Khó khăn chưa từng có với người nuôi lợn
Theo ông Cường, Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết chính thức việc xuất khẩu chính ngạch, đồng thời chúng ta cũng phải có trách nhiệm bảo vệ kiểm dịch động vật ở biên giới.
Kể từ thời điểm tháng 2/2019, khi những ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện tại Thái Bình và Hưng Yên, dịch bệnh nguy hiểm này đã tàn phá nhiều chuồng trại chăn nuôi, đẩy người chăn nuôi lợn vào những khó khăn chưa từng có.
Lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 15/10/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.200 xã thuộc hơn 650 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy khoảng 5,6 triệu con, tổng trọng lượng là 320.000 tấn. Tính đến tháng 10/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh thêm 157 xã, 3 huyện; dự báo đến hết tháng 10/2019, số lợn tiêu hủy giảm 26% so với tháng 9, giảm 60,7% so với tháng 5.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), thời gian đầu, dịch bệnh chủ yếu xảy ra ở những hộ nhỏ lẻ, nhất là ở các tỉnh phía Bắc, nơi có mật độ chăn nuôi cao. Hiện nay, các hộ chăn nuôi đã nhận thức rõ hơn và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, nhất là áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và sử dụng các chế phẩm hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn.
Điều đáng ghi nhận là, hiện có 10 tỉnh, thành phố có trên 80% số xã đã qua 30 ngày không phát sinh điểm dịch, gồm: Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Sơn La, Cao Bằng và Bắc Giang.
Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi cũng đã khiến người chăn nuôi lợn vô cùng khó khăn, giá trị sản xuất chăn nuôi lợn giảm trên 9%. Tổng đàn lợn tính đến ngày 31/8/2019 của 56 tỉnh đã báo cáo là trên 22 triệu con, giảm 16% so với thời điểm tháng 10/2018. Nếu tính số liệu của 63 tỉnh, thành thì dự kiến đàn lợn sẽ đạt khoảng 23 – 23,5 triệu con, trong đó đàn nái khoảng 2,8 – 2,9 triệu con.
Ở nhiều địa phương, tổng đàn lợn sụt giảm nghiêm trọng do sự tàn phá của dịch. Đơn cử như tỉnh Bắc Giang, dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn từ tháng 3/2019, tính đến ngày 14/10/2019, toàn tỉnh đã có trên 39.500 hộ có lợn bị thiệt hại, tiêu hủy 272.361 con lợn (gần 25% tổng đàn). Trong khi đó, ở Đồng Nai, tính đến đầu tháng 9/2019, tổng đàn lợn đã giảm 40% so với thời điểm tháng 4/2019.
Tiếp tục duy trì phát triển chăn nuôi lợn
Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nên hầu hết các loại vật nuôi, thủy sản đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó, trong 9 tháng năm 2019, giá trị sản xuất của lĩnh vực chăn nuôi ước đạt 132,9 nghìn tỷ đồng, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi đều tăng (trừ chăn nuôi lợn), cụ thể thịt trâu tăng 3,1%, thịt bò tăng 4,2%, thịt gia cầm tăng 13,5%, trứng tăng 10%, thủy sản tăng 6,5%.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện tại nhiều địa phương e ngại không cho người chăn nuôi tái đàn, một số địa phương, cơ sở đã qua 30 ngày theo quy định hoặc các cơ sở nằm trong vùng dịch nhưng không xảy ra dịch vẫn đảm bảo an toàn sinh học, song rất khó tái đàn khi chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn không đồng thuận, đặc biệt khó khăn trong việc vận chuyển con giống. Nếu không tái đàn phù hợp sẽ rất khó khăn trong việc chủ động nguồn thực phẩm cuối năm.
Vừa qua giá thịt lợn hơi tăng khá nhanh, nguyên nhân cơ bản được xác định là do tác động của dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể, sau 8 tháng dịch bệnh hoành hành, sản lượng thịt lợn đã giảm 8,2%, trong khi, thịt lợn vẫn chiếm tới 65-70% trong cơ cấu rổ thực phẩm của người Việt. Cung giảm nên ảnh hưởng đến thị trường.
Thêm nữa, mặc dù sản lượng thịt lợn chỉ giảm 8,2%, trong thực tế không hiếm thịt lợn, song một số cơ sở chăn nuôi cố tình găm giữ lợn lại để chờ giá cao. Những ngày gần đây xuất hiện hiện tượng vận chuyển lợn sang thị trường bên cạnh. Tất cả những nguyên nhân đó đã đẩy giá lợn tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Theo ông Dương, giải pháp cấp bách hiện nay là tiếp tục duy trì phát triển chăn nuôi lợn để chủ động nguồn thực phẩm tránh sự thiếu hụt nguồn cung, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học; đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ để bù đắp lại nguồn thực phẩm thiếu hụt.
Các địa phương cần chủ động trong việc cho người chăn nuôi tái đàn khi đảm bảo đủ các yêu cầu (không được cấm tái đàn khi các cơ sở đủ điều kiện) theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT để chủ động nguồn cung thịt lợn.