TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu: Bàn việc hợp nhất 3 Sở Y tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sở Y tế TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vừa tổ chức cuộc làm việc bàn việc hợp nhất 3 Sở, nhằm bảo đảm các hoạt động cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho gần 14 triệu dân của TP HCM khi hợp nhất. Đây là cuộc làm việc đầu tiên nhằm đánh giá quy mô cung ứng dịch vụ y tế (DVYT) sau khi hợp nhất để làm căn cứ thực tiễn xây dựng phương án sắp xếp hệ thống y tế TP khi hợp nhất.
Dự báo nhu cầu cung ứng DVYT sẽ tăng lên rất cao tại TP HCM sau khi hợp nhất. (Ảnh: Nguyễn Trần)
Dự báo nhu cầu cung ứng DVYT sẽ tăng lên rất cao tại TP HCM sau khi hợp nhất. (Ảnh: Nguyễn Trần)

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã trao đổi các vấn đề đánh giá quy mô cung ứng DVYT sau khi hợp nhất; những thách thức trong triển khai các dự án đầu tư công của ngành Y tế; triển khai đề án củng cố tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP và phương án sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống y tế.

Sau khi hợp nhất, diện tích của TP HCM từ 2.095km2 sẽ tăng lên 6.772km2 và dân số từ 9,9 triệu người sẽ tăng lên hơn 13,7 triệu người. Theo đó, nhu cầu cung ứng DVYT sẽ tăng lên rất cao, cả về nhu cầu và phạm vi cung ứng, trong khi nguồn lực y tế có tăng nhưng trong giai đoạn đầu chưa thể tương xứng với sự gia tăng về nhu cầu và phạm vi.

Số bệnh viện (BV) trên địa bàn TP sẽ tăng từ 134 lên 164 (Bình Dương 27, BR-VT 13); số giường bệnh từ 41.525 tăng lên 49.147. Tuy nhiên, tỷ lệ giường bệnh/10 ngàn dân sẽ giảm từ 41,7 xuống còn 31,3 (chỉ tiêu phấn đấu là 42 giường bệnh/10 ngàn dân). Số bác sĩ từ 20.727 sẽ tăng lên 24.629, nhưng tỷ lệ bác sĩ/10 ngàn dân lại giảm 20,8 xuống còn 13,08.

Đại diện các Sở Y tế cho rằng người dân sẽ rất phấn khởi khi 3 địa phương được hợp nhất và dự báo số lượt khám, chữa bệnh sẽ tăng cao tại các BV đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối tại TP sau khi hợp nhất.

Số lượt khám bệnh tăng trên 42 triệu lượt/năm, dự báo sẽ tăng lên trên 51 triệu lượt/năm; số lượt điều trị nội trú cũng tăng trên 2,2 triệu lượt/năm, dự báo sẽ tăng lên trên 3,8 triệu lượt/năm. Như vậy, nếu so sánh trên phạm vi cả nước thì hệ thống y tế TP sẽ cung ứng khoảng hơn 30% số lượt khám ngoại trú và hơn 23% số lượt điều trị nội trú của cả nước.

Đây là thách thức rất lớn, nhưng cũng là cơ hội không nhỏ để ngành Y tế chủ động nghiên cứu, mở rộng thêm cơ sở 2, cơ sở 3 của các BV đa khoa, chuyên khoa đầu ngành. Việc làm này vừa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, vừa là cơ hội để thúc đẩy phát triển loại hình du lịch y tế. Ngoài ra, ngành Y tế cũng cần tham mưu bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống y tế, như phát triển thêm các cụm y tế chuyên sâu thứ 4, thứ 5 trên địa bàn.

Một thách thức khác sau khi sáp nhập được các đại biểu quan tâm đó là hiện ngành y tế Bình Dương và BR-VT chưa triển khai cung ứng dịch vụ cấp cứu ngoài BV. Điều này đòi hỏi ngành y tế TP sớm có giải pháp mở rộng mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh để phục vụ người dân. Cùng với đó, các giải pháp về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và y tế cộng đồng cũng cần được mở rộng địa bàn ngay khi hợp nhất 3 địa phương.

Đối với hoạt động đầu tư công lĩnh vực y tế, mặc dù nhiều công trình xây dựng BV đúng tiến độ, phát huy hiệu quả, nhưng vẫn có những công trình chậm đưa vào sử dụng. Do đó, các ý kiến cũng thống nhất kiến nghị sớm có giải pháp căn cơ giúp cho ngành y tế quản lý tốt các dự án đầu tư công sau khi hợp nhất 3 Sở Y tế.

Dự kiến các giải pháp và phương án cụ thể khi hợp nhất bảo đảm nâng cao chất lượng công vụ của ngành Y tế và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới sẽ được thảo luận tại cuộc làm việc vào ngày 6/6 với chủ đề: "Các giải pháp cung ứng DVYT đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân TP HCM sau hợp nhất".

Đọc thêm