Người có tầm nhìn xa, trông rộng
Ngay từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986), mô hình CNXH Việt Nam thời kỳ Đổi mới đã được Đảng ta đặt ra; sau đó được khái quát một cách cơ bản trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, năm 1991. Bên cạnh đó, các bản Hiến pháp của nước ta (Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, sửa đổi, bổ sung vào năm 2001) là những “nấc thang” lớn vươn tới Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Tuy nhiên, phải đến Hiến pháp năm 2013 - giai đoạn đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư - mới được đánh giá là bước tiến mới về chất trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 27- NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” (Nghị quyết 27). Có thể khẳng định, đây là Nghị quyết đầu tiên của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết đưa ra 5 quan điểm nhất quán, trong đó nhấn mạnh: Thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật... Nghị quyết 27 cũng nêu rõ, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích và hạnh phúc của Nhân dân; phát huy đầy đủ quyền làm chủ, tính tích cực, sáng tạo của Nhân dân.
Trong bài viết mới đây, GS. TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ thứ hai từ 2001 đến 2006, đồng chí Nguyễn Phú Trọng có vai trò to lớn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, cũng như đóng góp trực tiếp vào quá trình bổ sung, phát triển Cương lĩnh 2011 nói chung và mô hình CNXH Việt Nam nói riêng. Từ Đại hội lần thứ XI của Đảng đến nay, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư của Đảng, người chủ trì trong việc phát triển, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới của Đảng, trong đó có việc phát triển, hoàn thiện và khẳng định mô hình CNXH Việt Nam.
Để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trước hết phải hiểu thế nào về mô hình CNXH. Bởi vậy, trong các bài viết, bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định, CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là một đề tài lý luận và thực tiễn rất cơ bản, quan trọng, nội dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu rất công phu, nghiêm túc, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, khoa học. Cho đến nay, mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhưng chúng ta đã hình thành nhận thức tổng quát: Xã hội XHCN mà Nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ...; có Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo...
Nhằm tiếp tục làm sâu sắc hơn nhận thức của Đảng ta về CNXH và thời kỳ quá độ lên CNXH, Tổng Bí thư đã có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Trong bài viết này, Tổng Bí thư đã đưa ra nhiều vấn đề lý luận dựa trên thực tiễn sinh động của đất nước ta sau 35 năm đổi mới; đồng thời phân tích, làm rõ hơn những vấn đề mới, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đó là: CNXH là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường XHCN? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được CNXH ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên CNXH ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?
Theo PGS.TS Phan Hữu Tích (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), lâu nay, khi nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Nhân dân chỉ thấy từng khía cạnh nhỏ, nhưng bài viết của Tổng Bí thư đã chỉ ra một cách hệ thống các vấn đề; đồng thời đặt ra các câu hỏi và trả lời những câu hỏi này rất rõ ràng, cụ thể. Đặc biệt, cách trả lời mang tính chính trị thường thức chứ không lý luận cao siêu nên rất thiết thực với đời sống Nhân dân. Từ đó người dân hiểu các vấn đề chính trị một cách rõ ràng, thêm tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.
“Kim chỉ nam” để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước
Trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, mọi quyết định và hành động của Nhà nước đều dựa trên pháp luật và tuân thủ pháp luật; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán. Bởi vậy, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân là một trong những mục tiêu tổng quát mà Nghị quyết 27 đã đề cập.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giải thích một cách cặn kẽ rằng, Nhà nước pháp quyền XHCN về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: Pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ XHCN là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số Nhân dân. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để Nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân.
Hầu như trong mọi bài viết, bài phát biểu, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, gặp gỡ kiều bào..., mệnh đề “Nhân dân” luôn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiều nhất, sâu sắc nhất. Trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, Tổng Bí thư khẳng định: Trong chế độ chính trị XHCN, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Đây không chỉ là sự nhắc lại một vấn đề có tính quy luật của lịch sử mà còn thể hiện nguyên tắc, mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta luôn coi Nhân dân là đối tượng và mục tiêu để phục vụ, phấn đấu. Mục tiêu này đồng nhất với tinh thần mà lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”. Có thể nói, tư tưởng “lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trong quá trình phát triển, bên cạnh những thành tựu, mặt tích cực là cơ bản, chúng ta cũng còn không ít khuyết điểm, hạn chế và đang phải đối mặt với những thách thức mới trong quá trình phát triển đất nước. Nhưng theo quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội... Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.
Mặc dù xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có sự thống nhất cao trong nhận thức và kiên trì trong hành động. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn; một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của Nhân dân.
Những quan điểm chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thông qua công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của đất nước ta trong thời gian qua đã làm rõ hơn bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN, rõ hơn mục tiêu và các đặc trưng cơ bản của xã hội XHCN, qua đó đề ra các phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đó. Những công trình nghiên cứu của Tổng Bí thư sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn phát triển đất nước, là “kim chỉ nam” để Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta tiếp tục hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.