Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy TP HCM cho biết, Hội nghị đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 39 với tỷ lệ 100% nhất trí. Đây là tiền đề quan trọng để TP HCM triển khai các bước tiếp theo trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, bảo đảm phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Trước đó, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh, đây là Hội nghị quan trọng, diễn ra trong bối cảnh thành phố đang bước vào giai đoạn then chốt triển khai các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đặc biệt là việc thực hiện các nghị quyết mới của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp. Bí thư Thành ủy đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quý I/2025.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát huy tinh thần trách nhiệm, bám sát chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, thể hiện sự chủ động, quyết liệt trong hành động.
Ban Thường vụ Thành ủy đã trình Hội nghị dự thảo Đề án sắp xếp, hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm TP HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau sắp xếp, TP HCM mới có diện tích 6.772,65km², đạt 135,43% so với tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp tỉnh; quy mô dân số 13.706.632 người, đạt 979,04% so với tiêu chuẩn; tổng cộng 168 đơn vị hành chính trực thuộc. Tổng số cán bộ, công chức hiện có là 22.878 người, số lượng viên chức là 132.110 người.
HĐND TP HCM mới sẽ hợp nhất đại biểu HĐND các tỉnh, thành nêu trên và tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026.
HĐND TP mới có 4 ban chuyên môn.
HĐND cấp xã của các đơn vị sau sáp nhập tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chủ tịch HĐND cấp xã được Thường trực HĐND TP chỉ định. Đối với các phường thuộc TPHCM, tiếp tục không tổ chức HĐND phường theo Nghị quyết 131/2020/QH14. Việc tổ chức HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031 sẽ tuân theo Luật sửa đổi.
![]() |
TP HCM sẽ phát triển vượt bậc khi sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. |
UBND sẽ thực hiện theo Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Trung ương, tổ chức 15 sở và cơ quan tương đương. Một số cơ quan được sắp xếp, chuyển chức năng như: chuyển Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Dương về Sở Ngoại vụ TP HCM; giải thể Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bình Dương, chuyển nhiệm vụ về Sở Xây dựng TP HCM; sáp nhập các đơn vị sự nghiệp tương đồng; giữ nguyên các doanh nghiệp, quỹ nhà nước trước mắt.
Các trung tâm GDNN - GDTX và trường chuyên biệt chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo; các trung tâm văn hóa, thư viện, nhà thiếu nhi, ban quản lý chợ và công viên chuyển về UBND cấp xã nơi trú đóng. Đài truyền thanh sáp nhập với trung tâm văn hóa cấp huyện; Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng chuyển về Sở Tài nguyên và Môi trường (đổi tên thành Sở Nông nghiệp và Môi trường); Ban QLDA khu vực cấp huyện chuyển về UBND TP; Ban QL bến xe về Sở Xây dựng; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp chuyển về Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng trình dự thảo Đề án kết thúc hoạt động của đảng bộ cấp huyện, sắp xếp hệ thống tổ chức đảng cấp xã tại Đảng bộ TP HCM. Cơ sở triển khai là nguyên tắc Điều lệ Đảng, mô hình tổ chức đảng tương ứng với mô hình tổ chức chính quyền, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đối với hệ thống chính trị.
Ban Thường vụ Đảng ủy UBND TP đã trình Hội nghị dự thảo Phương án thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (không tổ chức cấp huyện). Cụ thể, cấp tỉnh TP HCM tổ chức HĐND và UBND, với 4 ban chuyên môn HĐND và 15 sở, ban, ngành UBND cấp tỉnh. Cấp xã: gồm HĐND và UBND xã, phường, đặc khu.
Mô hình chính quyền cấp xã đảm bảo phân quyền mạnh, tinh gọn, đề cao vai trò của Chủ tịch UBND xã. Cơ cấu tổ chức gồm 4 phòng chuyên môn: Văn phòng, Phòng Kinh tế hoặc Kinh tế - Hạ tầng - Đô thị, Phòng Văn hóa - Xã hội và Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Căn cứ vào Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Trung ương, TP HCM đề xuất sắp xếp 273 phường, xã, thị trấn hiện hữu thành 102 đơn vị hành chính cấp xã mới (78 phường, 24 xã), giảm 171 đơn vị, tương ứng 62,64%.
Hội nghị cũng thông qua phương án điều chỉnh địa giới hành chính để hoàn thiện mô hình tổ chức mới. Một số điểm đáng chú ý được nêu trong phương án như: TP Thủ Đức điều chỉnh ranh với tỉnh Bình Dương (khu Đại học Quốc gia); Quận 8 điều chỉnh ranh với 3 xã của huyện Bình Chánh; Quận 1 có đơn vị hành chính lấy tên là Sài Gòn; Quận 5 có đơn vị hành chính tên là Chợ Lớn; Quận 11 đổi tên phường Cây Mai thành Minh Phụng...