Theo đó, với qui định trong Luật thi hành án dân sự: “Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự”, “Kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kịp thời vi phạm pháp luật về thi hành án dân sự”…; UBND Thành phố giao các Sở, ban, ngành thuộc, trực thuộc UBND Thành phố, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự để thực hiện tốt việc quản lý hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn.
Các đơn vị cũng phải chủ động phối hợp trao đổi, thống nhất với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp, đảm bảo đúng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và đúng quy định pháp luật.
Trong trường hợp, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình phối hợp là do quy định pháp luật có mâu thuẫn, chưa có quy định... thì gửi báo cáo, kiến nghị về Sở Tư pháp để tổng hợp, xử lý.
Các ủy viên UBND Thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc, trực thuộc UBND Thành phố trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
Về nhiệm vụ, quyền hạn: “Chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương”, UBND Thành phố cho rằng, hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể việc xác định “vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương” cần UBND cấp tỉnh, cấp huyện chỉ đạo việc tổ chức cường chế thi hành án và phạm vi, nội dung, quy trình, thủ tục cụ thể để UBND cấp tỉnh, cấp huyện chỉ đạo trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án này.
Tuy nhiên, căn cứ quy định pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trong đó có Luật an ninh quốc gia năm 2004, trên cơ sở văn bản đề xuất của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, UBND Thành phố giao các ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Công an Thành phố xem xét, xác định cụ thể từng trường hợp có phải là “vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương” theo quy định pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội cần UBND Thành phố chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự hay không.
Nếu là “vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương” thì đề xuất phạm vi, nội dung cơ bản, cụ thể mà UBND Thành phố phải chỉ đạo (trong trường hợp này, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự vẫn chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình tổ chức thi hành án dân sự (như việc kê biên, thẩm định giả, bán đấu giá...) theo quy định của pháp luật).
Nếu vụ việc không thuộc trường hợp nêu trên thì cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án và chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật, không xin ý kiến UBND Thành phố các vấn đề không thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong thi hành án dân sự.