rõ ràng, tôn trọng, niềm hạnh phúc và sự trung thực”.
Theo “Sound of hope” luận về trà: Vị trà vô hình mà sâu xa. Nhân sinh như 3 chén trà: Đắng tựa cuộc đời, ngọt tựa tình ái, nhạt như gió thoảng. Hay: pha trà biết tâm tính. Uống trà biết ý vị. Luận trà biết tâm tư…
Thưởng trà ngẫm triết lý nhân sinh
Nhân dịp “Ngày Quốc tế Trà” lần thứ năm, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá và Du lịch Trung Quốc, Trung tâm văn hoá Trung Quốc tại Hà Nội, Cục văn hoá và du lịch khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Nhà hát và bảo tàng khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Trung Quốc, Kim Lien Travel phối hợp tổ chức hoạt động “Hội thảo văn hóa: Trà và thế giới - Nhã tập” và “Hội nghị xúc tiến du lịch, văn hóa Quảng Tây”. Tổng Giám Đốc Kim Lien Travel - bà Ngô Thị Lan Phương - chia sẻ: "Với mục tiêu kết nối, giao lưu và thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc, Kim Lien Travel đã nỗ lực tổ chức hai sự kiện “Trà hài hoà và thế giới - Nhã Tập” và “Hội thảo xúc tiến du lịch văn hoá Quảng Tây Trung Quốc”. Chúng tôi mong muốn góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa Quảng Tây Trung Quốc đến với du khách Việt Nam và ngược lại”.
Tại “Hội thảo văn hóa: Trà và thế giới - Nhã tập”, ông Vương Quần - Công sứ đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tự hào về văn hóa trà của Trung Quốc nói chung, Quảng Tây nói riêng. Ông cho biết: Từ xa xưa, người Trung Quốc đã lấy trà làm thuốc và cả thức ăn. Vào thời Đường hơn 1400 năm trước, trà bắt đầu trở thành thức uống phổ biến của người Trung Quốc. Cho tới ngày nay, trà Trung Quốc vô cùng đa dạng phong phú, quá trình làm trà cũng rất cầu kỳ. Các khu vực và dân tộc khác nhau đã tạo nên rất nhiều phong tục và cách thưởng trà đặc sắc”.
Người Trung Quốc nói chung và Quảng Tây nói riêng từ rất sớm đã phát hiện, vun trồng và biết thưởng thức trà. Truyền thuyết ban đầu được ghi nhận là câu chuyện của Vua Thần Nông, đã sống cách đây 5.000 năm. Ông ban hành sắc lệnh rằng tất cả nước uống phải được đun sôi như một biện pháp vệ sinh. Một ngày hè nọ, trong khi đi thăm một vùng xa xôi, ông và tùy tùng dừng lại để nghỉ ngơi. Theo lệnh của ông, đầy tớ bắt đầu đun nước cho ông uống. Những lá khô từ bụi cây gần đó rơi xuống nước sôi khiến nước chuyển thành màu nâu. Vị vua này khá tò mò và uống một ít và thấy vị của nó rất lạ, thơm ngon. Từ đó, Vua Thần Nông đã phát hiện ra cây chè và yêu thích nó.
Ở Trung Quốc, trà đã hình thành một nền văn hóa độc đáo. Uống trà là một trong bảy thói quen không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân nước bạn, bao gồm “Cầm, kỳ, thi, họa, thư, tửu, trà”. Theo thời gian, trà đã trở thành “Quốc ẩm”, việc thưởng thức trà cũng được nâng lên đỉnh cao thành “Văn hóa trà đạo”, là biểu trưng cho một nét đẹp truyền thống của quốc gia Đông Á này. Họ quan niệm: “gia đình không thể có một ngày không có trà”.
Từ xưa đến nay, ở các nơi Trung Quốc đều có mở quán trà với những hình thức khác nhau. Ở những nơi phong cảnh tươi đẹp, người dân và du khách vừa thưởng trà, vừa ngắm cảnh.
Giới thiệu các loại trà đặc sắc của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. (Nguồn: Kim Liên Travel) |
Giới thiệu về tiềm năng du lịch tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Du lịch khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, ông Hoàng Diệu Lâm cho biết, Quảng Tây nối liền các nước ASEAN bằng đường bộ và đường biển, có tiềm năng du lịch hấp dẫn: Non nước Quế Lâm, di sản văn hóa thế giới tranh vách đá Hoa Sơn cổ xưa, Sông Li Giang huyền thoại, Núi Vòi Voi, Nhật Nguyệt song tháp, Động Lô Địch Nham, Cửu Mã Tọa Sơn, Làng chài cổ Hưng Bình, Ruộng bậc thang Long Tích, thị trấn Dương Sóc - điểm đến nổi tiếng với những cảnh điểm mê hoặc lòng người, sơn thủy hữu tình và đặc biệt là nghệ thuật trà truyền thống và phong tục liên quan đến trà…
Thưởng trà có khi độc ẩm, có khi đối ẩm. Để có thể cảm nhận được trọn vẹn hương vị mỗi chén trà, đòi hỏi sự tinh tường và nhẫn nại của người thưởng thức. Trà khi vừa chạm tới đầu lưỡi thì mang vị đắng, nhưng khi đi qua cổ họng lại để lại vị ngọt rất lâu, thưởng thức trà cũng là để ngẫm về triết lý nhân sinh “khổ tận cam lai”. Bởi đặc tính vốn dĩ của trà là đắng, nhưng trong đắng lại có ngọt, vượt qua cái đắng mới có thể nhận ra cái ngọt, như con người phải biết đi qua khổ đau mới có thể thấu hiểu được mùi vị và giá trị của hạnh phúc.
Bàn về cách thưởng thức trà, đã dùng trà thì phải tĩnh, tĩnh ở tận trong tâm, tĩnh để dùng tâm mà cảm nhận trà. Tâm có tĩnh thì mới lĩnh hội được hết sắc của trà, hương của trà, vị của trà, ấy mới thực sự là hiểu về trà. Tâm thật tĩnh, chầm chậm nhấp từng ngụm trà thơm, để giũ bỏ hết mọi sân si, phiền muộn, bộn bề trong cuộc sống, để sáng tỏ con đường giải thoát khỏi khổ đau. Ấy mới thực sự là cảnh giới cao nhất trong “văn hóa trà đạo” Trung Hoa.
Ông Hoàng Diệu Lâm nhận định: “Núi tốt, nước tốt ra trà ngon. Trung Quốc và Việt Nam đều có văn hóa thưởng trà lâu đời, trà của hai nước có nét đặc sắc riêng, hương vị độc đáo, phong tục đa sắc màu”.
Ông Hà Văn Siêu - Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhấn mạnh tại “Hội thảo văn hóa: “Trà và thế giới - Nhã tập”: “Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có sự tương đồng về văn hóa và tình hữu nghị do các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân hai nước giao lưu và tìm hiểu văn hóa du lịch. Về Quảng Tây, ông Siêu nhận định: “Quảng Tây với những cảnh đẹp tự nhiên kỳ vĩ, di sản văn hóa, đặc sản lâu đời và ẩm thực độc đáo, luôn là điểm đến lý tưởng cho du khách Việt Nam mong muốn khám phá và trải nghiệm sự đa dạng văn hóa”.