Vì vậy, lực lượng chức năng sẽ đối chiếu theo tờ khai, hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc nhập khẩu để làm rõ. Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM sẽ kiểm tra hơn 100 cửa hàng của Con Cưng tại TPHCM. Còn Cục QLTT sẽ có kế hoạch kiểm tra hệ thống các cửa hàng của Con Cưng trên toàn quốc trong thời gian tới để báo cáo kết quả kiểm tra sớm nhất tới lãnh đạo Bộ Công Thương và sẽ công khai công luận.
QLTT kiểm tra một số cửa hàng của Con Cưng |
Thêm sản phẩm nhập nhèm nhãn mác
Chiều 22/7, Tổ Công tác 334 (thành lập theo Quyết định 334 Bộ Công Thương) đã vào tới TP HCM cùng lực lượng Quản lý thị trường TP HCM (QLTT) đồng loạt kiểm tra nhiều điểm kinh doanh của chuỗi siêu thị Công ty cổ phần Con Cưng có Văn phòng tại Tòa nhà Lawrence S.Ting Phú Mỹ Hưng (801 Đại lộ Nguyễn Văn Linh, P.Tân Phú, Q.7, TP HCM).
Ngay sau đó, QLTT phát hiện có vấn đề trên sản phẩm cho trẻ em của Con Cưng. Tại các điểm của Con Cưng như 78 Tôn Thất Tùng (quận 1); 424 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3); số 833, 835 Hồng Bàng (quận 6), lực lượng chức năng đã phát hiện có mập mờ trong nhãn mác hàng hóa.
Cụ thể là sản phẩm kem massage bụng TiTiOne dành cho bà bầu. Đích thân kiểm tra, ông Trần Hùng cho biết, sản phẩm này cùng hình dạng, tên thương hiệu, cùng địa chỉ, số điện thoại, fax, website, email. Tuy nhiên, trên sản phẩm có dán tờ tem nhỏ in rõ "Sản xuất bởi Công ty TNHH Mỹ phẩm TITIONE" nhưng khi bóc lớp giấy này ra, công ty sản xuất được in trực tiếp trên sản phẩm lại là Công ty TNHH G&C.
Nhiều bộ quần áo cho trẻ em tuy có chữ “Made in Thailand” nhưng chỉ trên miếng nhựa treo bên ngoài, còn áo trong không có bất cứ nhãn gì để chứng minh về nguồn gốc. Nhưng nếu sản phẩm ghi “Made in Vietnam” thì lại thể hiện rõ xuất xứ, hướng dẫn sử dụng và may liền với sản phẩm. Nhiều sản phẩm như kính mắt, thực phẩm dán nhãn không cụ thể, mập mờ về nguồn gốc, xuất xứ.
Sở dĩ có cuộc tổng kiểm tra trên, xuất phát từ chiều 22/5 ông Trương Đình Công Vĩnh (ngụ phường 14, quận Tân Bình, TP HCM) đến một siêu thị của Con Cưng tại số 788 Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình) để mua hàng có giá trị gần 1,5 triệu đồng. Trong đó có bộ quần áo thun bé gái trị giá 329.000 đồng. Khi mang về nhà giặt, ông Vĩnh phát hiện bộ quần áo thun có dấu hiệu cắt tem nhãn và thay thế bằng tem nhãn CF (Concung Fashion) có ghi xuất xứ là Made in Thailand.
Ông Vĩnh cho biết, từ vụ việc của thương hiệu Khaisilk cắt tem nhãn xuất xứ sản phẩm rồi thay thế bằng tem nhãn "Made in Vietnam" để lừa dối người tiêu dùng, khiến ông lo ngại sản phẩm của Con Cưng cũng tương tự. Ngay sau đó, ông đã mang sản phẩm lỗi đến Cty để làm rõ sự việc. Sau khiếu nại gay gắt của ông Vĩnh, Con Cưng xin lỗi gửi tặng ông Vĩnh phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng nhưng ông từ chối. Con Cưng cho biết đã phải thu hồi từ hệ thống gần 6.000 sản phẩm và trả lại nhà sản xuất.
Sản phẩm kem massage bụng TiTiOne dành cho bà bầu bị nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ |
Con Cưng đổ lỗi cho Thái Lan
Liên quan đến nghi vấn thương hiệu Con Cưng gian lận tem nhãn như "Khaisilk”, Con Cưng đã phát thông báo cho hay: Lô hàng này được sản xuất bởi Cty International Incorporated (Thailand). Trả lời báo chí cũng như thông cáo trên web của mình, Con Cưng đổ lỗi cho nhà sản xuất (Thailand).
Cụ thể, Con Cưng cho hay, sản phẩm ông Vĩnh phát hiện lỗi là bộ thun bé gái có mã CF G127011. Bộ áo này nằm trong lô hàng do Con Cưng đặt sản xuất bởi Cty International Incorporated (thương hiệu WWW), (địa chỉ tại 1771, Phetchaburi road, Khwaeng Bang Kapi, Khet Huai Khwang, Krung Thep Maha Nakhon 10320 Thái Lan) theo hợp đồng số PO2017OEM49 ngày 10/11/2017. Hàng được nhập về Việt Nam qua Cảng Cát Lái (TP HCM), nhập kho Con Cưng 10 ngày sau đó và tung ra hệ thống bán từ ngày 04/01/2018.
Con Cưng nói rằng toàn bộ sản phẩm này đã lấy được chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O Mẫu D do Bộ Công Thương Thái Lan cấp. Chứng nhận xuất xứ cho lô hàng của Con Cưng là chứng nhận 100% nguyên phụ liệu có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan hoặc các nước khối ASEAN và hàng hóa sản xuất 100% tại Thái Lan. Trước khiếu nại của ông Vĩnh cũng như việc phải thu hồi sản phẩm, Con Cưng cho hay đã làm việc với nhà sản xuất.
“Nhà sản xuất xác nhận xảy ra lỗi kỹ thuật trong khâu sản xuất thành phẩm, tuy nhiên hàng hóa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu của Thái Lan”, đại diện Con Cưng thông tin. Đồng thời chia sẻ thêm, thông tin về sản phẩm, xuất xứ đều có trên những tem, mác khác của sản phẩm, lô hàng và trên hệ thống thông tin của đơn vị, và "không thể chỉ thay mác áo có thể thay đổi cả xuất xứ sản phẩm".
Trước nghi vấn về việc sản phẩm của Con Cưng có thể chỉ gắn mác mà không phải thực chất của "Made in Thailand", đại diện Con Cưng cho biết Cty có đầy đủ giấy tờ để chứng minh xuất xứ sản phẩm, bao gồm cả giấy tờ nhập khẩu, hợp đồng gia công và giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm do cơ quan thẩm định bên Thái Lan cấp.
Để làm rõ thông tin, chúng tôi đã liên hệ với WWW, gửi câu hỏi về bản hợp đồng cùng việc Con Cưng đổ cho nhà sản xuất. Tuy nhiên, WWW chưa có hồi đáp. Được biết, WWW sản xuất may mặc từ năm 1998, chủ yếu cung cấp quần áo trẻ em từ sơ sinh trở lên cho thị trường châu Âu.
Một diễn tiến khác, trao đổi với phóng viên vào hôm qua (23/7), ông Trương Đình Công Vĩnh, là khách hàng khiếu nại Con Cưng về việc thay tem sản phẩm, cho biết: Khiếu nại của ông đến nay Con Cưng vẫn chưa giải quyết. Ông chưa được cung cấp chứng từ hợp pháp xuất xứ và chất lượng sản phẩm mà ông đã mua, sản phẩm hiện nay ông đang còn giữ chưa bị thu hồi. Qua tìm hiểu, ông Vĩnh nhận định, sản phẩm của ông mua có mã vạch số: 0012190040278, theo ghi chú của Con Cưng thì đây là sản nhập từ Thái Lan. Tuy nhiên, ông kiểm tra thì thấy đây là mã sản phẩm của Mỹ (!?).
Mặt khác, nhãn sản phẩm mà ông mua từ Con Cưng không thể hiện xuất xứ của công ty sản xuất bên Thái Lan. Còn theo lời ông Tiến: "Số lượng của mẫu mã này cũng không quá lớn nên khi phát hiện lỗi, chúng tôi đã tiến hành thu hồi sản phẩm và đền bù thỏa đáng cho khách hàng". Với riêng trường hợp của ông Vĩnh, Cty đã giải thích về sai sót và đối tác bên Thái Lan cũng đã xin lỗi.
Báo Pháp Luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Ngày 22/7, Công ty Cổ phần Con Cưng đã ra thông cáo báo chí trên trang điện tử của công ty với nội dung: Con Cưng có chứng nhận đảm bảo nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Sau khi thông cáo báo chí của công ty được đăng tải, chiều ngày 23/7 khách hàng của Công ty cũng có thông cáo gửi báo chí thể hiện việc quyết tâm theo đuổi sự việc.
Là người trực tiếp kiểm tra, ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) phát biểu với báo chí: “Xuất xứ có nhiều giấu hiệu sai phạm, hàng Made in Thaiand nhập khẩu về thì phải nói phải có nhập ở đâu, có hóa đơn không? Một sản phẩm bao bì dán nhãn khác chồng lên khiến chúng tôi thấy rằng có dấu hiệu gian lận”.