Tổng thống Nga Putin nói gì việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO?

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 16/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu nhận định về việc Phần Lan và Thụy Điển quyết định tham gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay, ông không coi việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO là mối đe dọa trực tiếp. (Nguồn: Sputnik)
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay, ông không coi việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO là mối đe dọa trực tiếp. (Nguồn: Sputnik)

Theo hãng tin TASS, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) diễn ra tại Moscow, Tổng thống Putin nhấn mạnh, đối với việc mở rộng của NATO, cụ thể là thông qua việc kết nạp thêm các thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển, Nga không coi là mối đe dọa trực tiếp.

Theo nhà lãnh đạo, Nga không có vấn đề gì với các quốc gia Bắc Âu này.

Tuy nhiên, ông Putin nói rõ, Nga sẽ thực hiện các biện pháp nhằm đáp trả việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO tới lãnh thổ của Phần Lan và Thụy Điển dựa theo bản chất của mối đe dọa mà Moscow đối mặt.

Tổng thống Nga cho rằng, ngoài việc mở rộng hoạt động, NATO cũng vượt ra ngoài khuôn khổ khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, tìm cách tham gia nhiều hơn vào các vấn đề quốc tế và kiểm soát tình hình quốc tế theo quan điểm an ninh của mình. Do vậy, Nga sẽ chú ý tới thực tế đó.

Trong khi đó, Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas tuyên bố, việc NATO mở rộng sẽ làm gia tăng căng thẳng tại châu Âu và liên minh do Nga dẫn đầu này đang phải đối mặt với những thách thức về việc quân sự hóa mạnh mẽ hơn nữa ở Đông Âu.

Ngày 15/5, Phần Lan chính thức công bố ý định gia nhập NATO trong khi đảng cầm quyền tại Thụy Điển cũng bày tỏ ủng hộ gia nhập liên minh quân sự này. Hai nước láng giềng được cho là chuẩn bị nộp đơn gia nhập liên minh quân sự trong tuần này.

Ngày 16/5, Quốc hội Phần Lan và Thụy Điển đã bắt đầu thảo luận về nỗ lực tương ứng của 2 nước liên quan việc gia nhập NATO. Đây là những bước chuyển đáng kể trong chính sách của hai quốc gia vốn trước đây duy trì quan điểm trung lập, tránh gia nhập các liên minh quân sự.