'Tổng động viên' sức mạnh để ứng phó thiên tai

(PLO) - Phát biểu tại hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tổ chức hôm qua (2/12) tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, công tác chỉ đạo phải nhanh nhạy, sát thực tiễn; huy động và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình của nhân dân trong quá trình ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai. 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Thiệt hại do chủ quan và thiếu kỹ năng ứng phó thiên tai

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và sự chủ động phòng tránh cũng như tham gia của người dân nên đã hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Tuy vậy, báo cáo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương (T.Ư) về phòng chống thiên tai (PCTT) cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. Đặc biệt, thiệt hại về người vẫn còn lớn, nguyên nhân chính là một bộ phận người dân, chính quyền địa phương còn chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó, chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để Công điện của Chính phủ và các cấp, nhất là khi lũ lên nhanh. 

Công nghệ dự báo bao gồm hệ thống quan trắc, rađa, lưới trạm khí tượng thủy văn, nhất là tại các vùng địa hình phức tạp, chia cắt còn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác dự báo mưa lũ ngày càng đòi hỏi phải chính xác và sớm hơn. Nhiều hồ chứa thiếu thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn khu vực thượng lưu hồ, thiết bị thông tin cảnh báo, xây dựng và cập nhật bản đồ ngập lụt, phương án đảm bảo an toàn hạ du, việc phối hợp với địa phương và thông tin xả lũ còn hạn chế. 

Ngoài ra, biến đổi khí hậu làm cho tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường. Bên cạnh đó, do đặc điểm khu vực miền Trung và Tây Nguyên có địa hình chia cắt mạnh, sông ngắn, dốc, những năm gần đây chất lượng rừng đầu nguồn bị suy giảm dẫn đến phương án phòng chống mưa lũ tại các địa phương và người dân gặp nhiều khó khăn và đặt ra những thách thức mới, khó lường. Trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn của các lực lượng chủ lực, và đặc biệt là ở địa phương còn thiếu nhiều, một số nơi còn chưa phù hợp và đang là nhu cầu cấp bách của nhiều địa phương. 

Đẩy nhanh việc xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du

Tại hội nghị, bên cạnh việc đánh giá cao tinh thần chủ động PCTT, khắc phục hậu quả mưa lũ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là vai trò của người dân trong tìm kiếm cứu nạn, giúp đỡ nhau khắc phục thiệt hại, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục và yêu cầu trước mắt cần tập trung ứng phó với mưa lũ đang diễn ra tại một số tỉnh miền Trung, có giải pháp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, chú trọng hỗ trợ kịp thời các hộ dân có người bị chết, bị thương do ảnh hưởng của mưa lũ; tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích. Đồng thời, các ngành, các cấp phải nêu cao tính kịp thời, hiệu quả trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là bảo đảm tính mạng của người dân; chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai giúp nhân dân sớm ổn định đời sống, sản xuất. 

Về lâu dài, Phó Thủ tướng lưu ý cần tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ làm công tác PCTT và cộng đồng; phổ biến kinh nghiệm phòng chống lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Xây dựng, các địa phương sớm đánh giá thực trạng rừng đầu nguồn, phòng hộ; có kế hoạch cụ thể cho việc trồng mới, khoanh nuôi, phát triển và bảo vệ rừng. Hạn chế tối đa việc đầu tư xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn. 

Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương chủ động rà soát lại các công trình, có giải pháp di dân, bố trí, sắp xếp lại các khu dân cư một cách hợp lý tại khu vực nguy hiểm thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề về lũ bão nhằm phòng tránh và ứng phó hiệu quả với bão, mưa lũ. “Phải tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở rà soát, điều chỉnh bổ sung các phương án ứng phó với mưa, lũ”- Phó Thủ tướng yêu cầu.

Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT, hậu quả của hai đợt mưa lũ vừa qua đã làm 65 người chết và mất tích, 191.084 nhà bị ngập nước, 22.151ha lúa bị ngập, hư hại,... Tổng thiệt hại về vật chất ước tính trên 7.198 tỷ đồng.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cho biết, từ giữa tháng 10/2016 đến nay, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã có 4 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng, trong đó đặc biệt là hai đợt mưa lũ vào tháng 10 và đầu tháng 11/2016, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân ở các địa phương này. 

Các bộ, ngành T.Ư tập trung hỗ trợ địa phương và trình Thủ tướng Chính phủ kịp thời hỗ trợ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 4.414 tấn lương thực, 400.000 viên Cloramin B; trình Chính phủ hỗ trợ 305 tỷ đồng cho 14 địa phương thiệt hại trong 2 đợt lũ vừa qua. Các đơn vị quân đội đã điều động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ và 320 phương tiện các loại giúp nhân dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống… 

Đọc thêm