Dùng công nghệ giới thiệu văn hóa trầu cau với thế giới
Dựa theo truyền thuyết cùng các thư tịch cổ, thì tục ăn trầu của người Việt đã có từ thời cổ lập quốc, gắn liền với “sự tích trầu cau”. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, cho đến nay, ăn trầu và mời trầu vẫn là một trong những phong tục độc đáo của người Việt.
Trong bài viết “Di sản văn hóa trầu cau của người Việt” tác giả Lê Thị Tuyết - Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đã thông tin miếng trầu gồm bốn loại nguyên liệu: cau (vị ngọt), lá trầu không (vị cay), rễ (vị đắng), vôi (vị nóng). Cây cau vươn cao biểu tượng của trời (dương). Vôi chất đá biểu tượng của đất (âm). Miếng trầu bao gồm lá trầu xanh được têm sẵn có quệt chút vôi trắng cùng với miếng cau vàng.
Sự kết hợp này mang lại vị ngọt của cau, vị cay, thơm của tinh dầu từ lá trầu, vị chát của vỏ và hạt. Sự hòa quyện này khi ăn làm cơ thể ấm lên bởi sinh khí từ vôi và cảm giác hơi chếnh choáng men say được tạo ra từ chất arécoline trong hạt cau. Các nghiên cứu khoa học cho thấy chất polyphenol trong lá trầu có tác dụng kháng khuẩn, chất arécoline trong hạt cau bị chất vôi trung hòa, làm cho miếng trầu có sắc đỏ tươi giúp người ăn thắm môi, hồng má, kích thích hệ tuần hoàn và hệ thần kinh, giúp tăng sinh lực. Vì thế mà khi ăn trầu xong câu chuyện cũng vì thế mà được cởi mở hơn.
Tại nhiều quốc gia châu Á, tục ăn trầu khá phổ biến ở các vùng thuộc châu Á, nhưng văn hóa của mỗi dân tộc có nét khác nhau. Với người Việt, trầu cau là biểu tượng của tình người, tình vợ chồng chung thủy, anh em gắn bó. “Sự tích trầu cau” đã đi vào lòng người Việt đẹp như thế. Miếng trầu là đầu câu chuyện, miếng trầu đi đôi với lời chào, lời thăm hỏi hay làm quen: “Tiện đây ăn một miếng trầu/Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là/Có trầu mà chẳng có cau/Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm”. Chỉ là miếng trầu thôi nhưng khiến cho người lạ mà thành quen: “Gặp nhau ăn một miếng trầu/Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào”…
Sở dĩ nói về văn hóa trầu cau của người Việt dông dài như vậy bởi đây cũng là lý do khiến nhóm nghiên cứu viên Đại học RMIT Việt Nam gồm Tiến sĩ Emma Duester, Thạc sĩ Ondris Pui và Thạc sĩ Michal Teague quyết định lựa chọn thực hiện dự án giới thiệu di sản văn hóa trầu cau dưới dạng 3D. Thực hiện trong khuôn khổ sự kiện “Built with Bits” – được tổ chức bởi Europeana, sáng kiến hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), nhằm hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực di sản văn hóa, dự án đã được Europeana trao giải “Beyond Borders Project” (tạm dịch: Dự án vượt biên giới).
Ở nhiều dân tộc của Việt Nam, đồ dùng cho ăn trầu thường gồm các loại như: tráp, khay hoặc mủng đựng trầu, bình vôi, chìa vôi, dao và ống nhổ. Mười hiện vật như vậy từ bộ sưu tập trầu cau của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã được tái hiện dưới dạng 3D để giúp khách tham quan có thể tìm hiểu về văn hóa trầu cau của Việt Nam qua các hiện vật 3D, văn bản, hình ảnh và video giàu tính tương tác.
Nếu như khách đến bảo tàng thường chỉ được nhìn hiện vật qua lớp kính chắn bảo vệ, khách tham quan không gian ảo 3D có thể xoay và phóng to từng hiện vật mà không phải lo sẽ làm hỏng chúng. Khách tham quan không gian 3D còn có thể soạn tin nhắn, viết ghi chú, thêm biểu tượng cảm xúc emoji hoặc trò chuyện bằng giọng nói với nhau. Họ có thể truy cập không gian 3D từ thiết bị cá nhân như điện thoại di động, máy tính và kính thực tế ảo.
Thạc sĩ Ondris Pui, giảng viên Đại học RMIT phụ trách kỹ thuật cho dự án triển lãm ảo, cho biết các hiện vật 3D được tạo dựng bằng kỹ thuật photogrammetry (dựng mô hình 3D từ ảnh chụp). “Chúng tôi dùng điện thoại di động để chụp khoảng 100 đến 200 bức ảnh của mỗi hiện vật từ nhiều góc khác nhau. Sau đó, những bức hình này được đưa vào phần mềm để xử lý thành mô hình 3D. Các hiện vật phức tạp như đồ bằng vải và vật dụng tinh xảo được quét bằng máy scan 3D công nghiệp”, ông Pui cho biết.
Thạc sĩ Michal Teague, giảng viên RMIT phụ trách nội dung cho dự án triển lãm ảo chia sẻ câu chuyện hậu trường: “Chúng tôi muốn mọi người hình dung được kích thước thực tế của các hiện vật trong môi trường kỹ thuật số 3D. Giải pháp hữu hiệu mà chúng tôi tìm ra là đặt các ma nơ canh 3D vào không gian triển lãm để so sánh kích thước với hiện vật. Chúng tôi còn đưa vào một số hiện vật từ các quốc gia khác như Sri Lanka, New Guinea và Ấn Độ – được lấy từ kho lưu trữ của Europeana – để so sánh giữa các nền văn hóa trầu cau khác nhau”.
Trưởng nhóm nghiên cứu Tiến sĩ Emma Duester rất vui mừng khi dự án trầu cau của nhóm được Europeana lựa chọn. “Dự án vượt biên giới được trao cho những ứng viên đến từ ngoài khu vực Liên minh châu Âu với các dự án sử dụng nội dung mở của Europeana và có tính phù hợp và độc đáo. Theo thông tin tôi được biết, chúng tôi là nhóm đầu tiên từ Việt Nam giành được giải thưởng này”, bà nói. Bà Lê Cẩm Nhung từ phòng Hợp tác quốc tế, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, cũng hào hứng không kém về dự án: “Giờ đây chúng tôi có thể chia sẻ bộ sưu tập của bảo tàng với thế giới”.
|
Làng trầu cau Việt Nam trong không gian ảo 3D. (Nguồn rmit.edu.vn) |
Tự hào ổ bánh mỳ Việt
Ngày 24/3/2011 là một ngày khó quên với những ai yêu thích bánh mỳ Việt bởi vào hôm đó từ “bánh mì” đã được thêm vào từ điển Oxford, nằm trong top những loại sandwich tuyệt vời nhất thế giới. Trước đó, ngày 24/3/2020 bánh mì Việt có mặt trên giao diện trang chủ Google tại trên 10 quốc gia.
Trước đó nữa, năm 2018, bánh mì Hội An được CNN công nhận là “Vua của các món sandwich trên thế giới”. Và mới đây nhất, ngày 23/8/2022, bánh mì, phở, cà phê là những món ăn Việt Nam lọt vào Top 50 món ăn đường phố ngon nhất châu Á do CNN bình chọn. Tháng 2/2023, chuyên trang được mệnh danh là “bản đồ ẩm thực thế giới” - TasteAtlas đã xếp bánh mì Việt Nam ở vị trí thứ 6 trong Top 50 món ăn đường phố ngon nhất thế giới….
Để có thể tự hào về những “nút vàng” này thì cũng cần biết đôi chút về bánh mỳ Việt – món ăn có thể bắt gặp ở mọi miền đất nước, kể cả trong khách sạn sang trọng lẫn ở một ngõ nhỏ, phố nhỏ nào đó.
Theo tư liệu, những ổ bánh mì đầu tiên đã theo chân người Pháp đến Việt Nam vào năm 1859 với tên gọi là bánh mì Baguette. Sau đó, dưới bàn tay tài ba của người Việt, những ổ bánh mì mang chất rất riêng của Việt Nam đã ra đời. Nguyên liệu chính để làm bánh mỳ Việt nam là bột mỳ, men… với một công thức riêng để cho ra những chiếc bánh vỏ giòn, ruột xốp, mềm, có mùi thơm đặc trưng mà chỉ ngửi thôi đã thấy hấp dẫn. Đây cũng chính là đặc điểm tạo nên bản sắc riêng của bánh mì Việt Nam so với bánh mỳ phương Tây.
Một yếu tố khác phải kể đến để làm nên độ ngon của bánh mì Việt chính là nhân bánh. Thuở ban đầu, bánh mì Việt Nam chỉ được kẹp với thịt và một số gia vị, không có rau. Tuy nhiên, ngày nay, với khả năng biến tấu vô hạn, bánh mì Việt Nam còn được kẹp với rất nhiều loại nhân khác nhau. Đi dọc ba miền đất nước, mỗi nơi lại có một phiên bản bánh mì với hương vị khác nhau, tùy vào phần nhân được kẹp bên trong. Có thể kể đến như: bánh mì thịt nướng (Hà Nội), bánh mì phá lấu (TP Hồ Chí Minh), bánh mì que (Hải Phòng), bánh mì ép (Thừa Thiên Huế), bánh mì xíu mại (Đà Lạt), bánh mì chả cá (miền Trung)…
Cũng chính vì quá độc đáo như vậy nên đã có một lễ hội riêng dành cho bánh mỳ Việt. Đó là Lễ hội Bánh mì Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên từ ngày 30/3 đến 2/4/2023, tại TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thu hút du khách quốc tế sau đại dịch COVID-19. Lễ hội quy tụ 120 gian hàng của các đơn vị nhà hàng, tiệm bánh mì, nhà cung cấp tại TP Hồ Chí Minh và cả nước, nhà cung cấp người nước ngoài... Đặc biệt, trong lễ hội có hội thảo chuyên đề “Hành trình phát triển bánh mì Việt Nam”, giới thiệu 105 món ăn kèm bánh mì do các đầu bếp nổi tiếng đảm nhận và tất nhiên không thể thiếu sự có mặt của các phiên bản bánh mỳ khác nhau dọc ba miền đất nước.
Có thể nói việc quảng bá ẩm thực Việt nói chung và món bánh mì Việt nói riêng chính là một trong những giải pháp hiệu quả để thu hút du khách. Bởi đã từ lâu bánh mì không chỉ là một món ăn tiện lợi, phổ biến của bao người Việt Nam mà còn là niềm tự hào khi trở thành một trong những món ăn đại diện cho tinh hoa ẩm thực Việt. Người Việt đã biến tấu nhiều nguyên liệu khác nhau một cách hài hòa trong món bánh mì. Đây là điểm nhấn thú vị để tạo câu chuyện kể cho du lịch ẩm thực.
Bánh mì Việt Nam giờ đây đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, để lại dấu ấn trong nền ẩm thực thế giới. Thông tin từ doanh nhân Kao Siêu Lực, tác giả của món bánh mỳ thanh long nổi tiếng năm 2020, Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á cho biết, bánh mì Việt Nam cũng đã được xuất sang Nhật Bản, sang khách sạn 5 sao ở Singapore… Hiện bánh mì Việt đã vươn ra quốc tế, khi đến Nhật hay đến Đức, người ta để bảng hiệu “bánh mì” chứ không phải ngôn ngữ bản địa…