Theo Đề án, mạng lưới đường bộ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang khai thác với tổng chiều dài gần 5.000 km. Bao gồm 5 tuyến Quốc lộ dài hơn 101 km, 10 tuyến đường tỉnh dài hơn 143 km, 457 tuyến đường huyện dài hơn 727 km, 3.180 tuyến đường xã dài hơn 1.157km, 1.286 tuyến đường đô thị dài 1.593 km cùng đường chuyên dùng và tuyến các loại đường nông thôn khác.
Qua thống kê, địa bàn Thành phố có hơn 1/2 số tuyến đường không có vỉa hè nên dẫn đến xảy ra tình trạng dừng đậu xe dưới lòng đường trên các tuyến đường này. Trong số các tuyến đường còn lại, có khoảng 27,47% chiều dài phần vỉa hè các tuyến đường có thể xem xét cho phép sử dụng tạm thời phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông.
Mặt khác, hệ thống bến bãi hiện nay chưa thể đáp ứng được các nhu cầu đậu đỗ của các phương tiện cá nhân trên địa bàn Thành phố. Trong khi đó, nhu cầu đậu đỗ xe của phương tiện, đặc biệt là khu vực trung tâm là rất lớn.
Vì vậy, việc thu phí tạm thời lòng đường vỉa hè là vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo cho người dân có chỗ đậu đỗ tạm thời theo nhu cầu... Đồng thời, nó sẽ đóng góp một phần chi phí vào ngân sách nhà nước nhằm giảm áp lực nguồn vốn mà Thành phố phải chi thường xuyên cho công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ…
Theo Dự thảo Đề án mà Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đưa ra, các tuyến đường (bao gồm lòng đường, hè phố, dải phân cách, đảo giao thông, hành lang an toàn giao thông đường bộ) trên địa bàn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận sẽ được phép sử dụng để thực hiện Đề án.
Về đối tượng áp dụng thì các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời lòng đường để: Tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa; Làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; Bố trí điểm trông, giữ xe máy, xe mô tô, xe đạp có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.
Đồng thời, các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời hè phố để: Tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa; Làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa (thuộc danh mục do UBND cấp huyện ban hành); Điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng (có thu tiền người sử dụng), lắp đặt các công trình tạm (gồm các công trình trụ, bảng, pano quảng cáo và các công trình tương tự) trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông…
Cạnh đó, các tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho: Xe chữa cháy, xe quân sự, xe công an, xe cứu thương, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định của pháp luật; Xe của gia đình hộ kinh doanh (tự quản), xe đỗ trên các tuyến đường cho phép đỗ không thuộc phạm vi thu phí; Dịch vụ xe hai bánh công cộng (xe đạp, xe điện) do các tổ chức triển khai thực hiện phục vụ hành khách được cơ quan có thẩm quyền cho phép…
Ngoài ra, đề án cũng nêu một số trường hợp miễn thu phí như các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời lòng đường để tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội), tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước (theo kế hoạch của UBND TP Hồ Chí Minh); Tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang; Bố trí điểm để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe…
Về mức phí, Đề án đề xuất (xem ảnh):
Cụ thể 5 khu vực được xác định như sau:
+ Khu vực 1: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 10, quận Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm
+ Khu vực 2: Quận 2 (cũ) (trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm), Quận 6, Quận 7 (trừ Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố), Quận 11, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận Bình Tân
+ Khu vực 3 - Quận 8, Quận 9 (cũ), Quận 12, quận Thủ Đức (cũ), quận Tân Phú, quận Gò Vấp
+ Khu vực 4 - Huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi
+ Khu vực 5 - huyện Cần Giờ
Theo đánh giá của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông có ảnh hưởng tích cực trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Nó cũng tạo an toàn cho người tham gia giao thông và mỹ quan đô thị, giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, hạn chế việc lấn chiếm hè phố, lòng đường để thực hiện các hoạt động tập kết vật liệu, thi công công trình, kinh doanh…