Ưu tiên các nguồn vốn để phòng, tránh thiên tai

(PLO) - Hiện tình hình khí tượng thủy văn vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, các hiện tượng thiên tai bất thường xảy ra một cách cực đoan nên cần chủ động ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khảo sát kè đê biển tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng tháng 4/2016.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khảo sát kè đê biển tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng tháng 4/2016.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo sáng qua (12/5) tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ năm 2015 đến nay và triển khai nhiệm vụ những tháng tiếp theo.

Dự báo yếu mà chưa được khắc phục 

Biểu dương kết quả tích cực trong công tác ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong năm qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ: “Hạn chế lớn nhất là công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đã được chỉ ra nhưng vẫn chưa được khắc phục, chưa đáp ứng yêu cầu”. 

Cùng với đó, tiến độ đầu tư cho các chương trình phòng chống thiên tai còn hạn chế, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn còn yếu và thiếu, do vậy cần ưu tiên rà soát các nguồn vốn để tăng cường cho những dự án thiết yếu phòng chống thiên tai. 

Theo Phó Thủ tướng, hạn chế về công nghệ dự báo, hệ thống quan trắc chưa đồng bộ khiến việc quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, nhất là các hiện tượng thiên tai cực đoan như giông lốc, mưa lũ cục bộ vẫn còn khó khăn, các cơ quan chức năng không chủ động được trong chỉ đạo vận hành hồ chứa, tích, xả nước, kết quả là đến cuối mùa mưa thì nhiều hồ không tích đủ nước, dẫn tới những khó khăn về nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô. 

Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tính tự giác của doanh nghiệp, người dân trong phòng, chống thiên tai, sự cố, tai nạn; việc ứng dụng khoa học - công nghệ cao phục vụ chỉ đạo.

Đồng thời ứng phó, hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực còn hạn chế; những bất cập trong xây dựng cơ sở hạ tầng, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước…, hay hạn chế về nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng ngừa và khắc phục thiên tai cũng là nguyên nhân “đóng góp” vào những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chủ động ứng phó thiên tai bằng giải pháp cụ thể 

Để chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả với thiên tai, hạn chế rủi ro, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn để thực hiện các chương trình, đề án đã được Thủ tướng phê duyệt. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương để người dân có thể nắm được thông tin về thiên tai và chủ động phòng ngừa, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống, ứng phó với thiên tai, sự cố. 

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể ứng phó với lũ lụt, hạn hán, vận hành hợp lý hồ chứa thủy điện, thủy lợi đảm bảo an toàn công trình vùng hạ du và cấp nước trong mùa kiệt; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý cho vùng thường xuyên bị thiên tai. kiểm tra đánh giá thực trạng hệ thống đê điều, hồ đập, khu vực sạt lở nguy hiểm nhất; xác định vị trí trọng điểm, xung yếu, có nguy cơ mất an toàn; xây dựng phương án, bố trí nguồn kinh phí để xử lý kịp thời đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và các năm tiếp theo. 

Đặc biệt, trong thời gian tới, các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp chủ động ứng phó hiệu quả, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sẵn sàng phương án ứng phó với lũ lụt do tác động của La Nina. 

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm nước, rà soát cung cầu nước tại từng địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm ứng phó với những tình huống ngày càng cực đoan của thời tiết.

Năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino cường độ mạnh, kéo dài nhất trong lịch sử nên tình hình thiên tai diễn biến bất thường. Số trận thiên tai ít hơn so với trung bình nhiều năm nhưng xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai cực đoan, các vụ cháy nổ, cháy rừng tăng so với năm 2014; tai nạn trên biển, trên sông, sập đổ công trình, hầm lò xảy ra nhiều. Còn trong năm nay, tính đến ngày 15/4, toàn quốc xảy ra 5.016 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố (không kể tai nạn giao thông đường bộ).

Đọc thêm