- Năm 2019, công tác điều động, luân chuyển công chức từ Tổng cục THADS về địa phương, từ Cục về Chi Cục được thực hiện quyết liệt. Điều này đã mang lại chuyển biến tích cực như thế nào đối với công tác THADS, thưa ông?
Thời gian qua, để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, nhất là Quy định số 98-QĐ/TW ngày 07/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, Nghị quyết số 152-NQ/BCS ngày 28/11/2012 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về việc đẩy mạnh công tác luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý của Bộ Tư pháp đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Tổng cục THADS đã xây dựng Kế hoạch điều động, luân chuyển công chức trong Hệ thống THADS và tổ chức thực hiện đạt được kết quả khả quan.
|
Tổng cục trưởng Mai Lương Khôi |
Đánh giá bước đầu cho thấy, công tác chuẩn bị từ giai đoạn xây dựng kế hoạch, lựa chọn nhân sự cho đến triển khai thực hiện đảm bảo tính khoa học, thận trọng, dân chủ, bài bản, nhờ đó, công tác điều động, luân chuyển công chức đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong lãnh đạo, cấp ủy và công chức lãnh đạo, quản lý các cơ quan trong toàn Hệ thống THADS. Tổng cục THADS nhận thức sâu sắc đây là việc làm cần thiết, quan trọng, thường xuyên, liên tục, góp phần xây dựng đội ngũ công chức của Hệ thống THADS ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Việc điều động, luân chuyển đã góp phần kịp thời bổ sung, kiện toàn đội ngũ công chức lãnh đạo quản lý cho các cơ quan THADS đang gặp khó khăn về nguồn nhân sự, tăng cường lực lượng cho các địa bàn có lượng án lớn, nhiều vụ việc khó và phức tạp, địa bàn còn nhiều yếu kém. Đồng thời, đây sẽ là cơ hội tạo điều kiện cho người được điều động, luân chuyển có môi trường tốt để cọ xát với thực tiễn, là dịp để công chức lãnh đạo, quản lý tích lũy kinh nghiệm về mọi mặt.
Bên cạnh đó, việc tăng cường điều động, luân chuyển công chức còn góp phần khắc phục tình trạng cục bộ, bản vị địa phương, khép kín trong công tác cán bộ; góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, còn góp phần tăng cường mối quan hệ, tạo sợi dây gắn kết từ đó kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác thi hành án ở địa phương để Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục THADS nhanh chóng đưa ra chỉ đạo, phản ứng chính sách, biện pháp phù hợp, kịp thời.
|
Lãnh đạo Tổng cục THADS làm việc với cán bộ chủ chốt Cục, Chi cục THADS Hà Nội |
Có thể nói, việc luân chuyển, điều động đạt kết quả tốt như trên còn tạo đà thuận lợi cho công tác này trong những năm tiếp theo, giúp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý ngang tầm nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn mới. Tổng cục THADS sẽ tham mưu Lãnh đạo Bộ có đánh giá, tổng kết hoạt động này nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm và các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt hơn trong thời gian tiếp theo.
-Tuy Hệ thống THADS đã rất nỗ lực nhưng kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn chưa đạt kết quả như mong muốn. Theo ông, khó khăn, vướng mắc chủ yếu do đâu?
Xác định công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan THADS, do đó Bộ Tư pháp nói chung, Tổng cục THADS nói riêng đã có những chỉ đạo quyết liệt, sâu sát đối với các cơ quan THADS thực hiện nghiêm Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các kết luận, chỉ đạo của các Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW. Các cơ quan THADS đã có nhiều nỗ lực, cố gắng tổ chức thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và đã đạt được những kết quả nhất định, cụ thể: thi hành xong 1.354 việc (đạt tỷ lệ 68,66%) với số tiền trên 16.504 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 29,67%).
Có thể thấy, dù đã rất nỗ lực, cố gắng song kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn thấp so với mặt bằng chung toàn quốc và so với các loại việc khác như dân sự, kinh doanh thương mại... Nguyên do bởi công tác này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: pháp luật về THADS nói chung và pháp luật khác có liên quan chưa được hoàn thiện, thống nhất, đồng bộ; còn vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo về phạm vi áp dụng đối với từng vụ việc cụ thể; một số quy định của pháp luật còn chưa thực sự hiệu quả trong quá trình đấu tranh, phòng, chống tội phạm, dễ bị lợi dụng để che giấu, tẩu tán tài sản. Cơ chế công khai, minh bạch, đăng ký và quản lý tài sản, đặc biệt là cơ chế giám sát thu nhập, tài sản đối với cá nhân, công chức còn chưa hoàn thiện; việc sử dụng tiền mặt còn khá phổ biến khiến cho việc xác minh, nắm bắt thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp.
Hiện nay, nhiều vụ việc có số tiền phải thi hành án lớn nhưng tài sản kê biên có giá trị nhỏ, không đủ để đảm bảo thi hành án hoặc tài sản thuộc nhiều chủng loại (quyền sử dụng đất, tài sản trên đất, tàu thuyền, cổ phần, cổ phiếu), nằm ở nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành án của người phải thi hành án chưa cao, còn có nhiều trường hợp chống đối, cản trở việc thi hành án, lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo không có căn cứ để trì hoãn, kéo dài quá trình thi hành án.
Ngoài ra, thực tế tại các cơ quan THADS địa phương, hàng năm số việc, tiền thụ lý ngày càng tăng cao, đặc biệt nhiều địa phương có những vụ án kinh tế, tham nhũng có giá trị phải thu hồi lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng, làm gia tăng áp lực cho cơ quan THADS cũng như cơ quan quản lý THADS trong việc chỉ đạo, tổ chức thi hành án. Mặt khác, năng lực, trình độ, kể cả tinh thần trách nhiệm của một số công chức, Chấp hành viên còn hạn chế trong bối cảnh áp lực công việc ngày càng tăng và phức tạp.
Để nâng cao kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong thời gian tới, Tổng cục THADS cũng như các các cơ quan THADS đều xác định triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các kết luận và kiến nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW; chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo kết quả theo định kỳ hàng quý hoặc đột xuất về Tổng cục THADS. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan THADS, không để xảy ra tình trạng “khoán trắng” cho Chấp hành viên. Nâng cao năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm của Chấp hành viên; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các sai phạm.Tăng cường cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan với cơ quan THADS để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan THADS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
-Trong bối cảnh lượng án phải thi hành ngày càng tăng mà biên chế vẫn liên tục bị cắt giảm, xin ông cho biết toàn Hệ thống sẽ ưu tiên tập trung những giải pháp nào để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020?
Trong bối cảnh số lượng việc và tiền phải thi hành án tăng theo từng năm, chỉ tính riêng năm 2019, số lượng việc thụ lý mới tăng 24.200 việc (tăng 3,99%), tương ứng với số tiền trên 65 nghìn tỷ đồng (tăng 97,14%); đồng thời, thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế theo chủ trương chung của Đảng và Chính phủ, từ đầu nhiệm kỳ (năm 2016) đến nay, toàn Hệ thống đã giảm được 669 biên chế (trung bình đạt tỷ lệ 2,1%/năm), nhưng các cơ quan THADS đã không ngừng nỗ lực, cố gắng để hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Với tình hình trên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020, Tổng cục THADS đã xác định triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như: Triển khai hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành hiệu quả các văn bản pháp luật về THADS, THAHC; nâng cao hiệu quả thi hành án trong vụ án tham nhũng, kinh tế, án tín dụng ngân hàng; tăng cường quản lý nhà nước về THAHC; đổi mới, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS; kiện toàn bộ máy, đội ngũ công chức THADS; tăng cường hiệu quả hoạt động cải cách hành chính; tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương; bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc trong toàn hệ thống THADS.
Trong đó, đối với nhóm giải pháp về tổ chức biên chế, cán bộ, chúng tôi dự kiến tập trung vào các nội dung sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm minh, hiệu quả Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội; Kế hoạch, Đề án của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp về công tác tinh giản biên chế nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và thống nhất trong hành động trong lãnh đạo, cấp ủy và đội ngũ công chức, viên chức Hệ thống THADS.
Hai là, nghiên cứu đề xuất đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Hệ thống THADS bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục hoàn thiện thể chế nội bộ về công tác cán bộ của Hệ thống THADS; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với vị trí việc làm mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đội ngũ công chức được quy hoạch lãnh đạo, quản lý.
Ba là, đổi mới lề lối, phong cách làm việc nhất là đối với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu, lãnh đạo đơn vị. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả công tác, làm giảm mâu thuẫn giữa khối lượng công việc và biên chế được giao.
Bốn là, chú trọng công tác giáo dục chính trị, gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) với Chỉ thị 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của Chấp hành viên để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Năm là, tăng cường phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác THADS, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt; khắc phục tình trạng sai phạm trong các mặt công tác của lĩnh vực THADS, đặc biệt là trong kê biên, xử lý tài sản thi hành án, quản lý tiền, tài sản thi hành án. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và lề lối làm việc trong toàn Hệ thống, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm những công chức có sai phạm.
Sáu là, tiếp tục thực hiện nguyên tắc phân bổ biên chế đã được thực hiện từ năm 2016 để phân bổ biên chế năm 2020 đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và sử dụng tối đa hiệu quả nguồn lực được giao, bảo đảm lộ trình đến năm 2021 giảm 10% biên chế so với năm 2015.
-Trân trọng cám ơn ông!