Từ đầu năm đến nay, CPI thành phố đã tăng 5,54% và tăng 7,59% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng CPI tháng 9 là mức cao nhất trong 6 tháng qua. Bên cạnh đó, nỗi lo về hàng giả cũng đè nặng đôi vai người tiêu dùng.
Qua khảo sát, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thuộc nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà, ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng... đã tăng mạnh từ đầu tháng 9. Một trong những nguyên nhân tăng giá là do ảnh hưởng tỉ giá USD tăng nên nhiều mặt hàng nhập khẩu đều tăng, kể cả các mặt hàng sản xuất trong nước có sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu cũng chịu tác động này.
Tại TP.HCM, qua khảo sát 1.000 mặt hàng tân dược do Chi Cục Quản lý thị trường (QLTT) thực hiện cho thấy, tỷ lệ tăng giá khoảng 5%. Với thuốc ngoại, có 19 lượt mặt hàng tăng giá với tỷ lệ tăng trung bình 4,8%. Dự báo trong thời gian tới, nhiều mặt hàng tân dược còn tăng giá do giá nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu từ nước ngoài tăng cộng với sự thay đổi tỷ giá giữa đồng Việt Nam và các ngoại tệ mạnh. Cùng với làn sóng nhiều mặt hàng đội giá cao, thị trường TP.HCM từ đầu năm đến nay đang hứng chịu nhiều lọai hàng “dởm” như hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng sản xuất trong nước và nhập khẩu.
|
Thực hiện đợt kiểm tra mũ bảo hiểm kém chất lượng và các mặt hàng buộc phải dán tem hợp quy kể từ ngày 15/9/2010, gồm đồ chơi trẻ em và 6 mặt hàng thiết bị điện gia dụng. Lực lượng QLTT thành phố đã tạm giữ 2.065 đồ chơi trẻ em không dán tem hợp quy (CR),trong đó có súng nhựa một lọai hàng cấm nhập khẩu, 592 sản phẩm điện gia dụng không tem hợp quy gồm có quạt điện, nồi cơm điện, máy sấy tóc, bình đun nước siêu tốc, 128 cái mũ bảo hiểm không dán tem.
Gần đây, một số vụ bày bán, chứa trữ nhiều loại hàng hóa giả nhãn hiệu gồm quần áo, túi xách, giày dép, mỹ phẩm giả các nhãn hiệu nước ngoài. Đáng chú ý, có công ty sản xuất mỹ phẩm có nhãn hiệu riêng hợp pháp, nhưng lại sản xuất “thêm” mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu nước ngoài với số lượng khá lớn. Riêng gas giả, QLTT TP đã phát hiện xe tải chở nhiều bình gas loại 12 kg giả mạo các nhãn hiệu gas. Loại gas này được chiết nạp lậu rồi gắn niêm giả mạo nhãn hiệu, thường thiếu trọng lượng, không an toàn do không được công ty gas chính hãng kiểm định kỹ thuật.
Ngày 21/9, Đội QLTT 2A kiểm tra cửa hàng Trường Phát II tại số 45/6 đường Ông Ích Khiêm, phường 10, quận 11, đã tạm giữ 2.104 kg vải in bông do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ. Ngày 20/9, Đội QLTT Bình Tân phát hiện xe tải (biển số 54M-7038 ) đang chuyển 949 bình xăng con xe gắn máy hiệu Kei-Hin do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ vào địa chỉ số 24 đường số 17, phường Bình Trị Đông B. Tiếp tục kiểm tra địa chỉ trên, lực lượng QLTT tiếp tục tạm giữ 20 thùng carton phụ tùng xe gắn máy gồm bình xăng con, chuông nồi, keo, sên cam do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ, trị giá hàng vi phạm khoảng 150 triệu đồng. Trước đó, ngày 15/9, kiểm tra kho hàng Chi nhánh Công ty TNHH Khang Hữu (số 165/5 đường Nguyễn Văn Luông, phường 10, quận 6); Đội QLTT 5A tạm giữ 21.700 cây súng nhựa thuộc danh mục hàng cấm kinh doanh, trị giá khoảng 200 triệu đồng. Ngày 16/9, Đội QLTT 5B kiểm tra điểm chứa hàng tại số 26 đường Trần Chánh Chiếu, phường 14, đã tạm giữ 4.500 kg bột ngọt do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ.
Đại diện Chi Cục QLTT TP. HCM cho biết, mới đây cơ quan này đã phát hiện hàng trăm túi xách giả mạo nhãn hàng Vuitton (nhãn hiệu thời trang cao cấp của Pháp), đồng hồ Chanel, Bvlgari, giầy dép Piere Cardin bày bán trong các trung tâm thương mại kinh doanh hàng cao cấp và có giá rẻ hơn 5-7 lần hàng thật. Tại TP. Hồ Chí Minh, theo ước tính của cơ quan QLTT thành phố rượu giả tiêu thụ mỗi tháng khoảng 100 000 chai và ¾ số đó là ở các vũ trường, nhà hàng.
Trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đoàn kiểm tra liên ngành, từ ngày 10/8 đến nay, đã kiểm tra 17 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kết quả đoàn kiểm tra đã phát hiện một cửa hàng có 3 cột bơm xăng dầu không đạt yêu cầu về đo lường, cụ thể số chỉ thể tích 2 lít có sai số từ 1,25% đến 1,5 % và một cửa hàng bán xăng A92 có trị số octan là 88,1, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.
Trong 9 tháng đầu năm 2010, Chi Cục QLTT TP. HCM đã phát hiện 2.717 vụ vi phạm, tổng số tiền đã thu nộp phạt là 52,4 tỷ đồng, trong đó riêng giá trị hàng hóa, tang vật đã tiêu hủy đã lên con số 7,6 tỷ đồng. Những số liệu thống kê trên cho thấy hàng “dởm” đang thao túng thị trường từ vùng sâu vùng xa đến các trung tâm kinh doanh hiện đại với nhiều chiêu thức khác nhau.
Bài và ảnh: Mị Na