Vi phạm hàng chục tỉ
Kết quả thanh tra phát hiện 20 đơn vị có vi phạm, trong đó vi phạm về kinh tế là 18 tỉ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 28 tập thể và 12 cá nhân. Đơn cử như về quản lý, thực hiện dự án đầu tư xây dựng: Toàn ngành triển khai 7 cuộc tại 12 đơn vị, đã ban hành kết luận thanh tra 3 cuộc, qua thanh tra kiến nghị xử lý hành chính 3 tổ chức. Về quản lý và sử dụng tài chính, ngân sách: Toàn ngành triển khai 23 cuộc tại 39 đơn vị, ban hành kết luận thanh tra 6 cuộc; kiến nghị xử lý hành chính 17 tổ chức và 10 cá nhân. Về quản lý, sử dụng đất đai, đã triển khai 11 cuộc tại 17 đơn vị, ban hành kết luận thanh tra 28 cuộc.
Ngoài ra, thanh tra các Sở, ngành cũng đã thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành với 2.393 cuộc, phát hiện các đơn vị có thiếu sót, sai phạm trên các lĩnh vực như: Vệ sinh an toàn thực phẩm, giao thông vận tải, văn hóa - thể thao, du lịch, y tế, xây dựng... Kết quả phát hiện vi phạm về kinh tế trên 1 tỉ đồng, ban hành 2.507 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 16 tỉ đồng…
Theo UBND TP HCM, hiện TP còn 12 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, nổi cộm, kéo dài. TP cũng đang rà soát, xem xét đưa ra khỏi danh sách 4 vụ việc đã được giải quyết cơ bản dứt điểm. Đó là vụ của bà Đoàn Thị Thu Hà và một số tiểu thương tại Khu Bắc chợ An Đông, quận 5; 52 hộ dân xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh; phản ảnh, kiến nghị của một số hộ dân, phường Hiệp Thành, quận 12 (đại diện bà Nguyên Thị Lép) và Dự án xây dựng tuyến đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, quận Tân Bình.
Đồng thời TP HCM tiếp tục triển khai việc xem xét giải quyết 8 vụ việc còn lại, trọng tâm là vụ việc tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2; Khu Công nghệ cao, quận 9 và Dự án xây dựng Thảo Cầm viên mới, huyện Củ Chi.
Đôn đốc thực hiện các kết luận sau thanh tra
Theo UBND TP HCM, cùng với sự quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra của TP, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được các đơn vị chú trọng thực hiện. Các đơn vị đã tập trung vào thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong thực hiện pháp luật thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng. Chú trọng thanh tra đột xuất đối với các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, có nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo như cấp Giấy chứng nhận; việc kiểm tra, xử lý vi phạm về xây dựng; việc cấp phép Giấy phép hành nghề...
Thời gian tới, TP HCM sẽ tiếp tục đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các kết luận sau thanh tra và chỉ đạo xử lý của UBND thành phố. Kiên quyết thu hồi tiền, tài sản chiếm dụng, thất thoát về cho ngân sách nhà nước và góp phần tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý tham nhũng; công khai kết luận thanh tra theo quy định…
Bên cạnh đó, TP HCM cũng nhìn nhận hiện còn nhiều bất cập trong việc áp dụng pháp luật; còn nhiều qui định chưa được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể gây khó cho công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo. Đồng thời TP kiến nghị sớm xem xét, ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Tố cáo năm 2018; việc ban hành Luật Khiếu nại và Thông tư hướng dẫn thực hiện chi tiết một số quy định trong công tác xử lý, giải quyết tố cáo...
Ngày 22/3, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM đã có thông báo kết quả kiểm tra, quyết định thi hành kỷ luật đối với hàng loạt cán bộ liên quan đến sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng ở quận Thủ Đức. Trong đó, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức; ông Nguyễn Nam Hải, Quận ủy viên, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức. Thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng với ông Nguyễn Tấn Phát, Bí thư Chi bộ Đội Thanh tra địa bàn quận Thủ Đức.
Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Thủ Đức đã phê bình nghiêm khắc ông Lưu Trọng Nghĩa, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị; thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách ông Trịnh Hoàng Chánh, chuyên viên phụ trách cấp Giấy phép xây dựng - Phòng Quản lý Đô thị Quận…