Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN

(PLO) - Khi trao cho Tổng Bí thư trọng trách đứng đầu Nhà nước sẽ tạo tiền đề tích cực cho việc tiếp tục củng cố Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cũng là bước chuẩn bị quan trọng cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn để đưa vấn đề này thành nền nếp trong bối cảnh mới của nước ta hiện nay.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

(Bài cuối)

Bước đột phá về đổi mới chính trị

Việc Quốc hội với số phiếu tín nhiệm cao bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào chức vụ Chủ tịch nước được xem là bước đột phá trong đổi mới chính trị ở Việt Nam. 

Nước ta đã qua hơn 30 năm đổi mới và đạt được nhiều kết quả hết sức có ý nghĩa. Đổi mới về kinh tế có bước tiến lớn, đổi mới về chính trị cũng có chuyển động tương ứng, đồng bộ và hỗ trợ đắc lực cho đổi mới kinh tế, xã hội. Đảng không ngừng hoàn thiện hệ thống chính trị, Nhà nước pháp quyền và chính quyền địa phương.

Nhà nước đẩy mạnh các hoạt động đổi mới hoạt động lập pháp, cải cách hành chính và tư pháp; đẩy nhanh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương; đề cao vai trò của Mặt trận trong giám sát và phản biện xã hội. Đảng cũng không ngừng phát triển dân chủ theo hướng: Tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; mọi đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đều phải xuất phát từ nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia góp ý kiến. 

Những năm qua, Đảng từng chủ trương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp huyện, phường và đang triển khai rộng rãi mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp, chỉ đạo sớm tổng kết mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện; đẩy mạnh việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của HĐND, Ủy ban nhân dân và tinh giản bộ máy các cấp...

Bên cạnh đó, Đảng luôn coi trọng việc đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế kiểm sát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng và Nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ...

Như vậy, đổi mới về chính trị ở nước ta diễn ra liên tục, tuy thận trọng song đã có nhiều đột phá. Đất nước luôn cần sự ổn định chính trị, xã hội để thực hiện các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn, song trên thực tế các bước đổi mới về chính trị luôn được thực hiện và hỗ trợ đắc lực cho tiến trình hội nhập và phát triển đất nước.

Thuận lợi trong hoạt động đối ngoại 

Có thể nói, việc Trung ương tín nhiệm đề cử Tổng Bí thư của Đảng để Quốc hội xem xét trao chức vụ Chủ tịch nước thể hiện nhận thức mới trong đổi mới về chính trị. Vấn đề này từng được thảo luận khá lâu, song vì nhiều lý do, đặc biệt do chưa đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn để gắn quyền với trách nhiệm cũng như việc kiểm soát quyền lực của người có chức vụ cao nhất của cả Đảng và Nhà nước, nên chưa được thực hiện.

Đây là những băn khoăn đúng đắn, nhất là việc lựa chọn cá nhân cụ thể. Tuy nhiên đến nay đã đủ cơ sở để tin rằng, hai chức vụ ấy do một người đảm nhiệm sẽ rất thuận lợi cho sự phát triển đất nước.

Về cơ sở pháp lý, việc người đứng đầu Đảng được giới thiệu bầu vào chức Chủ tịch nước là đúng với phương thức lãnh đạo của Đảng về bố trí cán bộ và phù hợp Hiến pháp (về quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, các tổ chức của Đảng và đảng viên của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật). 

Về lợi ích, khi Chủ tịch nước là người có tiếng nói quyết định về đường lối của Đảng và trực tiếp lãnh đạo việc thể chế hóa thành chính sách, pháp luật, cũng như thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện sẽ giúp những quyết sách chiến lược của Đảng được chuyển hóa đầy đủ, đồng bộ vào mọi hoạt động của Nhà nước.

Chủ tịch nước thay mặt Nhà nước về đối nội và đối ngoại, được trao thẩm quyền tham gia và hủy điều ước quốc tế, có thể nêu quan điểm về những vấn đề quốc tế quan trọng trên cơ sở đường lối chung, nên để bảo vệ lợi ích quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, phải là người có thẩm quyền cao mới có thể đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác, đồng bộ. 

Đảm nhiệm cùng lúc cả hai chức vụ này còn tạo thuận lợi cho các hoạt động đối ngoại của đất nước. Việc người đứng đầu đảng chính trị được trao chức vụ đứng đầu Nhà nước được chứng minh tính phù hợp, hiệu quả và đang được hầu hết các nước lựa chọn, kể cả các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Một vấn đề khiến không ít người băn khoăn là làm thế nào kiểm soát được quyền lực khi cả hai chức vụ đó được trao cho một người. Chúng ta có thể tin rằng, các quy định hiện hành nhìn chung đã đủ để kiểm soát bất kỳ cá nhân nào được trao trọng trách này. Cơ chế làm việc của Đảng và Nhà nước đều theo nguyên tắc tập trung dân chủ, “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” và đều phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật.

Chẳng hạn, Quốc hội có quyền bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm Chủ tịch nước; Hiến pháp trao cho Quốc hội quyền bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước nếu trái với Hiến pháp, luật và quyết định của Quốc hội. Việc kiểm soát quyền lực còn được thực hiện bởi các cơ quan kiểm tra của Đảng, sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Quốc hội hiện đang đẩy mạnh đổi mới việc giám sát đối với hoạt động của các chức danh do Quốc hội bầu, như trách nhiệm giải trình, chất vấn, định kỳ lấy phiếu tín nhiệm... 

Thêm luồng sinh khí trong cải cách tư pháp

Việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với người được Quốc hội bầu ra, đồng thời đó là người đứng đầu của Đảng sẽ là dịp tốt để kiểm nghiệm sự tín nhiệm của nhân dân đối với Đảng. Điều này giúp mỗi thành viên của Đảng và bản thân Đảng chịu sự sàng lọc khắt khe hơn của nhân dân và do đó ngày càng mạnh mẽ hơn.

Hoạt động này cũng góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa trong Đảng, để Đảng tiến tới bầu trực tiếp Tổng Bí thư của mình, do đó sẽ tìm được người đại diện xứng đáng nhất để ứng cử chức Chủ tịch nước trong giai đoạn mới. Bên cạnh những cơ chế hiện có, bản thân Đảng cũng đang tiếp tục tìm kiếm những cách thức kiểm soát quyền lực hữu hiệu, nhằm ngăn chặn sự tha hóa quyền lực ở các cấp, các lĩnh vực. 

Trong bối cảnh đất nước hiện nay, việc bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào chức vụ Chủ tịch nước là rất phù hợp. Là đại biểu Quốc hội, việc bầu cử đồng chí với chức vụ đó hoàn toàn phù hợp Hiến pháp, pháp luật.

Với uy tín cao trong Đảng, Nhà nước và xã hội, đặc biệt là những hoạt động mạnh mẽ vừa qua của đồng chí trong việc chỉnh đốn Đảng và trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chắc chắn Tổng Bí thư sẽ tiếp thêm động lực và thổi luồng sinh khí mới cho các hoạt động Nhà nước, trong đó có hoạt động cải cách tư pháp. 

Là người từng giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội nên đồng chí am hiểu sâu sắc những nhu cầu cấp bách của việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay, cũng như những thách thức của việc xây dựng và tổ chức thi hành luật.

Một điều đáng chú ý là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là người luôn trăn trở về việc kiểm soát quyền lực, thể hiện ở việc đồng chí đang thúc đẩy ban hành “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ”, đề cao vai trò nêu gương và trách nhiệm của người đứng đầu, về văn hóa từ chức...

Như vậy, việc trao cho Tổng Bí thư của Đảng trọng trách đứng đầu Nhà nước sẽ tạo tiền đề tích cực cho việc tiếp tục củng cố Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cũng là bước chuẩn bị quan trọng cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn để đưa vấn đề này thành nền nếp trong bối cảnh mới của đất nước.

Đọc thêm