TP HCM đã sẵn sàng cho Ngày hội lớn của toàn dân

(PLVN) - Đó là khẳng định của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP HCM Nguyễn Thị Lệ khi về công tác chuẩn bị cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của TPHCM, địa phương có số lượng cử tri tham gia bầu cử lớn nhất cả nước.
 Pano, áp phích tuyên truyền về ngày bầu cử tại khu vực chợ Bến Thành, trung tâm Quận 1, TP HCM. Ảnh: VOV
Pano, áp phích tuyên truyền về ngày bầu cử tại khu vực chợ Bến Thành, trung tâm Quận 1, TP HCM. Ảnh: VOV
Báo điện tử Chính phủ: Thưa bà, công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của TP HCM đến nay như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Lệ (ảnh bên): Có thể nói, TP HCM đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị bầu cử. Lần bầu cử này, thành phố có 10 đơn vị bầu cử ĐBQH với 50 ứng cử viên và 32 đơn vị bầu cử ĐB HĐND với 158 ứng cử viên. Đến nay, hoạt động tiếp xúc giữa người ứng cử với cử tri để vận động bầu cử cơ bản hoàn thành. Nhìn chung, cử tri đánh giá rất cao chương trình hành động của các ứng cử viên.

TP HCM đã sẵn sàng cho Ngày hội lớn của toàn dân ảnh 1

Cử tri cũng có nhiều góp ý sâu sắc với chương trình hành động của người ứng cử, gửi gắm tới các ứng cử viên tâm tư nguyện vọng với mong muốn xây dựng TP HCM nói riêng và cả nước nói chung ngày càng phát triển bền vững.

Ngoài ra, trên cơ sở hướng dẫn của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, các phường, xã, thị trấn đã tổ chức những buổi mạn đàm tiểu sử ứng cử viên ở ngay tổ dân phố, tổ nhân dân. Tại các buổi mạn đàm này, các địa phương kết hợp cung cấp các thông tin thiết thực cho cử tri về ngày bầu cử, địa điểm bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu để bảo đảm tại cùng một thời điểm trong ngày bầu cử không tập trung quá đông người ở phòng bỏ phiếu.

Đáng chú ý, các hoạt động tuyên truyền về kỳ bầu cử lần này được thực hiện rất sôi động đã thu hút đông đảo cử tri quan tâm. Liên quan đến an ninh, trật tự, Công an TP đã mở cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử.

Báo điện tử Chính phủ: Về công tác phòng, chống dịch COVID-19 thì thế nào, thưa bà?

 Nguyễn Thị Lệ: Đây là vấn đề được Ủy ban Bầu cử TP rất quan tâm. Trước diễn biến phức tạp của dịch, trong quá trình tổ chức tiếp xúc giữa người ứng cử với cử tri, ngoài yêu cầu mỗi buổi chỉ được từ 120-150 cử tri tham dự và thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, Ủy ban Bầu cử TP HCM chỉ đạo các địa phương linh hoạt trong tổ chức, như vừa tiếp xúc cử tri trực tiếp vừa tổ chức trực tuyến... và chỉ đạo này được hầu hết các địa phương áp dụng.

Nhờ sự uyển chuyển, linh hoạt nói trên, khâu tiếp xúc cử tri trên địa bàn được thực hiện đúng theo quy định của Luật, đồng thời bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

TP HCM cũng là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện cung cấp thông tin về bầu cử, như: Thông tin về hoạt động của Ủy ban Bầu cử, về hoạt động tiếp xúc cử tri; hỏi và đáp về bầu cử; danh sách cử tri; quy trình bỏ phiếu; chương trình hành động của ứng viên… đến cử tri qua các ứng dụng công nghệ thông tin như website, mạng xã hội do các ban, sở, ngành và quận, huyện lập ra. Cách làm này giúp cho đông đảo cử tri nhận được thông tin về bầu cử nhanh chóng và tiết kiệm.

Với số lượng người đi bầu cử lớn, hơn 5,4 triệu cử tri, Ủy ban Bầu cử TP HCM đã chủ động xây dựng phần mềm hỗ trợ bầu cử, diễn tập vận hành thử nghiệm 3 đợt; rút kinh nghiệm, bổ xung trang thiết bị phục vụ vận hành, nhập số liệu… bảo đảm cho việc sử dụng chính thức vào ngày bầu cử.

Đến 20/5, tất cả 3.211 tổ bầu cử ở 24 quận, huyện của TP HCM đã được chuẩn bị chu đáo. Ảnh: VOV
 Đến 20/5, tất cả 3.211 tổ bầu cử ở 24 quận, huyện của TP HCM đã được chuẩn bị chu đáo. Ảnh: VOV

Báo điện tử Chính phủ: Các phương án cho tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn trong những ngày tới là gì, thưabà?

Bà Nguyễn Thị Lệ: Ủy ban Bầu cử TP cũng đã chuẩn bị phương án bỏ phiếu trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp hơn. Phương án cho 4 tình huống: Tổ chức bầu cử tại các khu vực, địa điểm bỏ phiếu; tổ chức bầu cử cho cử tri cách ly tại nhà; tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội, hoặc phong tỏa; và bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hay xác định mắc COVID-19. 

Cụ thể, vào ngày bầu cử, nếu địa điểm bỏ phiếu đang phải thực hiện giãn cách xã hội, tổ bầu cử sẽ tăng cường vệ sinh, khử khuẩn khu vực tổ chức bầu cử, khử khuẩn phiếu bầu và thùng phiếu, bảo đảm yêu cầu về giãn cách. Cùng với đó, triển khai phân luồng ra-vào một chiều, bố trí thời gian bỏ phiếu và phân luồng từ xa cho cử tri của từng khu vực, điểm dân cư.

Đối với các khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội, hoặc bị phong tỏa, việc tổ chức bầu cử bảo đảm nghiêm ngặt các điều kiện, biện pháp phòng chống dịch, như: Bố trí thùng phiếu ở vị trí phù hợp, có hàng rào ngăn cách, tổ chức các thùng phiếu lưu động và nhất là người phục vụ bầu cử phải sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân đầy đủ trong khi làm nhiệm vụ, được xét nghiệm SARS-CoV-2 trước và sau khi thực hiện nhiệm vụ.

Với cử tri đang cách ly tại nhà, Tổ bầu cử sẽ tổ chức thùng phiếu lưu động, hướng dẫn cách thức bầu cử theo quy trình, bảo đảm hạn chế tối đa tiếp xúc gần và người phục vụ bầu cử sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân đầy đủ trong khi làm nhiệm vụ.

Trong khi đó, tại các bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, nếu đủ điều kiện và được Hội đồng Bầu cử cho phép tổ chức điểm bầu cử riêng thì nơi đó phải thực hiện nghiêm ngặt, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch tại điểm bỏ phiếu, tránh lây nhiễm trong quá trình bầu cử.

Hiện tại, ngoài việc chuẩn bị và triển khai các yêu cầu phục vụ bầu cử, ngành y tế thành phố cũng đang rà soát, thống kê các khu vực cách ly, số lượng người đang cách ly để bảo đảm việc triển khai các phương án bỏ phiếu theo quy định và nhất là theo diễn biến tình hình dịch trên địa bàn TP.

Đến thời điểm này, có thể nói, công tác chuẩn bị cho kỳ bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã cơ bản hoàn thành. TP HCM đã sẵn sàng cho Ngày hội lớn của toàn dân.

Báo điện tử Chính phủ: Trân trọng cảm ơn bà!

Đọc thêm