“Tổng” Thép than “bó chân” khi cạnh tranh trên thị trường

(PLO) - Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) trăn trở khi “Tổng ” này không được chủ động trong công tác đầu tư, mở rộng sản xuất do cơ chế nhà nước quản lý. 
Chi phí sản xuất các doanh nghiệp ngành Thép còn ở mức cao, năng lực cạnh tranh chưa đồng đều
Chi phí sản xuất các doanh nghiệp ngành Thép còn ở mức cao, năng lực cạnh tranh chưa đồng đều

Do đó, lãnh đạo VNSTEEL mong muốn tiếp tục được thoái vốn nhà nước xuống đến tỷ lệ tư nhân có thể tự quyết được việc đầu tư, qua đó giúp doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn với các doanh nghiệp khác trên thị trường.

Cuối năm, đầy khó khăn... 

VNSTEEL vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2017 và kế hoạch phát triển cho năm 2018. Theo ông Nghiêm Xuân Đa, năm 2017, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Tổng Công ty Thép Việt Nam đạt hơn 19.802 tỷ đồng, tăng 1.953 tỷ đồng, tương ứng 10,9% so với năm 2016. Trong đó, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Tổng Công ty năm 2017 đạt hơn 898,1 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế đặt ra (300 tỷ đồng). Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp VNSTEEL đạt lợi nhuận.

Ông Trần Tuấn Dũng - Trưởng ban Kiểm soát Tổng Công ty cho biết, mặc dù doanh thu đạt mức cao, nhưng tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 898,1 tỷ đồng, giảm 49,9 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 778 tỷ đồng, giảm 56,5 tỷ đồng so với năm trước đó; lãi cơ bản trên cổ phiếu năm 2017 là 1.005 đồng/cổ phần, giảm 112 đồng/cổ phần so với năm 2016.

Lý giải về việc sụt giảm trên, ông Dũng cho hay, do áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất thép trong nước, làm khoảng cách giá bán và giá vốn thu hẹp, lãi gộp bình quân giảm 11,8% so với cùng kỳ. Đại diện Ban Kiểm soát đề nghị lãnh đạo VNSTEEL cần có giải pháp để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh sản phẩm.

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Đình Phúc - Tổng Giám đốc VNSTEEL cho biết, nửa đầu năm 2018, thị trường thép trong và ngoài nước thuận lợi, tốc độ tăng trưởng gần 30%, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty. Tuy nửa đầu năm qua tốc độ tăng trưởng lạc quan, nhưng ông Phúc dự đoán 6 tháng cuối năm 2018 thị trường thép sẽ giảm mức tăng trưởng do nhu cầu cho thị trường xây dựng hạn chế hơn.

Năng lực sản xuất đã đạt giới hạn

Dù đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tuy nhiên VNSTEEL thừa nhận còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Chủ tịch Nghiêm Xuân Đa thừa nhận, công tác đầu tư xây dựng cơ bản còn một số tồn tại. Cụ thể, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản tại một số đơn vị vẫn còn phải điều chỉnh; tiến độ thực hiện một số dự án kéo dài; công tác huy động vốn cho đầu tư chưa chuẩn bị kỹ nên có những dự án đăng ký trong kế hoạch nhưng không thu xếp được vốn, chưa thực hiện được dẫn đến thực tế giải ngân đạt tỷ lệ rất thấp.

Ngoài ra, việc đầu tư các dự án của các công ty thành viên là Công ty CP Thép Thủ Đức, Công ty CP Thép Nhà Bè, Công ty TNHH MTV Thép Tấm Lá Phú Mỹ thực hiện chậm tiến độ. “Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về thu xếp nguồn vốn và thủ tục cấp chứng nhận đăng ký đầu tư dự án”, ông Đa nói.

Liên quan đến một số dự án yếu kém, chậm tiến độ, vị Chủ tịch VNSTEEL cho biết, đối với dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai, sau một thời gian khắc phục, cơ bản đã có kết quả tích cực.

Theo đó, VNSTEEL liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc thành lập Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) để khai thác mỏ sắt Quý Xa và Nhà máy Gang thép Lào Cai. Sau nhiều năm, dự án gánh lỗ nhiều tỷ vì hoạt động kém hiệu quả. Dự án này là một trong 12 đại dự án ngàn tỷ thua lỗ của ngành Công Thương. Tuy nhiên, đến nay dự án này đã có nhiều “điểm sáng”. 

Ông Bùi Thanh Bình - Tổng Giám đốc VTM cho biết, trước đây khi mới vào hoạt động, Cty gặp nhiều khó khăn liên quan đến nguyên liệu đầu vào, nguồn vốn, nhân lực. Thời gian qua, VTM đã thực hiện nhiều giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tổng Công ty Thép Việt Nam. Theo Tổng Giám đốc VTM, từ năm 2017 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị đã có lãi và tăng trưởng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2018, sản xuất phôi của VTM tăng trưởng trên 20%, vượt 110% công suất thiết kế sản xuất. Doanh thu 6 tháng của công ty đạt khoảng 4.175 tỷ đồng; lợi nhuận dự kiến đạt 658 tỷ đồng. Từ những kết quả trên, lãnh đạo VTM mong muốn được Bộ Công Thương xem xét, rút khỏi danh sách các dự án thua lỗ.

Theo Chủ tịch Nghiêm Xuân Đa, với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2  Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn chưa được khắc phục, nên đến nay chưa thể hoạt động.

Điều mà lãnh đạo “Tổng” Thép nhà nước lớn nhất Việt Nam trăn trở hiện nay là chi phí sản xuất còn ở mức cao, năng lực cạnh tranh chưa đồng đều; nhiều nhà máy công nghệ, máy móc lạc hậu, công suất thấp nhưng chưa được đầu tư, cải tạo; nguồn nguyên liệu chưa được chủ động. Đặc biệt, theo ông Nghiêm Xuân Đa, năng lực sản xuất của các nhà máy đã chạm đến giới hạn nhưng chưa có nhiều dự án được đầu tư mới, điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng trong tương lai.

Chia sẻ với PLVN, ông Đa tỏ ra khá trăn trở khi VNSTEEL không được chủ động trong công tác đầu tư, mở rộng sản xuất do cơ chế nhà nước quản lý. Do đó, lãnh đạo VNSTEEL mong muốn tiếp tục được thoái vốn nhà nước xuống đến tỷ lệ tư nhân có thể tự quyết được việc đầu tư, qua đó giúp doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn với các doanh nghiệp khác trên thị trường.

Đọc thêm