Theo TS Trịnh Bảo Sơn, Giảng viên Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP HCM), mỗi ngày lượng rác thải rắn sinh hoạt toàn TP gần 10 ngàn tấn. Đa số các loại rác thải rắn sinh hoạt đều có thể tái chế hoặc sử dụng làm phân bón. Tuy nhiên, công tác phân loại rác tại nguồn còn rất nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc tận dụng nguồn lợi từ rác thải sinh hoạt.
Chuyên gia hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn, tức xuất phát từ chính căn nhà của dân cư, gồm 3 loại: Chất thải rắn hữu cơ (gồm thức ăn dư thừa, rau, củ, quả, hạt, bã trà, bã cà phê, xác động vật, lá cây…), chất thải rắn tái chế (gồm các loại giấy, túi ni lông, các loại đồ nhựa, lon, chai nước…) và rác thải còn lại. Tuy nhiên, do điều kiện hiện nay, người dân chỉ cần phân thành hai loại là rác thải rắn hữu cơ và rác thải rắn còn lại.
Không chỉ lắng nghe lời hướng dẫn, tuyên truyền, cư dân còn có những phản hồi rất tốt để cơ quan chức năng có kế hoạch. Một người dân nói: “Gia đình tôi từ lâu đã phân loại rác, nhưng một lần tôi đi đổ rác thì người dọn vệ sinh nói “chị cứ đổ chung vào, chị không đổ thì lát tụi em cũng đổ”. Tôi rất buồn vì dân phân loại nhưng đến khi về thùng rác công cộng thì bị gom chung, gây uổng công sức. Tôi đề nghị cơ quan chức năng làm việc với Công ty công ích để khắc phục”.
Một cư dân khác còn đề nghị chính quyền có thêm kênh thu nhận nguồn rác thải độc hại vì hiện nay chỉ có 1 cơ sở thu gom nhưng một năm chỉ thu gom 2 lần gây khó khăn cho cư dân.
Lắng nghe ý kiến của cư dân, một cán bộ địa phương cho biết: “Việc phân loại rác tại nguồn là chủ trương chung của toàn TP. Tuy nhiên việc triển khai còn nhiều khó khăn, nhất là khi chưa có sự đồng bộ từ nguồn đến dịch vụ thu gom, xử lý rác. Địa phương sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để phản ánh những ý kiến này”.