(Bài 1)
Sau khi có sự đồng thuận, nhất trí cao của Hội nghị TƯ 8 Khóa XII giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước, hôm qua (23/10), tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội đã thống nhất bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đây cũng là nguyện vọng của 4,7 triệu đảng viên và 95 triệu người dân Việt Nam, thể hiện sự thống nhất giữa quyết tâm của Đảng với ý nguyện của dân.
Một nhân sự tiêu biểu
Chia sẻ về sự kiện này, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho rằng đây là điều kiện hết sức thuận lợi, bởi sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời thì chức vụ Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước không còn được thực hiện như thời Bác còn sống.
“Tôi nói đến hôm nay thuận lợi là vì cả ba miền Bắc – Trung - Nam thấy rằng đã có một đồng chí có thể tiêu biểu cho đất nước để đảm nhiệm đồng thời cùng một lúc hai chức vụ, vừa là Tổng Bí thư vừa là Chủ tịch nước” - ông nhấn mạnh.
Việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là một đề tài nghiên cứu khoa học đã được đề cập từ lâu (từ thời kỳ đổi mới) chứ không phải vấn đề mới. Bởi Đảng ta vừa là Đảng lãnh đạo, vừa là Đảng cầm quyền. Đối với Đảng cầm quyền, ở các nước, thường sau khi thắng cử thì các đảng viên giữ cương vị chủ chốt trong Đảng cũng sang giữ những cương vị chủ chốt của Nhà nước. Do đó, Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước sẽ có rất nhiều thuận lợi, vừa tăng vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa tăng vai trò Chủ tịch nước, nghĩa là phát huy vai trò của cả hai.
Bây giờ, Tổng Bí thư được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, như vậy về mặt pháp lý, Tổng Bí thư bị ràng buộc bởi các đại biểu dân cử và Tổng Bí thư được đưa vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, điều đó làm cho trách nhiệm của Tổng Bí thư và Chủ tịch nước được nâng cao hơn.” (GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam).
Nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi cho rằng đây không phải là “nhất thể hóa” hay “kiêm nhiệm”, ông Túc lý giải, tuy hai hệ thống khác nhau - hệ thống Đảng và hệ thống Nhà nước - nhưng việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ giúp cho không chỉ cơ quan cao nhất của Đảng mà còn giúp các cơ quan và những người đứng đầu các cấp ủy làm việc tốt hơn.
“Hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy ở hầu hết các địa phương đã đồng thời được bầu làm Chủ tịch HĐND của tỉnh hoặc TP đó. Như vậy, hệ thống Đảng và hệ thống Nhà nước từ trên xuống dưới song song tồn tại, bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước và Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy làm Chủ tịch HĐND sẽ hỗ trợ cho Đảng hiểu được dân hơn và dân cũng hiểu Đảng qua các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, làm cho ý Đảng và lòng dân hài hòa, kết hợp với nhau, như Bác Hồ từng nói: ý Đảng thể hiện lòng dân mà lòng dân cũng biểu hiện niềm tin yêu đối với Đảng” - ông Nguyễn Túc bày tỏ.
Trách nhiệm cao hơn
Nhấn mạnh đến những thuận lợi của mô hình này, ông Túc cho rằng, việc “Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước sẽ tạo điều kiện để đồng chí nắm được một cách trực tiếp tình hình đất nước thông qua các đại biểu Quốc hội, thông qua bộ máy của Nhà nước một cách sâu sắc, để từ đó ban hành và tham mưu cho Ban Chấp hành ra những quyết sách, những đường lối, chủ trương hợp với tình hình đất nước…
Tuy nhiên, quyền hành ở trong tay một đồng chí rất dễ bị lạm quyền nếu như không có sự giám sát của bộ máy đảng, bộ máy nhà nước và đặc biệt là sự giám sát quyền lực của nhân dân. Nhân dân phải có trách nhiệm cùng với cơ quan đảng, cơ quan nhà nước để giám sát những người mà mình đã lựa chọn bầu ra. Vì vậy, bên cạnh cái mừng, cũng có vấn đề mà cho chúng ta phải quan tâm, đó là vấn đề đẩy mạnh hơn nữa, thực hiện tốt hơn nữa việc giám sát quyền lực” - ông Túc nói.
Vẫn theo lời ông Nguyễn Túc, ở vị trí càng cao thì việc giám sát quyền lực cần phải làm cương quyết và mạnh mẽ hơn, tránh ngại va chạm, ngại đấu tranh, vì như thế sẽ dễ dẫn đến nguy cơ lạm quyền, hoặc có khi lạm quyền nhưng không biết. “Vấn đề này không chỉ cá nhân tôi nghĩ đến mà nhiều đồng chí khác khi trao đổi cũng cho rằng cần phải nêu ra để Quốc hội và Đảng ta thấy được, từ đó chúng ta biết trước để tránh”.
(Còn tiếp)
Tôi cho rằng việc Quốc hội nhất trí cao bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là một bước hiện thực hóa chủ trương của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XII - cụ thể là trước đó, tại Hội nghị TƯ 8, 100% ủy viên TƯ Đảng đã thống nhất rất cao giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.
Các đại biểu Quốc hội là do dân bầu, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, vì vậy, việc tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội tín nhiệm bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước cũng là thể hiện cho ý chí và nguyện vọng của gần một trăm triệu người dân Việt Nam- đủ mọi dân tộc, vùng miền, thành phần tôn giáo.
Điều này nói lên niềm tin của người dân đối với uy tín, năng lực và phẩm chất cách mạng của Tổng Bí thư. Ông là một nhà lãnh đạo liêm khiết và trí tuệ, có tầm nhìn chiến lược, đã trải qua nhiều cương vị, trọng trách khác nhau và ở vị trí nào ông cũng đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng hết sức phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, qua đó củng cố niềm tin của dân với Đảng.
Vì thế, tôi tin tưởng khi đảm nhận thêm trọng trách mới, Tổng Bí thư sẽ có thêm điều kiện thuận lợi trong quyết tâm đưa bộ máy của Đảng và Nhà nước hoạt động ngày càng hiệu quả qua việc đấu tranh không khoan nhượng với những tiêu cực, tham nhũng; củng cố, làm trong sạch đội ngũ cán bộ. (Bà Lê Thị Thanh, cán bộ hưu trí phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).