Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Chủ tịch Triều Tiên

(PLVN) - Chiều 1/3, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên Kim Jong-un bắt đầu các hoạt động của chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đón Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (ảnh: Nguyễn Trung)

Vào lúc 15h30, Lễ đón bắt đầu tại Phủ Chủ tịch bằng nghi thức chào cờ, sau đó Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng duyệt đội danh dự.

 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Kim Jong-un duyệt đội danh dự.
 

Sau phần lễ đón, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bước vào phần hội đàm.

Chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam lần này của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trên các lĩnh vực phù hợp với lợi ích, quy định luật pháp và cam kết quốc tế của mỗi nước, góp phần duy trì hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực.

Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh Chủ tịch Kim Jong Un thăm hữu nghị chính thức Việt Nam; khẳng định chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Kim Jong Un là dấu mốc mới, rất quan trọng trong lịch sử quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, đồng thời là dịp tốt để lãnh đạo hai nước thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi sâu về việc củng cố, phát triển quan hệ song phương cũng như về những vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chân thành chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Triều Tiên đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Triều Tiên, đứng đầu là Chủ tịch Kim Jong Un, nhân dân Triều Tiên sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước và nâng cao đời sống nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ những thành tựu cũng như những vấn đề Việt Nam cần tập trung giải quyết sau hơn 30 năm đổi mới; khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Triều Tiên và mong muốn cùng Triều Tiên tiếp tục củng cố, phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai Đảng, hai nước phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, cam kết quốc tế của mỗi nước, góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Kim Jong Un bày tỏ vui mừng sang thăm Việt Nam và chứng kiến những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua; bày tỏ mong muốn tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đất nước và phát triển kinh tế-xã hội với Việt Nam; chân thành cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho cá nhân ông và đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Triều Tiên sự tiếp đón trọng thị, thân tình và chu đáo; tích cực hỗ trợ cho việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên-Hoa Kỳ lần thứ hai tại Hà Nội.

Chủ tịch Kim Jong Un khẳng định lập trường nhất quán của Đảng, Nhà nước Triều Tiên coi trọng và mong muốn tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kim Nhật Thành và các vị lãnh đạo tiền bối của hai Đảng, hai nước xây dựng và vun đắp.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; mở rộng giao lưu, trao đổi đoàn các cấp theo kênh Đảng, Nhà nước và đoàn thể nhân dân một cách thiết thực, hiệu quả nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực mà hai bên có nhu cầu; duy trì thường xuyên và hiệu quả các cơ chế đối thoại và hợp tác, trong đó có cơ chế Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao và Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật; nghiên cứu khả năng hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực phù hợp với khả năng và nhu cầu của mỗi bên, trên cơ sở các quy định quốc tế; mở rộng giao lưu và hợp tác văn hóa, nghệ thuật, thể thao và giao lưu nhân dân; tổ chức các hoạt động phù hợp, có ý nghĩa nhằm kỷ niệm 70 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020.

Quang cảnh buổi hội đàm (ảnh: Nguyễn Trung)

Về các vấn đề quốc tế và khu vực, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục phối hợp giữa hai nước tại Liên Hợp Quốc, Hội nghị Phong trào không liên kết, Diễn đàn khu vực ARF...; tăng cường trao đổi về vấn đề duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ hoan nghênh các nỗ lực của Triều Tiên và Hoa Kỳ tại Hội nghị Thượng đỉnh Triều Tiên-Hoa Kỳ lần thứ hai vừa diễn ra tại Hà Nội; chân thành mong muốn các bên kiên trì đối thoại, góp phần cải thiện quan hệ Triều - Mỹ cũng như đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Chủ tịch Kim Jong Un trân trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Triều Tiên vào thời gian thuận tiện. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảm ơn và đề nghị các cơ quan chức năng hai bên trao đổi cụ thể qua đường ngoại giao

Diễn ra sau 60 năm kể từ chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành năm 1958 và hai nước sẽ kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020, chuyến thăm sẽ ghi dấu mốc lịch sử trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Kim Jong-un nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.

Kể từ khi Việt Nam và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950 đến nay, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành xây dựng, không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp, phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm Triều Tiên vào năm 1957. Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Nhà nước ta đã thăm Triều Tiên. Chủ tịch Kim Nhật Thành cùng nhiều nhà lãnh đạo cấp cao khác của Triều Tiên từng sang thăm nước ta. Hai nước đã ký nhiều hiệp định quan trọng về hợp tác văn hóa, khoa học kỹ thuật, thương mại và hàng hải, vận tải hàng không dân dụng...

Trong những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, Triều Tiên giúp nước ta đào tạo hàng trăm sinh viên. Ủy ban Giáo dục Triều Tiên và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang thúc đẩy ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Kể từ năm 2013, cứ hai năm một lần, Việt Nam đều cử đoàn nghệ thuật sang Triều Tiên dự Liên hoan nghệ thuật mùa xuân tháng tư được tổ chức tại Thủ đô Bình Nhưỡng.

Việt Nam và Triều Tiên có mối giao lưu lịch sử, văn hóa lâu đời. Nhân dân hai nước từng ủng hộ, giúp đỡ nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Việt Nam khẳng định luôn ủng hộ Triều Tiên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân; đánh giá cao những tiến triển tích cực trên bán đảo Triều Tiên và sẵn sàng đóng góp vào việc thúc đẩy tiến trình đối thoại, thiết lập nền hòa bình lâu dài, giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Với nỗ lực tổ chức chu đáo, trọng thị Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam đã gửi đi thông điệp luôn ủng hộ mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào tiến trình đối thoại nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên bán đảo Triều Tiên, cũng như trong khu vực và trên thế giới.

Trong bối cảnh năm 2018 vừa qua đánh dấu kỷ niệm 60 năm chuyến thăm Việt Nam lần đầu của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và hai nước sẽ tiến hành kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020, chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam lần này của Chủ tịch Kim Jong-un tạo dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước. Chuyến thăm là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi về phương hướng và các biện pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Triều Tiên, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới

 

Đọc thêm