TP HCM muốn học sinh nghỉ hết tháng 3

Phòng học các trường đã được khử khuẩn nhưng TP HCM vẫn đề xuất cho học sinh nghỉ hết tháng 3 nhằm đảm bảo an toàn sức khoẻ trước diễn tiến của dịch nCoV.

Tại cuộc họp với Thường trực Thành ủy và UBND TP HCM về phương án cho học sinh nghỉ học phòng dịch nCoV tối 14/2, các sở ngành đánh giá thành phố vẫn tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nCoV do quy mô dân số lớn, tương đương tâm dịch là thành phố Vũ Hán (Trung Quốc).

TP HCM hiện có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp từ mầm non đến THPT với gần 2.300 trường. Nếu cho học sinh đi học trở lại, xảy ra trường hợp không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng và tác động rất lớn. Ngoài ra, học sinh đi học hàng ngày sẽ cần lượng lớn khẩu trang, trong khi thị trường có dấu hiệu khan hiếm. Chưa kể lo ngại dịch bệnh chưa được kiểm soát, đa số phụ huynh không muốn con đi học dù trường lớp "đã sẵn sàng". 

Theo đó, các sở ngành đề xuất cho học sinh nghỉ đến hết tháng 3. Việc nghỉ dài ngày sẽ giúp phụ huynh chủ động sắp xếp công việc để trông nom, chăm sóc con cái cũng như bảo đảm an toàn nhất sức khỏe học sinh. Các em sẽ đi học lại từ tháng 4, kết thúc năm học vào cuối tháng 7, nghỉ hè tháng 8 và đi học lại năm mới đầu tháng 9. 

Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, cho biết phương án này được UBND TP HCM kiến nghị Trung ương. Đây là quyết định quan trọng của thành phố trên cơ sở đánh giá bệnh dịch đang diễn biến rất khó lường, phức tạp. "Quan điểm của Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân là, sức khoẻ và tính mạng của người dân là ưu tiên hàng đầu", ông Lương nói.

Học sinh dự thi tại trường THPT Trần Đại Nghĩa, quận 1. Ảnh: Mạnh Tùng

Học sinh dự thi tại trường THPT Trần Đại Nghĩa, quận 1. Ảnh:Mạnh Tùng

Nhiều nhà quản lý giáo dục, phụ huynh đồng tình cho học sinh nghỉ hết tháng 3 tránh dịch Covid-19. Ông Trần Đức Thành (Hiệu trưởng trường THPT An Dương Vương) cho rằng, nếu nghỉ liên tục hai tháng để tránh dịch, trường có thể xoay xở để dạy bù. Với các trường dạy hai buổi mỗi ngày có thể dạy bù vào buổi học thứ hai, rút ngắn các chương trình ngoại khoá.

Trong thời gian nghỉ, trường phải tổ chức dạy học trực tuyến. Giáo viên dạy học bằng các phần mềm, giao bài tập và kiểm tra học sinh thường xuyên, nhất là các em cuối cấp. Việc này giúp học sinh không lơ là việc học, tạo sự khởi động tốt nhất khi vào học chính thức.

Cũng theo ông Thành, kỳ nghỉ hè chỉ một tháng không ảnh hưởng nhiều tới tâm lý giáo viên, học sinh. Bởi khái niệm "nghỉ hè ba tháng" từ lâu đã không còn khi các em vẫn phải học thêm, ngoại khóa trong những tháng hè.

Theo ông Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du), số phụ huynh muốn cho con nghỉ đông hơn số nguời muốn con đi học. Do đó đề xuất trên phần nào giải quyết bài toán tâm lý cho phụ huynh. "Không có phương án hoàn hảo trong lúc này, mà chỉ có phương án tốt nhất cho nhiều người nhất", ông Phú nói.

Nhiều phụ huynh cũng ủng hộ kế hoạch của thành phố vì mục tiêu hàng đầu hiện nay là kiểm soát được dịch bệnh. Bởi trẻ em thường chưa đủ ý thức để bảo vệ mình, các dấu hiệu trên người bệnh thường không rõ ràng nên sẽ không an toàn khi tập trung đông người.

Trong khi đó, một số lãnh đạo trường học cho rằng, chưa cần thiết phải đề xuất nghỉ hết tháng 3

Mạnh Tùng - Hữu Nguyên

Đọc thêm