Tổng Bí thư: 'Phải nghĩ đến cái chung, nói không làm sẽ mất uy tín'

(PLO) - Để thực hiện thành công Nghị quyết T.Ư 4 thì “phải kiên quyết, kiên trì, thực hiện thường xuyên như đánh răng, rửa mặt hàng ngày, mỗi người cần phải nghĩ đến cái chung” bởi “nói không làm chỉ mất uy tín. Uy tín ở đây là uy tín của Đảng, Nhà nước” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri sáng 17/10

Sáng nay (17/10), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các Đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri tại Trụ sở HĐND-UBND phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, ghi nhận những đóng góp của cử tri về nhiều vấn đề, từ xây dựng thể chế, pháp luật, công tác tổ chức cán bộ, chống tham nhũng đến các vấn đề dân sinh…, thay mặt đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định sẽ tiếp thu, tổng hợp báo cáo Quốc hội và tiếp thu trong quá trình đóng góp tham gia xây dựng các dự án luật, các chính sách.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi những vấn đề  cử tri quan tâm tại hội nghị tiếp xúc cử tri phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội

Đảm bảo quyền tự do và trật tự xã hội

Nói rõ hơn về ý nghĩa của dự án Luật về Hội và Luật Tín ngưỡng tôn giáo sẽ trình QH tại kỳ họp này, Tổng Bí thư cho biết, đây là lần đầu tiên bàn hai luật này để cụ thể hóa Hiến pháp.

Theo Tổng Bí thư, Luật về Hội rất quan trọng. Hiện cả nước có khoảng 650.000 Hội có đăng ký hoạt động từ T.Ư đến địa phương, chưa kể các hộiđăng ký nhưng chưa hoạt động…

Như vậy, rất cần có Luật để đảm bảo quyền tự do lập hội của công dân theo Hiến pháp, đồng thời quản lý hoạt động của các hội để hoạt động đúng mục đích, góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước.

Tương tự, Luật tín ngưỡng tôn giáo được xây dựng để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, để các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo góp phần cho sự phát triển, đoàn kết xã hội, cũng như không để các hành vi “đội lốt” tôn giáo gây mất  trật tự trị an xã hội.

Đề cập đến nội dung xây dựng nông thôn mới, Tổng Bí thư cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục, nhất là việc huy động đóng góp của nhân dân quá nhiều khi ở nhiều nơi đời sống, thu nhập của người dân còn khó khăn.

Qua thực tế xây dựng nông thôn mới, Tổng Bí thư cũng cho rằng, cần làm thận trọng và điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp thực tiễn, nhất là những tiêu chí trừu tượng.

Đặt câu hỏi “Hồ Tây không có Formosa mà sao cá chết? có phá hoại không?” hay phản ánh tình trạng xả thải tràn lan như ngay ở ngoại thành Hà Nội, Tổng Bí thư nhấn mạnh, quá trình phát triển phải nghĩ đến vấn đề bảo vệ môi trường.

Thực tế có dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương nhanh chóng nên “đua nhau chạy dự án, dự án càng nhiều tiền, càng hoàng tráng càng tốt”, mà không chú ý đầy đủ đến vấn đề môi trường.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự trân trọng ghi nhận những ý kiến tâm huyết của cử tri về các vấn đề của đất nước

Kiên quyết, kiên trì mới đạt mục tiêu Nghị quyết T.Ư 4

Bày tỏ đồng tình với quan điểm của cử tri về vai trò và ý nghĩa của Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, Tổng Bí thư thừa nhận, dù rất quyết tâm thực hiện những nội dung quan trọng trong Nghị quyết này nhưng thực tế vô cùng khó khăn.

Theo Tổng Bí thư, đối ngoại, chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm càng khó vì “ta đánh vào ta” nên “kiểm điểm rất nghiêm túc nhưng chỉ rút kinh nghiệm thôi”.

Do đó, để thực hiện thành công Nghị quyết T.Ư 4 thì “phải kiên quyết, kiên trì, thực hiện thường xuyên như đánh răng, rửa mặt hàng ngày, mỗi người cần phải nghĩ đến cái chung” bởi “nói không làm chỉ mất uy tín. Uy tín ở đây là uy tín của Đảng, Nhà nước” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Trước băn khoăn của cử tri về việc kiện toàn bộ máy Nhà nước cuối nhiệm kỳ XII, đầu nhiệm kỳ XIII vừa  qua, Tổng Bí thư khẳng định, công tác kiện toàn nhân sự vừa qua là hoàn toàn đúng luật. Không thể để tình trạng người cuối nhiệm kỳ thì hay “tranh thủ”, người mới thì “vác ghế ngồi chờ” nên cần phải kiện toàn ngay để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đọc thêm