“TP. Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho các Văn phòng Thừa phát lại hoạt động hiệu quả”

(PLO) - Sự xuất hiện của các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP.Hà Nội đã đem lại một không khí mới cho thị trường dịch vụ pháp lý ở Thủ đô. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhận định: “Sự ra đời của Thừa phát lại tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thực hiện các giao dịch dân sự và trong các quá trình tố tụng tư pháp”.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội
Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Hồng Sơn về việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn Thủ đô. 
Được biết hiện nay Hà Nội đã có 5 Văn phòng Thừa phát lại được cấp phép và đi vào hoạt động, xin cho biết chủ trương của Thành phố đối với việc phát triển loại hình dịch vụ pháp lý mới này? 
- Thí điểm chế định Thừa phát lại là một giải pháp về cải cách tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và đã được thể chế hóa tại Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008, Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2013 của Quốc hội. Từ năm 2010, chế định Thừa phát lại đã được triển khai thí điểm tại TP.Hồ Chí Minh và nay được nhân rộng ra 13 tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội. 
Chúng tôi rất quan tâm tới việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội bởi Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, có mật độ dân cư đông đúc và các hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra vô cùng sôi động. Việc thí điểm thành công hay không thành công chế định mới này trên địa bàn Thủ đô có ý nghĩa quan trọng tới kết quả thí điểm chế định Thừa phát lại trên phạm vi cả nước. 
Bởi vậy, ngay sau khi Đề án thí điểm triển khai chế định Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội được phê duyệt, Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, Kế hoạch truyền thông, phổ biến pháp luật về Thừa phát lại... Ngày 2/6, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành văn bản về việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố, trong đó yêu cầu các cấp, các ngành Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến thí điểm chế định Thừa phát lại. Các Văn phòng Thừa phát lại sau khi được UBND Thành phố quyết định cho phép thành lập đã đi vào hoạt động, bước đầu đã thu được kết quả nhất định.
Những kết quả bước đầu mà 5 Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Thủ đô đạt được là gì, thưa ông? 
- Qua 3 tháng hoạt động, các Văn phòng Thừa phát lại đã bắt đầu tiếp nhận yêu cầu của tổ chức, cá nhân, chủ yếu là nhu cầu lập vi bằng. Các Văn phòng cũng nhận thức rõ được rằng Thừa phát lại là một chế định mới nên người dân còn khá bỡ ngỡ với dịch vụ pháp lý mới này, do đó nhiều tổ chức, cá nhân chưa biết để lựa chọn sử dụng dịch vụ Thừa phát lại. 
Thành phố có hỗ trợ gì cho các Văn phòng Thừa phát lại trong giai đoạn đầu còn khó khăn, bỡ ngỡ này, thưa ông? 
- Trong thời gian vừa qua, công tác triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại đã nhận được sự quan tâm của UBND Thành phố cũng như của các ban, ngành chức năng, trong đó có các ngành chức năng rất quan trọng, liên quan thiết thực tới hiệu quả triển khai công tác này là TAND, VKSND, Công an Thành phố và Cục Thi hành án dân sự Thành phố. 
Chúng tôi cũng chỉ đạo Sở Tư pháp Hà Nội là đơn vị trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc thí điểm chế định Thừa phát lại luôn theo sát hoạt động của các Văn phòng để có hướng dẫn kịp thời về những vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm từ tổ chức, quản trị Văn phòng đến những vấn đề liên quan đến chuyên môn, trước hết là việc lập vi bằng, tránh tình trạng làm trái thẩm quyền và không đúng quy định của pháp luật. 
Công tác tuyên truyền về chế định mới này trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã được tích cực triển khai để người dân hiểu hơn và dễ tiếp cận hơn với Thừa phát lại. 
Ông đánh giá thế nào về lợi ích của Thừa phát lại? 
- Hà Nội không phải là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại. Những lợi ích của Thừa phát lại đã được thực tế kiểm nghiệm qua quá trình triển khai thí điểm chế định này trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. 
Có thể thấy, đối với người dân, xã hội, việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đã tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự; tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thực hiện các giao dịch dân sự và trong các quá trình tố tụng tư pháp; có thêm sự lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân khi yêu cầu thi hành án dân sự. Ngoài ra, dưới góc độ xã hội, hoạt động Thừa phát lại bước đầu đã tạo lập một nghề mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý và là bước đầu tiên xã hội hóa hoạt động thi hành án, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội.  Đối với hoạt động tư pháp và liên quan, hoạt động Thừa phát lại đã không gây xáo trộn các hoạt động của các cơ quan tư pháp mà bước đầu còn hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần giảm tải công việc của các cơ quan tư pháp, trước hết là của Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự. 
Còn đối với Hà Nội, tuy Thừa phát lại mới được triển khai thí điểm qua 3 tháng nay, thời gian chưa dài nhưng bước đầu có thể thấy hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại là khả quan, được xã hội, người dân đón nhận tích cực. 
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các Văn phòng Thừa phát lại và tạo hành lang phát triển ổn định cho loại hình dịch vụ pháp lý mới này, trong thời gian tới Thành phố sẽ tập trung triển khai các công việc gì, thưa ông? 
- Trong thời gian tới, chúng tôi tập trung chỉ đạo các  sở, ban, ngành  của Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại. Sắp tới, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố sẽ họp để kịp thời bàn bạc, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các Văn phòng Thừa phát lại hoạt động đúng pháp luật, hiệu quả.
Do hạn chế lớn nhất hiện nay là người dân chưa biết nhiều về Thừa phát lại nên bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền chung trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi cũng yêu cầu Sở Tư pháp thông qua các Phòng Tư pháp cần phối hợp với UBND 05 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Hà Đông tổ chức triển khai tuyên truyền để cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn quận biết, phối hợp và sử dụng dịch vụ của Thừa phát lại. Đồng thời, Sở Tư pháp cần phối hợp với Tòa án nhân dân Thành phố, Cục Thi hành án dân sự Thành phố, Học viện Tư pháp tổ chức tập huấn nghiệp vụ tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án cho Thừa phát lại, Thư ký Thừa phát lại và chỉ đạo 05 Văn phòng Thừa phát lại tổ chức ký hợp đồng và triển khai việc tống đạt với Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự theo địa hạt vào đầu tháng 7. Chúng tôi cũng đề nghị các Quận ủy nơi có Văn phòng Thừa phát lại quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ Văn phòng Thừa phát lại đủ điều kiện thành lập Chi bộ Đảng để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. 
Tất nhiên, các Văn phòng Thừa phát lại cũng cần chủ động phối hợp với Tòa án, Chi cục Thi hành án dân sự, UBND các quận, UBND các phường để thực hiện công việc đúng pháp luật, hiệu quả, kịp thời. Các Văn phòng Thừa phát lại cũng cần phải xác định rõ việc tống đạt là nhiệm vụ công quan trọng, dù khó khăn cũng phải quyết tâm thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn gì thì phải kịp thời báo cáo UBND Thành phố xem xét để có cơ chế hỗ trợ. 
Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Đọc thêm