Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) cho biết, kể từ đầu tuần tới nay tổng số hơn 30.000 người đã phải trốn khỏi Libya, trong đó chủ yếu là người Tunisia và Ai Cập vì có tới gần 1,5 triệu người Ai Cập và khoảng 50.000 người Tunisia đã làm việc trước khi các vụ bạo lực xảy ra.
|
Người nước ngoài sơ tán khỏi Libya. |
Ồ ạt di dân quốc tế
Vào ngày thứ 10 của cuộc nổi dậy chống chính quyền Muammar Kadhafi ở Libya, hôm 24/2 nhiều quốc gia đã khẩn trương sơ tán các công dân của mình bằng cả đường bộ, đường không và đường thủy, giúp hàng nghìn người rời khỏi Libya trong một cuộc di dân thực sự lớn. Nhiều chuyến bay quốc tế đã được tổ chức để giúp người nước ngoài hồi hương.
Hàng nghìn người Trung Quốc được thuê làm việc trong ngành xây dựng đường sắt, dầu lửa hoặc viễn thông ở Libya đã cập cảng Heraklion, thuộc đảo Crete của Hy Lạp, trong một chiến dịch khổng lồ do Trung Quốc thực hiện với sự giúp đỡ từ phía Hy Lạp. Hiện Trung Quốc tính sơ tán 15.000 công dân trong tổng số 33.000 người Trung Quốc đang làm việc tại Libya. Trên những con tàu chở người Trung Quốc, cũng có mặt một số công dân Thái Lan, Sri-Lanka, Italia Rumania và Hy Lạp. Ngoài ra, một nhóm gồm 43 người Trung Quốc được sơ tán bằng máy bay đã về tới Bắc Kinh.
Một số nước châu Á khác cũng đã tiến hành chiến dịch sơ tán công dân nước mình khỏi Libya: 60.000 người Bangladesh, 30.000 người Philippines, 23.000 người Thái Lan và 18.000 người Ấn Độ.
Một chiếc phà lớn, hiện đang ở Ai Cập, có thể sẽ sớm lên đường tới Benghazi , sau đó đến Alexandrie – nơi các công dân Ấn Độ sẽ hồi hương về nước băng đường không. 1.400 người Hàn Quốc còn có mặt tại Libya vẫn chờ hai chiếc máy bay tới đón: Một chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Korean Air với sức chứa 330 hành khách và một chiếc Boeing 777 của hãng hàng không EgyptAir với sức chứa 260 hành khách. Ngoài ra, một tàu chiến Hàn Quốc đang tuần tra ngoài khơi Somalia để đấu tranh chống cướp biển cũng đã chuyển hướng tới Libya và tuần sau sẽ tới nơi, Bộ Quốc phòng cho biết.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) hôm 24/2 thì điều một tàu chiến để sơ tán khoảng 6.000 công dân của họ còn ở Libya . Các thành viên EU đã quyết định cùng kích hoạt một cơ chế khẩn cấp để hỗ trợ các công dân của khối.
Hy Lạp tuyên bố sẵn sàng xem xét hỗ trợ tàu bè, trong khi đó Trung Quốc giúp sơ tán 500 người châu Âu với sự hỗ trợ của tàu nước này đi qua khu vực Libya .
Về phần mình, Anh đã điều một máy bay C-130 Hercules của Không Lực Hoàng gia tới Tripoli sơ tán 51 công dân Anh tới Malte hôm 24/2. Như vậy, 2 chiếc máy bay thuê và một chiếc Hercules đã sơ tán tất cả 250 công dân Anh chỉ trong một ngày. Ngoài ra, một tàu hộ tống của Anh đã rời cảng Benghazi chiều 24/2 đưa 200 người Anh tới Malte.
Đức cũng huy động hai chiếc tàu hộ tống và một tàu thủy chiến lược để sơ tán công dân nước mình. Hãng hàng không Lufthansa phải hoãn nhiều chuyến bay tới Tripoli để đưa từ 600-700 người từ Libya về Đức trong những ngày gần đây.
Chiếc máy bay quân sự của Pháp chở 165 du khách, trong đó có 152 người Pháp, từ phía Đông Nam Libya đã hạ cánh xuống sân bay Paris tối 24/2. Trong hai ngày, Pháp đã sơ tán tất cả 556 người, trong đó có 487 người Pháp.
Một số nước khác như: Thổ Nhĩ Kỳ sơ tán hơn 7.000 người, Nga sơ tán 339 người, Canada gần 200 người, Italia sơ tán hàng trăm người, Hà Lan 42 người, Mỹ khoảng 300 người… Công ty Odebrecht của Brazil cũng bắt đầu sơ tán hơn 3.000 nhân viên của mình đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó gần 200 người Brazil .
Ngoài ra, khoảng 20.000 người khác đã chạy trốn bằng đường bộ các cuộc bạo lực ở Libya sang Tunisia kể từ ngày 20/2, trong đó chủ yếu là người Tunisia , Ai Cập, Trung Quốc và Libya .
|
Al Qaeda đứng sau bạo lực?
Nhà lãnh đạo Libya Muammar Kadhafi hôm 24/2 cáo buộc mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda đứng đằng sau những người nổi dậy chống chính quyền ở nước này. Trong một bức thông điệp phát trên truyền hình Libya , nhà lãnh đạo lâu nhất trong thế giới Ả rập khẳng định, “những người này không có yêu sách thật sự, yêu sách của họ là yêu sách của Bin Laden”.
Ông Kadhafi cáo buộc Al Qaeda điều khiển các thanh niên bằng cách cho họ “ảo giác”, đồng thời kêu gọi người dân Libya bắt giữ những kẻ ủng hộ thủ lĩnh của Al Qaeda và đưa họ ra trước tòa án.
Sau những lời kêu gọi của người biểu tình yêu cầu ông từ chức, đại tá Kadhafi cho biết quyền lực của ông chỉ mang nghĩa tinh thần. “Tôi không có quyền làm luật và áp dụng luật”, ông nói.
Hôm qua, gọng kìm đã thắt chặt xung quanh nhà lãnh đạo Muammar Kadhafi của Libya . Vào ngày thứ 11 của cuộc nổi dậy chống chính quyền của ông Kadhafi, nhiều sáng kiến được đưa ra: họp khẩn cấp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) và tại Tổ chức Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), đề xuất của Anh-Pháp về các lệnh trừng phạt và lệnh cấm vận toàn diện.
Thật vậy, có thể thấy ở nước ngoài, sự phẫn nộ ngày càng tăng lên chống lại chính quyền của ông Kadhafi vốn ngày càng bị cô lập. Hôm qua, HĐBA LHQ đã phải mở một cuộc họp bất thường để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Libya và tìm phương cách gây sức ép đối với đại tá Kadhafi, các nhà ngoại giao cho biết.
Đại sứ Pháp phụ trách nhân quyền Francois Zimeray cho rằng có nhiều “yếu tố rõ ràng phù hợp để tiến hành một cuộc điều tra về tội phạm chống nhân loại” mà có thể khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thì đòi “dừng ngay lập tức việc sử dụng vũ lực” ở Libya . Ông Obama và Thủ tướng Anh David Cameron cũng quyết định “phối hợp các biện pháp song phương có thể đối với Libya ”, kể cả tại Hội đồng nhân quyền của LHQ.
Ngoài ra, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen hôm qua cũng kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp giữa các đại sứ của 28 nước thành viên tổ chức này về tình hình Libya. “Tình hình ở Libya đang là một mối lo ngại lớn. NATO có thể hành động để tạo thuận lợi và phối hợp mọi hoạt động của các quốc gia thành viên, nếu và khi họ quyết định hành động”, ông Rasmussen tuyên bố trên trang Tweeter ít lâu trước khi tham gia một cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng EU sáng qua.
Quang Minh (tổng hợp)