Hội nghị do Sở LĐ-TB&XH Hà Nội tổ chức với sự tham gia của 10.000 người. Trong đó, có khoảng 8.000 người tham gia các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh là học sinh (HS) THCS, THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Hội nghị cũng thu hút 34 DN tiêu biểu đại diện cho gần 1.000 DN có hoạt động liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn TP tham gia ký kết hợp tác, đặt hàng đào tạo với các cơ sở GDNN; 40 DN có nhu cầu tuyển dụng tham gia Phiên giao dịch giới thiệu việc làm tại Hội nghị.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định: “Hà Nội là nơi tập trung nhu cầu lớn nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là địa phương có số lượng cơ sở GDNN lớn nhất nước với hơn 300 đơn vị, hàng năm tổ chức tuyển sinh và đào tạo trên 200.000 lượt người, cung cấp lực lượng lao động có tay nghề, có kỹ năng trình độ chuyên môn đứng đầu cả nước”.
Những năm gần đây, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã tham mưu và chỉ đạo có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH về phát triển GDNN và thị trường lao động. Hiệu quả của các Hội nghị gắn kết GDNN với thị trường lao động những năm gần đây góp phần giúp chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Hà Nội ngày càng được nâng lên.
Bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết: Hiện trên địa bàn TP có 360 cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN, trong đó có 310/360 đơn vị có đăng ký hoạt động GDNN gồm 69 trường cao đẳng, 59 trường trung cấp, 54 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề và 128 DN, loại hình khác.
Các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN toàn TP tuyển sinh cho 251.500 lượt người (trình độ cao đẳng 33.700 người, trung cấp 27.900 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 189.900 người), đạt 112% kế hoạch tuyển sinh năm 2022, tăng 13,23% so với cùng kỳ 2021; Có 197.400 học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp, trong đó chia theo trình độ: 14.600 người trình độ cao đẳng, 22.900 người trình độ trung cấp, 159.900 người trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, tỷ lệ HSSV, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề khi HSSV ra trường được DN tuyển dụng 100% như nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa...
Theo bà Hương, kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 72,23%, vượt 0,03% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tăng 1,13% so với 2021. Trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%, vượt 1,3% so với kế hoạch đề ra năm 2022, tăng 2,3% so với 2021.
Ông cho biết, năm 2021, theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số đào tạo lao động của Hà Nội đứng đầu cả nước. Một số tỉnh, thành đã lấy cách làm của Hà Nội về gắn kết GDNN với thị trường lao động là một hoạt động mẫu để vận dụng thực hiện ở địa phương mình. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh GDNN và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh trong tình hình mới theo chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Theo ông Dũng, một trong những thách thức không nhỏ của chúng ta là tỉ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Cân đối cung - cầu lao động chưa thật hiệu quả dẫn tới chưa tiệm cận năng suất lao động tiềm năng, còn thừa thiếu lao động cục bộ, làm việc không đúng chuyên ngành nghề đào tạo.
Trước những thách thức đó, trong nhiều giải pháp đặt ra thì việc gắn kết GDNN với DN và thị trường lao động được xác định là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng. TS Dũng cho rằng việc tổ chức những ngày hội việc làm sẽ là cầu nối giữa DN và người lao động, giúp người lao động có thể sớm tìm được việc làm đúng vị trí chuyên môn của mình.