TP HCM kiến nghị tự ra đề thi tốt nghiệp THPT riêng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sở GD&ĐT TP HCM kiến nghị Bộ GD&ĐT giao UBND TP chịu trách nhiệm thực hiện tất cả các khâu tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, tự ra đề thi.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Chiều 21/4, Sở GD&ĐT TP HCM đã có dự thảo Báo cáo công tác phát triển giáo dục đào tạo TP HCM giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 trình Thường trực UBND TP, với nhiều nội dung đáng chú ý.

Về đội ngũ triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT TP HCM kiến nghị, đối với các trường hợp có bằng cử nhân (cao đẳng/đại học) chuyên ngành phù hợp đối với các môn Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật, ngoại ngữ 2 (Tiếng Hàn, Tiếng Nhật, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Pháp.. ) nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và chưa tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông, có thể tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng tại các cơ sở.

Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 12 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy.

Đối với các giáo viên môn Tin học, môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) có bằng có bằng cử nhân (cao đẳng/đại học) chuyên ngành phù hợp (nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm) đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông trực thuộc TP Thủ Đức và các quận, huyện quản lý, có thể tham gia giảng dạy môn Tin học, môn Nghệ thuật tại các trường THPT theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng.

Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 36 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng tại các trường THPT.

Ngoài ra, cho phép TP HCM được bổ sung mỗi cơ sở giáo dục công lập phải có đủ 4 vị trí việc làm: nhân viên Văn thư, Thủ quỹ, Kế toán, Y tế (Đối với nhân viên Y tế thì cứ trên 1.000 học sinh thì thêm một nhân viên ) vì nhiều trường ở thành phố có quy mô lớn, học sinh đông.

Cho phép các cơ sở giáo dục công lập được phép liên kết, chuyển giao và sử dụng bản quyền các chương trình giáo dục quốc tế với các cơ sở giáo dục nước ngoài, học sinh tham gia và hoàn thành chương trình, đạt yêu cầu ở kỳ thi cuối cấp được cấp bằng Việt Nam và bằng quốc tế. Phân cấp cho UBND thành phố được quy định cơ chế huy động nguồn lực phát triển các loại hình liên kết giáo dục, đào tạo trong nước - quốc tế trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập.

Sở GD&ĐT TPHCM cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT hướng dẫn, xem xét cho phép Trường ĐH Sài Gòn được tự chủ tuyển sinh các mã ngành đào tạo giáo viên đặc thù như Tin học, môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) để đào tạo các giáo viên phục vụ giảng dạy tại các trường học ở thành phố. Cho phép Trường ĐH Sài Gòn đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho các ngành như Tiếng Hàn, Tiếng Nhật, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Pháp đáp ứng cho chương trình ngoại ngữ 2, Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đặc biệt, kiến nghị Bộ GD&ĐT giao UBND TP HCM chịu trách nhiệm toàn diện chỉ đạo thực hiện tất cả các khâu tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương. Đề thi do các Sở GD&ĐT tự xây dựng theo quy định của quy chế thi và bảo đảm đúng cấu trúc, định dạng đề thi do Bộ GD&ĐT ban hành.

Giao UBND TP HCM thẩm định nội dung và ban hành khung nội dung tài liệu giáo dục địa phương, việc biên soạn, in ẩn và phát hành tài liệu thực hiện xã hội hóa, giao quyền chủ động cho UBND TP HCM về giao chỉ tiêu lớp thường trong trường chuyên….

Đề xuất tự xét, công nhận tốt nghiệp THPT bằng kỳ thi riêng được TP HCM lần đầu đưa ra năm 2016. Lúc đó, Bộ GD&ĐT không đồng ý đề xuất của TP HCM với lý do đề án chưa xây dựng xong.

Một năm sau, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành uỷ TP HCM khi đó - giao ngành giáo dục thành phố nghiên cứu, triển khai ý tưởng này.

Năm ngoái, TP HCM tiếp tục đề xuất Bộ giao quyền cho các tỉnh thành tự kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Sau đó, Bộ sẽ định kỳ tổ chức, đánh giá chất lượng giáo dục các địa phương.

Giao quyền tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT cho địa phương từng được nhiều người đề xuất, nhất là trong bối cảnh COVID-19 bùng phát, để tổ chức kỳ thi chung trên cả nước cùng một thời điểm là rất khó.

Theo nhiều chuyên gia, đề xuất này phù hợp với Luật Giáo dục hiện hành, quy định, học sinh hoàn thành chương trình THPT, đủ điều kiện thì được dự thi, đạt yêu cầu sẽ được cấp bằng tốt nghiệp. Điểm mở của quy định này là không nói rõ kỳ thi cần triển khai ở cấp quốc gia hay cấp tỉnh, nên Bộ có thể giao việc tổ chức cho các địa phương.

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện nay, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, đề thi và lịch thi hiện do Bộ GD&ĐT chủ trì, thống nhất trên cả nước.

Đọc thêm