Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP): Bí quyết vượt khó trong “khủng hoảng kép”

(PLVN) - Chiến lược đàm phán giảm giá của PVEP là tập trung giảm theo các kịch bản dự kiến của giá dầu, đồng thời đánh giá cập nhật dòng tiền của dự án ở các mức giá dầu (20, 30, 40 USD/thùng) để từ đó đưa ra mục tiêu đàm phán có lợi nhất đối với những hợp đồng lớn.
Tổng giá trị giảm giá mà các đơn vị thành viên và liên doanh trong PVEP đã đàm phán đạt hơn 10 triệu USD.
Tổng giá trị giảm giá mà các đơn vị thành viên và liên doanh trong PVEP đã đàm phán đạt hơn 10 triệu USD.

Theo đại diện PVEP, những tháng đầu năm 2020, giá dầu liên tục giảm sâu do chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 khiến nhu cầu về năng lượng trên toàn thế giới giảm mạnh. Giá dầu suy giảm mạnh, có thời điểm giảm xuống mức thấp kỷ lục âm 37,63 USD/thùng vào ngày 20/4/2020.

Trong bối cảnh đó, PVN đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị về giải pháp ứng phó cấp bách nhằm ứng phó với “khủng hoảng kép” của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu sụt giảm. Đồng thời, Tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị thành viên tiếp tục triển khai việc đàm phán giảm giá các hợp đồng dịch vụ dầu khí và xây dựng phương án giá dịch vụ neo theo biến động của giá dầu. 

Triển khai chỉ đạo của PVN, PVEP đã có định hướng, chỉ đạo hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới. PVN cho rằng PVEP là đơn vị chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi do “khủng hoảng kép” nhất trong số các đơn vị thành viên của Tập đoàn. “Điều này khiến cho việc đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 được PVN phê duyệt là hết sức thách thức”, đại diện PVN cho biết.

Theo PVEP, đơn vị đã tập trung tối ưu, tiết giảm tối đa chi phí thông qua công tác đàm phán giảm giá các hợp đồng đã ký với các nhà cung cấp dịch vụ hiện tại cũng như đàm phán với nhà thầu trúng thầu đối với các gói thầu mới nhằm đảm bảo ổn định về tài chính, duy trì hoạt động sản xuất hiệu quả, an toàn.

Theo đó, tính đến giữa tháng 5/2020, tổng giá trị giảm giá mà các đơn vị thành viên, liên doanh trong PVEP đã thực hiện ước khoảng 10,2 triệu USD, đạt 6,2% tổng giá trị các hợp đồng đàm phán. Trong đó, xét về tỷ trọng, Dự án 01&02 và Hoàng Long - Hoàn Vũ JOCs đạt kết quả cao nhất 9% so với tổng giá trị hợp đồng đàm phán, giá chào thầu ban đầu. Xét về tổng giá trị, Lô 05-1(a) đạt kết quả cao nhất với giá trị giảm giá 5,5 triệu USD cho 56 hợp đồng, gói thầu (giảm 8,2%).

Theo PVEP, qua triển khai, việc đàm phán đã bước đầu đạt được kết quả nhất định, với mức giảm lên tới 14 - 18,5% đối với hợp đồng tàu dịch vụ của các dự án. Tuy nhiên, PVEP cũng cho rằng nhiều dịch vụ chưa đạt được giảm giá như kỳ vọng đề ra khi chính các nhà thầu cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng như những khó khăn khác khiến cho việc giảm giá dịch vụ không khả thi.

PVEP cũng cho biết đã cùng các đơn vị thành viên, liên doanh nỗ lực đàm phán giảm giá với các đơn vị cung cấp dịch vụ qua nhiều vòng và nhiều cấp đàm phán nhằm đưa ra các phương án tối ưu trong việc triển khai hoạt động sản xuất đảm bảo ổn định. Chiến lược đàm phán của PVEP tập trung giảm giá theo các kịch bản dự kiến của giá dầu, đồng thời đánh giá cập nhật dòng tiền của dự án ở các mức giá dầu (20, 30, 40 USD/thùng) để từ đó đưa ra mục tiêu đàm phán đối với những hợp đồng lớn.

Với nhận định xu thế giá dầu giảm còn kéo dài, PVEP tiếp tục quán triệt các dự án đàm phán, tối ưu chi phí và định kỳ tuần báo cáo kết quả và kiến nghị vướng mắc để PVEP kịp thời hỗ trợ.

Đại diện PVEP cho biết, Đảng ủy và Ban lãnh đạo PVEP yêu cầu các Ban chuyên môn hoàn thiện cơ sở dữ liệu để làm cơ sở cho đàm phán giá, xây dựng chiến lược đàm phán cụ thể với những hợp đồng có giá trị cao, dài hạn tác động lớn tới hiệu quả dự án. Đồng thời tiếp tục cùng các Tổng công ty trong PVN đàm phán tổng thể để có mức giảm giá chung thay vì cho từng dự án, đảm bảo hiệu quả, mang lại lợi ích cho các bên cũng như chia sẻ khó khăn chung của ngành Dầu khí. 

Đọc thêm