Tổng Công ty Đường sắt sẽ về lại Bộ GTVT?

(PLVN) - Sau gần hai năm chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang được nghiên cứu để quay trở về trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) do trong quá trình hoạt động gặp nhiều vướng mắc.
Hạ tầng cũ kỹ, nguồn vốn bảo trì hạn hẹp khiến VNR khó cạnh tranh với những loại hình vận tải khác
Hạ tầng cũ kỹ, nguồn vốn bảo trì hạn hẹp khiến VNR khó cạnh tranh với những loại hình vận tải khác

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện đề xuất chuyển VNR từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ GTVT, những ưu điểm, nhược điểm của đề xuất này, báo cáo Thủ tướng phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.

Trước đó, Thủ tướng nhận được một số ý kiến của chuyên gia và ĐBQH đề nghị điều chuyển VNR từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ GTVT để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của Tổng công ty này.

Không được giao dự toán ngân sách 

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Bằng An, Chánh Văn phòng VNR cho biết, sau khi chuyển sang UBQLVNN, quy định pháp luật thay đổi nên đơn vị gặp một số khó khăn trong quá trình hoạt động. “Trước đây, Bộ GTVT quản lý về tài sản thì tất cả các vấn đề liên quan về quyết định đầu tư, chi ngân sách đi liền. Nhưng khi sang UBQLVNN thì thay đổi cả, từ đó sinh ra vướng mắc cho doanh nghiệp”, ông An nói.

Vị này cho biết thêm, dự kiến ngày 20/2 này Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ làm việc với UBQLVNN và một số doanh nghiệp, bàn về các vướng mắc sau khi chuyển cơ quan chủ quản. “Khi đó chắc chắn VNR sẽ có báo cáo cụ thể về những khó khăn, vướng mắc này”, Chánh Văn phòng VNR cho biết.

Theo tìm hiểu của PLVN, một đại diện khác của VNR cho biết, khi chuyển về UBQLVNN, VNR triển khai Luật Đường sắt thì vướng Nghị định 46 về quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt. “Quản lý hạ tầng đường sắt thuộc về nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong khi về UBQLVNN thì VNR không được giao dự toán ngân sách, không được làm chủ đầu tư những dự án sửa chữa, bảo dưỡng cũng như đầu tư mới. Từ đó khó khăn cho VNR”, vị này nói.

Bà Lê Thị Thu Hương, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết đã nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ chỉ đạo về vấn đề này, hiện Vụ này đang gửi các đơn vị liên quan thuộc Bộ GTVT nghiên cứu. “Vụ Tài chính và Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông là hai đơn vị quản lý nhà nước của Bộ GTVT gặp vướng mắc khi VNR chuyển sang UBQLVNN vì liên quan đến vốn bảo trì, bảo dưỡng hàng năm về kết cấu hạ tầng đường sắt”, bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, thay vì như trước đây VNR thuộc Bộ GTVT thì VNR được giao nhiệm vụ đầu tư, ngân sách trực tiếp từ Bộ, nay về UBQLVNN thì công tác đầu tư Bộ GTVT không trực tiếp giao cho VNR nữa, từ đó phát sinh thêm khó khăn, vướng mắc.

Bảo trì, duy tu hạ tầng gặp khó 

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR thừa nhận sau khi Tổng Công ty về UBQLVNN gặp nhiều khó khăn trong quản lý, bảo trì hạ tầng đường sắt. Nói về lý do, ông Minh cho biết, theo Luật Ngân sách, VNR không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT nên không được giao quản lý, thực hiện vốn bảo trì.

Trong khi đó, việc quản lý vốn bảo trì không chỉ thực hiện mục tiêu bảo trì, duy tu kết cấu hạ tầng đường sắt mà còn phục vụ công tác tuần gác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Quy định mới cũng không cho VNR được giao nhiệm vụ quản lý vốn các dự án đầu tư mới hay sửa chữa, nâng cấp hạ tầng đường sắt như trước.

Như vậy có thể thấy, tiếng là một Tổng Công ty nhưng VNR chỉ như một cơ quan quản lý về vận hành đường sắt, không trực tiếp được giao nhiệm vụ chủ đầu tư để thực hiện các công trình đường sắt phục vụ chạy tàu. 

Như PLVN đã thông tin, trước khi chuyển về UBQLNN, VNR được mặc định sẽ là đơn vị chủ đầu tư của gói 7.000 tỷ đồng sửa chữa nâng cấp cầu, đường sắt trên tuyến Bắc – Nam đã được phê duyệt gần đây. Nhưng sau khi chuyển về UBQLVNN, dự án này lập tức được chuyển cho Ban Quản lý dự án (PMU) 85 và PMU Đường sắt, hai đơn vị của Bộ GTVT làm đại diện chủ đầu tư.

Rõ ràng, những đơn vị mới được giao nhiệm vụ này không có nhiều kinh nghiệm như VNR để đầu tư cải tạo đường sắt cũ. Đặc biệt, trong bối cảnh vừa cải tạo vừa vận hành chạy tàu thì cần sự thống nhất cao giữa đơn vị vận hành và đơn vị thi công. Việc tách đơn vị thi công cải tạo với đơn vị vận hành chạy tàu chắc chắn sẽ thiếu đi sự phối hợp chặt chẽ cần phải có để vừa đảm bảo an toàn chạy tàu và tiến độ thi công cải tạo cầu, đường.

Trả lời PLVN với câu hỏi liệu VNR có nên chuyển lại trực thuộc Bộ GTVT hay không, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, lúc này chưa thể có câu trả lời rõ ràng vì cần thời gian để các đơn vị liên quan nghiên cứu, cân nhắc. “Hiện, mới có văn bản của Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ nghiên cứu và báo cáo đề xuất”, ông Đông nói.

Đọc thêm