Xứng danh đầu tàu kinh tế của cả nước
Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020 chính thức khai mạc hôm qua vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết; nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Tiếp tục tăng trưởng GDP của TP.HCM lên 8-8,5%, giảm tỷ lệ hộ nghèo, phát triển hệ thống y tế, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân… Báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong 5 năm qua về kinh tế, xã hội. Đặc biệt, công tác đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu vẫn còn.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, ngoài việc biểu dương những thành tựu mà TP.HCM đạt được trong 5 năm qua, Tổng Bí thư nhận định 5 năm tới, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đặt ra yêu cầu rất cao với đất nước và TP nói riêng. Xây dựng TP.HCM sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân TP.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh 7 nội dung để Đại hội thảo luận: Đảng bộ và nhân dân TP cần nhận thức đầy đủ về vai trò đặc biệt quan trọng của TP.HCM - đó là vị trí đầu tàu của cả khu vực và cả nước; cần huy động cao nhất các nguồn lực, tiềm năng để tạo đột phá trong phát triển kinh tế; làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là giao thông, kết nối vùng, tăng bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với bảo vệ môi trường; đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững…; giữ vững ổn định chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở; chủ động ngăn chặn, ứng phó khôn khéo, kịp thời, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống; tăng cường công tác xây dựng Đảng bằng việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 nhằm tạo chuyển biến rõ rệt hơn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp. Phát huy dân chủ, khối đại đoàn kết toàn dân, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội, nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức; làm tốt chính sách dân tộc, tôn giáo.
Cần tập trung xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh
Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015-2020 khai mạc sáng qua (14/10).
Đến dự Đại hội còn có nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả Đảng bộ đạt được trong suốt 5 năm qua. Bên cạnh những mặt tích cực, Chủ tịch nước thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động của Đảng bộ Khối nhiệm kỳ vừa qua.
Đó là những hạn chế trong công tác tham mưu, phục vụ các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các cơ quan, đơn vị. Công tác chính trị, tư tưởng ở một số Đảng bộ trong Khối chất lượng, hiệu quả còn thấp.
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng chưa đạt yêu cầu đề ra, chưa tạo được chuyển biến căn bản. Công tác dân vận, nhất là dân vận trong các cơ quan nhà nước còn yếu kém…
Nhấn mạnh những thời cơ và thách thức trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch nước yêu cầu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương – bao gồm Đảng bộ các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng và Nhà nước - cần tập trung xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao bởi “đây là nhiệm vụ then chốt của mọi tổ chức Đảng”.
Chủ tịch nước cho rằng, Đảng bộ cần tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để tạo được sự chuyển biến căn bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Chủ tịch nước đặc biệt đề nghị: “Tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ, đảng bộ; tự phê bình và phê bình thẳng thắn, chân thành trên tình đồng chí; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ… nhằm phát hiện, ngăn chặn, giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh, xử lý nghiêm mọi sai phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng...”.
Phải nỗ lực cao nhất để kết quả sản xuất kinh doanh tương xứng với nguồn lực đã được đầu tư
Phát biểu tại Đại hội Đại biểu lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020 Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương khai mạc sáng 14/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt biểu dương toàn Đảng bộ, cấp ủy Đảng các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên và tập thể người lao động trong Khối Doanh nghiệp Trung ương về những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua và lưu ý Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương cần nghiêm túc nhìn nhận sâu sắc, nhất là những nguyên nhân chủ quan về những hạn chế, yếu kém để có giải pháp ra sức khắc phục kịp thời, hiệu quả trong nhiệm kỳ tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Đồng thời Đảng uỷ Khối cần tiếp tục phối hợp tốt với các ban cán sự đảng bộ, ngành và cơ quan chức năng; nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan đảng, nhà nước có thẩm quyền về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tái cấu trúc toàn diện doanh nghiệp nhà nước.
Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp trong Khối cần đẩy mạnh thực hiện tốt chính sách về bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, xã hội; tạo nền tảng để doanh nghiệp nhà nước phát triển vững chắc hơn trong nhiệm kỳ tới.